Vải thiều 'rộng cửa' xuất khẩu vào thị trường khó tính

16/06/2016 11:17 GMT+7

Theo Sở Công thương Bắc Giang, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh giảm, nhưng giá thành và tỷ lệ xuất khẩu sang nhiều nước “khó tính” có xu hướng tăng cao.

Người dân trồng vải tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay tiếp tục có nhiều doanh nghiệp ở thị trường “khó tính” đặt mua như: Úc, Mỹ, Malaysia và các nước châu Âu...
Quản lý hơn 10 hộ trồng vải VietGap, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (H.Lục Ngạn) cho hay, mùa vải năm nay doanh nghiệp tìm đến các nhà vườn đặt hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu từ khá sớm.
Đầu tháng 6, nhiều nhà vườn đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, chờ khi vải chín là thu hái, đóng hàng đi xuất khẩu. Năm ngoái, vải thiều VietGap có giá không dưới 40.000 đồng/kg. Năm nay, dự kiến loại vải VietGap có giá tăng khoảng 20 - 25 %.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, năm ngoái vải thiều Bắc Giang xuất khẩu đi 15 quốc gia, trong đó Trung Quốc là thị trường truyền thống, còn lại đa số là thị trường mới, nổi tiếng “khó tính” như Úc, Mỹ và các nước châu Âu. Năm nay, dự báo, sản lượng vải xuất khẩu đi các thị trường mới sẽ tăng cao hơn so với năm trước. Điển hình là thị trường Úc, nếu như năm ngoái, tổng sản lượng xuất khẩu trong cả vụ của tất cả các doanh nghiệp chỉ là 30 tấn thì năm nay đã có doanh nghiệp đăng ký sản lượng lên tới gần 200 tấn.
Còn ở thị trường Mỹ, có doanh nghiệp năm ngoái chỉ xuất khẩu được một vài lô hàng, thì kế hoạch năm nay tăng lên khoảng 10 lô hàng. Trong năm ngoái, toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có 8 mã số vùng trồng vải xuất khẩu thì năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã đăng ký 15 mã vùng trồng thu mua xuất khẩu.
Cũng theo ông Tấn, tính đến ngày 12.6, đã có 15.400 tấn/23.000 tấn vải thiều chín sớm được tiêu thụ. Sản lượng vải thiều năm nay ước đạt khoảng 130.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với mùa vụ năm 2015, do tỉnh chủ động sắp xếp quy hoạch lại diện tích các vùng trồng vải, để nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.