Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa phát đi đánh giá mới về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Kỳ vọng tăng trưởng cao hơn
Theo đó, báo cáo trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1/2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với quý 4/2022 sau khi từ bỏ chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng - NV).
Động lực cho kỳ vọng này là sự phục hồi của các hoạt động tiêu dùng và dịch vụ do mở cửa lại biên giới và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đầu tư cơ sở hạ tầng có thể vẫn tương đối vững chắc, trong khi sự sụt giảm doanh số ngành bất động sản có thể sẽ chững lại. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm hơn nữa trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
Xa hơn, Công ty phân tích Moody's dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dần phục hồi đáng kể hơn từ quý 2/2023, do tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ phục hồi và sự sụt giảm doanh số bán bất động sản có thể chạm đáy trong giai đoạn này. Tất nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ròng như một nguồn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, báo cáo trên cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế sau kỳ họp lưỡng hội sắp tới. Hằng năm, Trung Quốc có cuộc họp chung giữa Quốc hội và Chính hiệp của nước này. Dự kiến, kỳ họp lưỡng hội năm nay của Trung Quốc diễn ra đầu tháng 3.
Công ty phân tích Moody's dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong năm 2023. Cụ thể hơn, nước này có thể sẽ tập trung các chính sách tài khóa vào tiêu dùng và chi tiêu công nhưng ít tập trung hơn vào cơ sở hạ tầng, còn chính sách tiền tệ sẽ hướng đến thanh khoản ổn định dù vẫn tìm cách kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, báo cáo trên cũng kỳ vọng Trung Quốc hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực xuất khẩu, thị trường lao động, khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, báo cáo trên cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không đưa ra gói kích thích có quy mô quá lớn nhằm giảm thiểu rủi ro trong nền kinh tế.
Ẩn số bất động sản
Giữa các triển vọng tích cực trên, Công ty phân tích Moody's vẫn lo ngại về ẩn số lớn cho kinh tế Trung Quốc là khi nào và làm thế nào thị trường bất động sản sẽ ổn định. Theo đó, các biện pháp cứu vãn thị trường bất động sản được nước này công bố đến nay vẫn khó có thể phục hồi hoàn toàn niềm tin vào thị trường.
Các tỉnh Trung Quốc công khai ngân sách chống dịch
Theo các công bố mới nhất, các tỉnh Trung Quốc đã chi ít nhất 352 tỉ nhân dân tệ (51,6 tỉ USD) cho hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 trong năm 2022. Trong số 31 tỉnh, vùng và thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, ít nhất 20 tỉnh thành đã công khai ngân sách chống dịch năm 2022, theo Reuters.
Tỉnh có thực lực kinh tế mạnh nhất là Quảng Đông ở miền nam đã chi 71,14 tỉ nhân dân tệ trong năm ngoái, bao gồm chương trình tiêm vắc xin, xét nghiệm PCR và tiền hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế. Xếp thứ hai về tổng chi tiêu chống dịch trong năm ngoái là tỉnh Giang Tô với 42,3 tỉ nhân dân tệ, gấp 28 lần so với năm 2021. Năm ngoái, Thượng Hải chi 16,77 tỉ nhân dân tệ trong khi Bắc Kinh chi 30 tỉ nhân dân tệ.
Vi Trân
Cuối tháng 12.2022, tờ South China Morning Post đưa tin kể từ khi bắt đầu vào tháng 11, khoảng 60 ngân hàng của Trung Quốc đã hỗ trợ thanh khoản lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 573 tỉ USD) cho các công ty bất động sản, mà trong đó chủ yếu là giãn nợ.
Trước đó, từ tháng 11, nước này khởi động chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản một cách có chọn lọc như phải hoạt động có hệ thống và chất lượng tốt để tiến hành tài trợ nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ bị đánh giá là khó giải quyết triệt để các vấn đề của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc về nợ nần cũng như giá nhà đất giảm sâu.
Trong bối cảnh trên, Moody's mong đợi Trung Quốc sẽ có các biện pháp bổ sung nhằm hỗ trợ cả cung và cầu về bất động sản, nhưng việc phục hồi có thể cần một thời gian. Nếu thị trường bất động sản chậm hồi phục thì có thể kéo theo tiêu dùng cá nhân giảm xuống khi đợt chi tiêu hậu Covid kết thúc.
Bình luận (0)