Vinacafe Biên Hòa khẳng định đã từng trộn đậu nành vào cà phê để bán

23/08/2016 22:17 GMT+7

Mặc dù cho rằng bản thân và đội ngũ lãnh đạo thấy 'day dứt', song trước thông tin 'ông lớn' Vinacafe thừa nhận đã từng trộn đậu nành vào cà phê để bán khiến dư luận không khỏi bị sốc 'toàn tập'.

Tại diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch diễn ra hôm nay 23.8 tại Hà Nội, một lần nữa ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) đã thừa nhận Vinacafe từng trộn đậu nành vào cà phê khi làm hai sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up và Phinn để bán ra thị trường trước… sức ép của thị trường.
Ông Kỷ nói: “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake-up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê”.
Cả hai sản phẩm đều mang lại kết quả kinh doanh rất tốt cho công ty. Tuy nhiên, theo ông Kỷ, điều này đã khiến trong đội ngũ tại Vinacafe cảm thấy “day dứt” vì chiều theo thị hiếu người tiêu dùng mà “đi ra khỏi triết lý về giá trị nguyên bản trong sản phẩm cà phê của mình”.
Trước đó, tại TP.HCM, trong buổi giới thiệu ra mắt sản phẩm cà phê phin kiểu Việt Nam mang thương hiệu Vietnamo của công ty này, ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Vinacafe Biên Hòa, cho biết đã gắn bó với thương hiệu Vinacafe hơn 30 năm và đã gìn giữ được triết lý cà phê từ năm 1968 là “nguyên chất, không pha trộn đậu nành bởi cà phê không chỉ là sản phẩm gắn bó với nhiều thế hệ Việt Nam mà còn là thương hiệu quốc gia”. Tuy nhiên, trước lời “tự thú” của chính vị "thuyền trưởng" Vinacafe Biên Hòa, ông Vũ cũng thừa nhận năm 2012, do khẩu vị thưởng thức cà phê của người tiêu dùng có phần bị xáo trộn trước tác động của nhiều nguồn cà phê pha trộn khác nhau và kể cả trước sức ép của thị trường, Vinacafe Biên Hòa đã trộn đậu nành vào cà phê và có ghi rõ trên bao bì bán ra thị trường.
Vào tháng 7 năm nay, một "ông lớn" khác trong ngành cà phê Việt là Nescafe cũng thừa nhận sản phẩm cà phê Việt của mình có trộn đậu nành với lý do nhằm phù hợp khẩu vị và sở thích của người Việt.
Như vậy, với lý do sức ép thị trường, gu thưởng thức mà các "ông lớn" cà phê sẵn sàng chiều theo thị hiếu dễ dãi và đi lệch triết lý kinh doanh mà thương hiệu này theo đuổi từ nửa thế kỷ như vậy. Giải thích về lý do vì sao gu thưởng thức cà phê Việt lại thay đổi để đẩy đến “sức ép” khó thuyết phục này, ông Vũ thừa nhận đó là hậu quả từ thời bao cấp, khi việc mua bán cà phê quá khó khăn, ngăn sông cấm chợ khiến nhiều người vốn yêu thích cà phê nảy ra việc dùng bột bắp, đậu nành rang cháy để thay cà phê, đánh lừa vị giác.
Sau lời tự nhận “có trộn đậu nành vào cà phê” của Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa Nguyễn Tân Kỷ, ông Kỷ cam đoan: “Từ ngày 1.8.2016, Vinacafe Biên Hòa sẽ chỉ sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm làm từ cà phê nguyên chất, không trộn đậu nành”.
Ông Nguyễn Tân Kỷ nói thêm: “Đây quả thực không phải là một quyết định dễ dàng, đặc biệt đối với gu thưởng thức cà phê đã quen với việc pha trộn các loại khác ngoài-cà-phê của người tiêu dùng hiện giờ. Bởi chúng tôi luôn tự hỏi rằng nếu bản thân người Việt Nam chúng ta không tự thân nỗ lực cùng nhau làm những điều tốt đẹp cho cà phê Việt Nam, liệu chúng ta còn có thể trông chờ ai khác giúp mình hay không? Tại Vinacafe Biên Hòa, chúng tôi tin rằng quyết định này là đúng, vì niềm tự hào của cà phê mang bản sắc Việt Nam. Thay mặt cho hàng ngàn nhân viên Vinacafe Biên Hòa, tôi xin cam kết bảo vệ niềm tin ấy đến cùng. Cùng nhau, chúng ta sẽ khôi phục, và tôn vinh giá trị nguyên bản của cà phê Việt Nam”.
Việt Nam đang đứng số 1 về cà phê Robusta, thứ 2 về xuất khẩu cà phê nói chung nhưng người Việt Nam không được uống cà phê thực sự. Đó là câu chuyện nhức nhối đối với người tiêu dùng Việt. Thực tế, vai trò của các doanh nghiệp lớn là có thể định hướng được thói quen của người tiêu dùng, trong đó đa số là những thói quen xấu. Chẳng hạn, thích ăn chả giòn dai tẩm hàn the, thích mua măng vàng đẹp mắt tẩm vàng ô… Các chuyên gia thực phẩm khẳng định những thói quen tai hại đó, nếu chính nhà sản xuất từ chối thực hiện, chắc chắn người tiêu dùng sẽ thay đổi. Như vậy, với thói quen gu thưởng thức cà phê có bột đậu nành, bột bắp của người tiêu dùng lẽ ra thay vì thay đổi để định hướng lại “gu” của người tiêu dùng, nhà sản xuất lại “chiều thị hiếu” rất khó hiểu. Như vậy, gu, nói cách nào đó, “thủ phạm” trước hết là từ nhà sản xuất.
50% cà phê đang được bán trên thị trường là không nguyên chất
Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc cao cấp ngành hàng cafe - Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan, trung bình mỗi năm, Việt Nam có 17 tỉ ly cà phê được uống, tương đương với khoảng có 35 triệu ly cà phê mỗi ngày. “Chúng tôi không gọi là cà phê mà là di sản quốc gia. Di sản đó đang bị mai một dần vì mỗi năm tại Việt Nam có 17 tỉ ly cà phê được uống nhưng vì một đời sống kinh tế khó khăn, vì lợi nhuận, lòng tham, đang biến thứ thức uống đó thành không phải cà phê. Điều đó khiến hàng triệu người Việt Nam chưa từng được thưởng thức 1 ly cà phê đúng nghĩa", ông Toàn nói và khẳng định số liệu nghiên cứu cho thấy có đến 50% cà phê đang được tiêu thụ trên thị trường không phải cà phê nguyên chất.
Ông Toàn cho rằng hạt cà phê Việt cũng đang được định giá thấp hơn giá trị đổ ra. Mỗi ký cà phê nông dân Việt bán được 2 USD/kg nhưng Starbuck bán 1 ly cà phê đã có giá 4 USD, gấp hàng trăm lần so với hàng triệu người nông dân Việt Nam thu được. “Nescafe hay Starbuck thương hiệu hàng trăm tỉ USD nhưng không trồng 1 hạt cà phê nào. Vậy mà cường quốc số 1 cà phê chúng ta không sống nổi trên chính hạt cà phê chúng ta tạo ra", ông Toàn cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.