Kinh tế Đức đang trượt dốc?

18/10/2023 19:22 GMT+7

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu - đang trượt dốc và sẽ suy giảm trong năm 2023.

Trong suốt nhiều thập niên qua, nền kinh tế Đức đã đạt hết thành công này đến thành công khác, thống trị thị trường toàn cầu về các sản phẩm cao cấp như ô tô hạng sang và máy móc công nghiệp. Đức luôn được xem là đầu tàu kinh tế của châu Âu và nhiều lần vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, thậm chí còn làm bệ đỡ cho một số nền kinh tế yếu ớt của EU trong những giai đoạn suy thoái.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tươi sáng giờ đây không còn nữa khi Đức đang là nền kinh tế phát triển hoạt động kém hiệu quả nhất thế giới. Theo dự báo của IMF, EU và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Đức đang trên đà suy giảm và GDP của Đức sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 so với mức 0,2% dự kiến trước đó.

Kinh tế Đức đang trượt dốc? - Ảnh 1.

Khu trung tâm tài chính tại Frankfurt, Đức

REUTERS

Nguyên nhân suy thoái

Nền kinh tế Đức đang trong thời kỳ suy thoái khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang chịu cú sốc cực lớn vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, Đức mất đi nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Việc dựa vào nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga trong nhiều năm thông qua hệ thống đường ống Nord Stream dưới biển Baltic (được xây dựng dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel) đã bị ngừng lại, khiến cho giá khí đốt tăng vọt dẫn đến lạm phát gia tăng, kinh tế suy thoái.

Thứ hai, tác động của lãi suất cao hơn nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao sau cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo thêm áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi nền kinh tế thiên về sản xuất của Đức phải vật lộn với khối lượng thương mại toàn cầu yếu hơn.

Clare Lombardelli, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết Đức là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng yếu nhất châu Âu vì lạm phát tăng cao do tác động đến thu nhập thực tế, làm kìm hãm nhu cầu tiêu dùng...

Kinh tế Đức đang trượt dốc? - Ảnh 2.

Kinh tế Đức được cho là tăng trưởng yếu nhất châu Âu do lạm phát cao

REUTERS

Thứ ba, Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng của Đức - đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm sau nhiều thập niên phát triển kinh tế mạnh mẽ. Việc Đức ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bất chấp những kêu gọi đa dạng hóa quan hệ kinh tế khiến nền kinh tế Đức càng bị ảnh hưởng. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Đức, tỷ trọng hàng hóa mà Đức nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 12,8% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW), năm 2022, lần thứ bảy liên tiếp Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và trong số các nhóm hàng hóa sản xuất tại Đức, linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng khối lượng nhập khẩu. Theo Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI), khối lượng nhập khẩu một số nguyên liệu thô từ Trung Quốc như đất hiếm (sử dụng để sản xuất pin điện) đã chiếm tới hơn 90% tổng lượng nhập khẩu của Đức về các nguyên liệu này. Tuy nhiên, lượng hàng hóa của Đức xuất khẩu sang Trung Quốc lại có xu hướng giảm.

Thứ tư, Đức bị "lỡ nhịp" trong việc đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch. Nhiều dự án năng lượng sạch đang bị chậm lại do tình trạng quan liêu lan rộng và sự phản đối của người dân do không đáp ứng kỳ vọng. Hiện nay dự án đường dây tải điện trị giá 10 tỉ euro đưa năng lượng gió từ vùng phía bắc đến khu công nghiệp ở phía nam đất nước đang bị chậm so với kế hoạch.

Hậu quả

Những nguyên nhân nói trên đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức một cách sâu sắc. Ông Christian Kullmann, Tổng giám đốc của công ty hóa chất lớn của Đức Evonik Industries AG, nói rằng Đức có nguy cơ "phi công nghiệp hóa" khi chi phí năng lượng cao.

Sự thờ ơ của chính phủ đối với các vấn đề "trầm kha" của nền kinh tế dẫn đến nguy cơ các nhà máy mới và công việc lương cao rời đi nơi khác. Hơn nữa, mất nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga đã "gây tổn hại nặng nề đến mô hình kinh doanh của nền kinh tế Đức". Hiện nay, giá khí đốt cao gần gấp đôi so với năm 2021 đang ảnh hưởng lớn đến các công ty sản xuất lớp phủ thủy tinh, giấy, kim loại sử dụng trong các tòa nhà và ô tô.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, cho biết nhận thức về sức mạnh cơ bản của Đức cũng có thể góp phần dẫn đến các quyết định sai lầm là thoát khỏi năng lượng hạt nhân, cấm khai thác khí đốt tự nhiên và đặt cược vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên dồi dào từ Nga và Đức hiện đang phải trả giá cho chính sách năng lượng của mình.

Giải pháp

Để giải quyết bài toán năng lượng, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, chính phủ Đức đã đưa ra một số giải pháp sau.

Một là triển khai kế hoạch tái khởi động một số nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Ông Christian Kullmann nói rằng sau khi Nga cắt phần lớn khí đốt sang EU, chính phủ Đức đã yêu cầu Evonik tiếp tục vận hành nhà máy nhiệt điện than từ những năm 1960 của công ty này.

Các chuyên gia đánh giá, giải pháp này được coi là đòn giáng mạnh vào nỗ lực đối phó với khủng hoảng khí hậu của Đức, ảnh hưởng đến các mục tiêu trong Kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2030, gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Đức. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng trấn an rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, diễn ra "trong thời gian rất ngắn" và chính phủ Đức vẫn cam kết làm "mọi thứ" để chống lại biến đổi khí hậu.

Kinh tế Đức đang trượt dốc? - Ảnh 3.

Nhà máy điện than tại Jaenschwalde, Đức

REUTERS

Hai là áp dụng mức trần do chính phủ tài trợ đối với giá điện công nghiệp để đưa nền kinh tế vượt qua quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Đây là đề xuất của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck của đảng Xanh. Tuy nhiên, đề xuất vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Olaf Scholz (đảng Dân chủ Xã hội) và các đảng viên đảng Dân chủ Tự do.

Ba là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt bên ngoài. Thủ tướng Scholz đã kêu gọi triển khai quá trình chuyển đổi năng lượng theo "nhịp độ của Đức", mức độ khẩn cấp tương tự như việc thiết lập 4 trạm khí đốt tự nhiên nổi trong nhiều tháng để thay thế lượng khí đốt từ Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar và các nơi khác đắt hơn nhiều so với nguồn cung khí đốt qua hệ thống Nord Stream của Nga, nhưng đây là nỗ lực cần thiết của Đức trong tình hình hiện nay.

Bốn là các công ty sử dụng nhiều năng lượng đang tìm cách đối phó với cú sốc giá. Drewsen Spezialpapiere, công ty sản xuất giấy hộ chiếu, giấy tem, ống hút đã đầu tư mua 3 tuốc bin gió gần nhà máy của họ ở miền bắc nước Đức để đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu điện. Công ty thủy tinh đặc biệt Schott AG, chuyên sản xuất các sản phẩm từ mặt bếp, lọ vắc xin cho đến tấm gương dài 39 mét cho đài quan sát thiên văn, đã thử nghiệm thay thế khí đốt bằng hydro, tuy vẫn ở quy mô nhỏ.

Những cú sốc vừa qua đã làm bộc lộ những vết nứt trong nền tảng của Đức vốn bị bỏ qua trong nhiều năm liên tiếp thành công, đồng thời tạo ra những sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Đức. Điều quan trọng trước mắt hiện nay là chính phủ Đức phải tìm ra giải pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng bất ổn về giá, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.