Kinh hoàng trạm trung chuyển rác

06/12/2013 09:00 GMT+7

Toàn TP.HCM hiện có 47 trạm trung chuyển rác thải nhưng có tới 70% số trạm không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, diện tích, điều kiện thu gom... gây ô nhiễm nặng nề cho người dân.

Toàn TP.HCM hiện có 47 trạm trung chuyển rác thải nhưng có tới 70% số trạm không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, diện tích, điều kiện thu gom... gây ô nhiễm nặng nề cho người dân.

Kinh hoàng  trạm trung chuyển rác
Trạm trung chuyển rác trên đường Tân Hóa (Q.11) đang nâng cấp nên rác không được tập kết vào bô và đổ ngay dưới nền - Ảnh: Đình Mười

Công viên, lòng đường thành nơi chứa rác

15 giờ 30 ngày 5.12 tại điểm trung chuyển rác số 70A Tân Hóa (P.3, Q.11) do HTX công nông Q.11 quản lý mùi hôi bốc lên nồng nặc do hàng chục xe tải lớn nhỏ tấp nập đến đổ rác. Bãi rác nằm lộ thiên, không có mái che, rác được tập kết ngay dưới nền chứ không qua các bô chứa khiến nước chảy lênh láng. Nhiều người đi đường phải bịt mũi khi đi ngang qua khu vực này. Một người có trách nhiệm tại trạm rác cho biết mỗi ngày 3 lần dùng thuốc khử mùi xịt để giảm mùi hôi nhưng vẫn không ăn thua. Đây là điểm tập trung rác sinh hoạt lớn nhất trên địa bàn Q.11 với khoảng 400 tấn rác mỗi ngày. Lý do tập kết rác ngay trên nền đất theo đại diện HTX công nông Q.11, do trạm rác đang trong quá trình cải tạo nâng cấp nên không có bô chứa. Vì vậy, ngay cả khi rác được chuyển đi, mùi hôi thối vẫn nồng nặc cả khu vực này.

 

Trạm nằm cách UBND phường và quận không xa, người dân kêu nhiều lần mà không thấy trạm được dời đi. Để hạn chế mùi hôi, chúng tôi đã phải tự trồng một hàng cây xanh “bao bọc” trạm rác để "chắn" bớt

Chị Vân, nhà gần trạm trung chuyển rác ở P.5 (Q.8)

Có mặt tại trạm trung chuyển rác trên đường Kha Vạn Cân, đoạn giao nhau với đường Linh Đông, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người đi đường một tay lái xe, một tay... bịt mũi. Nhưng khổ nhất là những hộ dân sống gần đây khi hằng ngày bị mùi hôi thối tra tấn. Nói là trạm trung chuyển nhưng thực tế chỉ là một khoảng đất trống sát lề đường Kha Vạn Cân. Anh Hoàng, nhân viên lái xe chở rác thuộc Công ty môi trường đô thị TP.HCM, cho biết hằng ngày rác sinh hoạt của người dân sống trên địa bàn Q.Thủ Đức được thu gom và tập kết về đây. Đến cuối ngày, xe tải của Công ty môi trường đô thị mới đến gom rác chở về các bãi chôn lấp, xử lý tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Tuy nhiên, do trạm trung chuyển nằm giữa đường, lại gần khu dân cư và thời gian rác chờ vận chuyển về bãi quá lâu khiến tình trạng ô nhiễm rất nặng.

Ngay tại đường Lê Lai đoạn công viên 23.9 (P.Bến Nghé, Q.1) cứ khoảng 13 giờ mỗi ngày các xe thu gom rác lại tập kết chờ "ăn hàng". Trạm này nằm ngay dưới lòng đường, nên nước rỉ từ rác tạo thành vũng rất hôi thối. Cách đó không xa, góc đường Lê Lai - Nguyễn Thái Học cũng hình thành một trạm trung chuyển rác ngay dưới lòng đường Nguyễn Thái Học. Dọc đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão (Q.1) xe gom rác nằm la liệt khắp nơi dưới lòng, lề đường. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan trong khi nơi đây du khách nước ngoài tập trung rất đông. Một nhân viên thu gom rác cho biết các điểm trung chuyển này phục vụ cho công tác thu gom rác trên địa bàn P.Bến Nghé.

Ngay cả công viên Hòa Bình (P.9, Q.5) cũng bị “trưng dụng” làm bến trung chuyển rác khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chị Dung, nhà gần công viên, bức xúc công viên là nơi thư giãn, tập thể dục, nhưng Công ty dịch vụ công ích Q.5 lại chiếm làm nơi chứa rác. Do nước rỉ rác đọng lại thành vũng, các xe thu gom rác tập kết nơi đây khiến mùi hôi thối nồng nặc, người dân không dám vào công viên vui chơi. Trên đường Trang Tử, đoạn trước chợ Kim Biên thì các bô rác lại nằm ngay dưới lòng đường. Theo những người sống gần đây, mỗi ngày chỉ có 2 đợt xe tải đến gom rác vào 6 giờ và 14 giờ nhưng xe luôn đến trễ. “Như hôm nay đã 15 giờ rồi mà xe gom rác vẫn chưa đến. Vì thế chúng tôi lại bị tra tấn bởi rác” - một người dân chán chường nói.

Kinh hoàng  trạm trung chuyển rác
Bô rác trước chợ Kim Biên (Q.5) luôn “tra tấn” người dân sống gần đó - Ảnh: Đình Mười

Tại khu vực Q.8, ngay góc đường Phạm Thế Hiển - Tạ Quang Bửu (P.5) từ lâu đã tồn tại một trạm trung chuyển rác tập trung cả ngày lẫn đêm nên người dân không lúc nào được thoát được mùi hôi thối. "Trạm nằm cách UBND phường và quận không xa, người dân kêu nhiều lần mà không thấy trạm được dời đi. Để hạn chế mùi hôi, chúng tôi đã phải tự trồng một hàng cây xanh “bao bọc” trạm rác để "chắn" bớt" - chị Vân, nhà gần trạm rác này bức xúc nói. Cách đó không xa, một trạm rác nằm ngay lề đường 12 đối diện với UBND Q.8 cũng bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Huy, nhà sát bên trạm rác, cho biết nhiều lần vì chịu không nổi mùi hôi thối đã đẩy mấy chiếc xe rác đi nơi khác.

Địa phương bó tay

Trao đổi với PV Thanh Niên trước những bức xúc của người dân về các trạm trung chuyển rác trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND P.5 (Q.8), cho biết phường này có đến 5 trạm trung chuyển rác đều nằm trong khu dân cư nên người dân kêu rất nhiều. Trong các cuộc họp phường cũng kiến nghị nhiều nhưng đến nay mới di dời được 1 trạm, 4 trạm còn lại chuyển không được bởi không có nơi nào để đi. Đến phường nào cũng không nhận.

Kinh hoàng  trạm trung chuyển rác
Trạm trung chuyển rác nằm trên lề đường số 12 (Q.8), ngay sát nhà dân và đối diện UBND Q.8 bốc mùi hôi thối  - Ảnh: Đình Sơn

Chủ tịch P.9 (Q.5) Lê Thị Hiếu Thảo phân trần rằng phường không còn nơi nào để bố trí trạm trung chuyển rác, bởi ở đâu cũng là khu dân cư. Mặc dù quận đã có chủ trương dời trạm rác ra khỏi công viên Hòa Bình nhưng chưa có điểm mới nên tạm thời vẫn phải tập kết rác ở đây. UBND quận chỉ biết yêu cầu Công ty dịch vụ công ích Q.5 phải chở rác đi trước 6 giờ mỗi ngày để hạn chế bớt sự ô nhiễm cho người dân. “Phường đã nhiều lần kiến nghị dời trạm rác này đi bởi nó gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống các hộ dân gần công viên, đặc biệt gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị nhưng đến nay vẫn chưa dời đi được”, bà Thảo nói.

Hiện tại, TP thải ra trên 8.000 tấn rác các loại mỗi ngày. Đó là chưa tính đến bùn thải và phân hầm cầu, hơn 2,2 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Sở Tài nguyên - Môi trường TP cũng thừa nhận tại khu vực ngoại thành hiện chỉ có 50 - 70% lượng rác thải được thu gom và vận chuyển đến các bãi rác tập trung. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ thu gom cũng chỉ đạt 85 - 90%. Lượng rác tồn đọng khiến TP đang bị ô nhiễm nặng nề. Chưa kể, nhiều trạm trung chuyển rác do thời gian chờ thu gom và vận chuyển đến các bãi chôn lấp quá lâu đã bốc mùi hôi thối, gây nguy cơ về các bệnh đường hô hấp cho người dân.

Chỉ 26,5% bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 450 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên 1 ha, trong đó có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (chỉ chiếm 26,5%), còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Tính đến tháng 4.2012, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 61.500 tấn/ngày (khu vực đô thị chiếm 31.000 tấn/ngày). Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình tại các đô thị là 83,5%, vùng nông thôn khoảng 20 - 30%.

Đình Phú

Chưa có quy hoạch tổng thể

Theo ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay TP vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn.  Các trạm trung chuyển rác trước đây vốn nằm ở xa khu dân cư, thì nay do đô thị hóa khiến phần lớn trạm lại nằm lọt thỏm trong những khu dân cư đông đúc, là nguồn gây ô nhiễm. TP có kế hoạch đến cuối năm nay sẽ chi 270 tỉ đồng để cải tạo 9 trạm trung chuyển nhằm hạn chế phát tán mùi hôi.

Đình Mười - Đình Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.