(iHay) Trong khi ở Việt Nam, chuyện phạt người xả rác bị xem nhẹ thì ở nhiều quốc gia đã ban hành hình phạt nghiêm ngặt nhằm răn đe hành vi thiếu ý thức này của người dân, với mong muốn xây dựng một xã hội văn minh hiện đại và sạch sẽ.
>> 'Chúng ta phải giấu mặt đi đâu khi nhìn hình ảnh này?'
Chân dung những nghi phạm xả rác bừa bãi được phác họa từ ADN và bêu xấu nơi công cộng
|
Singapore: 1.000 đô-la Sing cho người vi phạm lần đầu
Nếu lần đầu xả rác và bị bắt quả tang, bạn sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đô-la Singapore (hơn 16 triệu đồng), tuy nhiên tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đô-la kèm theo phải lao động công ích vài giờ đồng hồ trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng. Rất có thể cảnh sát còn mời cả truyền thông địa phương đến để ghi nhận sự kiện. Bằng hình thức này, luật pháp của Sing muốn người mắc lỗi phải trải qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng, nhằm chừa thói tiện tay vứt bậy. Rõ ràng là biện pháp trên đã mang lại hiệu quả và đường phố Singapore đã sạch sẽ hơn rất nhiều, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao đáng kể.
Indonesia: Vào tù vì xả rác
Hình phạt tù vì xả rác bừa bãi đã được quy định trong luật lệ của Makassar, thành phố South Sulawesi của Indonesia. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 150.000 đến 5 triệu Rp (khoảng từ 250.000 đồng đến 8.300.000 đồng) hoặc bị phạt tù từ 7 ngày đến 6 tháng. Sau 10 năm luật này được ban hành nhưng không áp dụng, mãi đến tháng 7.2009, tòa án quận mới kết án tù 3 người vì tội xả rác nơi công cộng - hình phạt lần đầu tiên được áp dụng tại Indonesia. Chính quyền thành phố hi vọng những hình phạt nghiêm khắc này sẽ khiến người dân từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, lấy lại vẻ xanh - sạch - đẹp của thành phố.
Hồng Kông: đăng ảnh chân dung để truy tìm thủ phạm
Ở Hồng Kông mỗi ngày có đến 16.000 tấn rác thải được đổ đi. Do đó, việc cải thiện tình trạng này đang được ưu tiên hàng đầu. Luật pháp Hồng Kông quy định xả rác nơi công cộng là một hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu phạt tiền đến 600 đô la Hồng Kông (khoảng 1,7 triệu đồng).
Chưa hết, chính quyền của đảo quốc này còn sử dụng biện pháp truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt (như mẩu tàn thuốc, ly cà phê...) để phân tích, từ đó phác thảo chân dung họ rồi dán khắp phố để thông báo về người đã xả rác bừa bãi trong trường hợp không bắt được tại trận. Nếu không muốn phải độn thổ với những cáo thị vì tội xả rác thì đừng vứt rác bất kể có bị phát hiện hay không.
Hàn quốc: Mức phạt cao nhất lên đến 1 triệu won
Luật pháp Hàn Quốc nghiêm cấm xả rác và trừng trị tội này với mức phạt 30.000 đến 50.000 won (khoảng 570.000 đồng đến gần 1 triệu đồng) hoặc cao hơn tùy theo mức độ. Cũng có trường hợp, e là đáng buồn cho người Việt, vì có biển cấm vứt rác nơi công cộng bằng tiếng Việt hẳn hoi đặt ở quận Chilgok (tỉnh Gyeongsang Bắc), và mức phạt được ghi là lên đến 1 triệu won nếu vi phạm, tức tương đương 19 triệu đồng.
Ở Hàn Quốc, câu chuyện phân loại rác có một sự phức tạp không hề nhẹ. Không những rác phải được phân loại khi đổ mà còn có chuyện quy định cả vùng và ngày hết sức rõ ràng. Theo đó người dân sẽ được cung cấp lịch vứt rác cho từng tháng với ngày thu gom rác tái sử dụng riêng, ngày dành cho các vật dụng lớn riêng. Nếu không thực hiện theo quy định này người dân cũng có thể bị phạt lên đến 300.000 won.
Nhật Bản: 10 triệu Yên cho người phạm lỗi nặng
Những quy định pháp luật về rác thải của Nhật Bản khá khắt khe. Căn cứ vào tình tiết nặng hay nhẹ mà có thể bị phạt tù cao nhất là 5 năm và phạt tiền cao nhất đến... 10 triệu Yên, tức 2 tỉ đồng. Mức phạt này rất có tính răn đe và đã giúp Nhật Bản có được môi trường cực kỳ trong sạch.
Các quy định về việc phân loại rác, ngày đổ rác ở Nhật cũng khắt khe không kém mức phạt trên. Từ loại thùng “dễ cháy” và “không dễ cháy” để tiện lợi cho việc tiêu hủy rác đến các ngày quy định như thứ 2 là ngày thu rác có thể cháy, thứ ba là ngày thu rác không thể cháy, thứ 4 là ngày thu rác chai, lọ… cần phải được ghi nhớ nếu không muốn chi bộn tiền.
Anh quốc: Phạt tội xả rác nặng hơn trộm cắp
Tại Anh, trong khi tội trộm cắp trong cửa hàng hay uống rượu gây rối nơi công cộng bị phạt mức 30 bảng thì tội xả rác (xả rác khi thùng đã quá đầy hay để ngoài thùng...) có mức phạt lên đến 110 bảng, tức khoảng 3,5 triệu đồng (quy định tại vùng Whitehall). Chính quyền ở đây cho biết, mức phạt nặng tay vừa giữ cho đường phố sạch sẽ, vừa mang tính răn đe.
Từng địa phương có những mức phạt khác nhau, thông thường khoảng từ 75-110 bảng cho mỗi lần vi phạm. Đối với những trường hợp tái diễn, mức phạt có thể lên đến 2.500 bảng (khoảng 80 triệu đồng).
Bình luận (0)