img
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 1.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo về kinh tế VN, với tên gọi hết sức ấn tượng: "Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang". Theo báo cáo, mặc dù tăng trưởng kinh tế của VN hồi đầu năm chưa được như kỳ vọng, nhưng sang quý 2, tăng trưởng GDP đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong hai năm trở lại đây. VN khép lại quý 2 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của quý 1, kết quả này đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 2.

Không chỉ gói gọn trong các chỉ số chính, điều đáng khích lệ là sự phục hồi của nền kinh tế đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu lan rộng ở các lĩnh vực. Trong đó, ngành kinh tế gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù xu hướng phục hồi không đồng đều trong lĩnh vực thương mại vẫn còn tiếp tục, nhưng các ngành hàng khác ngoài điện tử cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Cụ thể, xuất khẩu dệt may và da giày, vốn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn lưu thông ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại và chứng kiến tăng trưởng ở mức 2 con số trong quý 2. Xu hướng xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN đạt 371 tỉ USD, xuất siêu hơn 12,1 tỉ USD (tương đương số xuất siêu cả năm 2022, bằng 43% so với cả năm 2023). Tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận khi lượng hàng xuất khẩu của VN có tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của sản xuất có nghĩa là lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất sẽ có xu hướng giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Nếu năm 2023, động lực chính thúc đẩy kinh tế VN đến từ sự phục hồi của lĩnh vực du lịch thì sang năm 2024, sản xuất là lĩnh vực đang được nhìn nhận là động lực chính hỗ trợ cho kinh tế VN.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 3.
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 4.
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 5.

Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (KCN Quang Minh, Hà Nội)-linh kiện điện tử

Phạm Hùng

Song song với tình hình thương mại tươi sáng, theo các chuyên gia HSBC, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. Cụ thể, chỉ số Quản trị người bán hàng (PMI) tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Đây là chỉ số rất đáng chú ý bởi trong các tháng đầu năm 2024, VN đã phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập trong nội tại nền kinh tế. Áp lực lạm phát, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm được cải thiện khiến các DN nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Vì vậy, chỉ số PMI còn thiếu vững chắc trong các tháng đầu năm và phải đến tháng 5 mới cải thiện được lên mức 50,3.

Bên cạnh đó, triển vọng vốn FDI dài hạn vẫn luôn là một điểm sáng. Đặc biêt, lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới, đạt gần 10 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm (chiếm 4% GDP). Khu vực bất động sản cũng đang nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái. Trong khi đầu tư từ Trung Quốc và Hàn Quốc thường thu hút sự chú ý nhiều nhất, đầu tư từ các nước ASEAN, đặc biệt là từ Singapore, cũng đang có xu hướng chảy vào VN.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 6.

Khu Công nghệ cao TPHCM - Samsung

Ngọc Dương

Bên cạnh thương mại, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực. Chỉ trong nửa năm 2024, VN đã thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, vượt mức của năm 2019. Ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó.

"Lâu rồi nền kinh tế VN chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới. Nếu tình hình phục hồi tiếp tục được duy trì và lan rộng, VN sẽ chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, GDP lên mức tăng trưởng 6,5%. Điều này đồng nghĩa với việc VN sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024", các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 7.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 8.

Giống với các chuyên gia của HSBC, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng tin rằng kinh tế VN có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%.

Nhìn lại quá trình 6 tháng đầu năm, bà Hồng Minh đánh giá kinh tế VN đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tương đối tích cực. Đây sẽ là cơ sở để cả Chính phủ, cộng đồng DN và người dân cùng nỗ lực hơn trong các tháng cuối năm. Nếu đánh giá đúng tình hình, đề ra hướng xử lý kịp thời để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế để phát huy sự hứng khởi kinh doanh của cộng đồng DN, VN có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 9.
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 10.
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 11.

Sầu riêng Công ty XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) xuất khẩu Trung Quốc

ĐNT

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, tăng trưởng kinh tế VN trong các tháng cuối năm 2024 có thể dựa trên một số động lực quan trọng như: Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thể duy trì đà tăng trưởng khi một số thị trường chủ chốt giảm lãi suất điều hành và giúp thúc đẩy chi tiêu dùng, trong đó có chi cho nhập khẩu. Nếu có thêm các chính sách, giải pháp và sản phẩm du lịch mới, VN sẽ tiếp tục là điểm đến thân thiện cho khách du lịch quốc tế, giúp cải thiện doanh thu cho các ngành, dịch vụ du lịch. Song song, đầu tư công có thể giải ngân mạnh mẽ hơn, nếu Chính phủ quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, tạo được sức lan tỏa tích cực từ các dự án có tính liên vùng, hoặc kết nối giữa các địa phương trong vùng. Cùng với đó, tiêu dùng trong nước có thể trở thành một động lực quan trọng hơn, nếu có giải pháp chính sách để thúc đẩy tiêu dùng của người dân.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 12.

Với cái nhìn lạc quan, chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng kết quả tăng trưởng GDP tích cực nửa đầu năm, đặc biệt là trong quý 2, có thể giúp tạo đà đưa tăng trưởng GDP cả năm 2024 nước ta vượt mục tiêu.

Tuy vậy, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh vẫn lưu ý trong 6 tháng cuối năm, một số nhân tố khách quan từ thế giới cũng như chủ quan từ trong nền kinh tế VN sẽ gây thách thức cho công tác kiểm soát lạm phát của nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm thấp, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, dự báo khoảng 5,8%. VN là nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất chiếm tới 37% nên khả năng nhập khẩu lạm phát rất lớn.

Đồng thời, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa, đặc biệt là gián đoạn nguồn cung dầu. Giá năng lượng cao hơn đẩy giá tiêu dùng tăng, khiến lạm phát tăng lên.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu trong 2 quý cuối năm có xu hướng tiếp tục tăng cao. Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng cũng đẩy cầu tiêu dùng tăng lên. Đây cũng là một nhân tố tác động đến lạm phát.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 13.

Trung tâm điều hành số của Viettel tại Hà Nội

Gia Hân

Chưa kể, với quyết tâm giải ngân đạt 90 - 95% của Chính phủ sẽ đưa một khối lượng vốn hơn 600.000 tỉ đồng ra thị trường. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng cũng là áp lực lớn tăng giá nhiều loại vật tư nguyên liệu, hàng hóa liên quan đến đầu tư công của nền kinh tế, gây áp lực tăng lạm phát. Gần nhất, việc tăng lương từ ngày 1.7 vừa qua là nhân tố gây sức ép tăng cung tiền và tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm.

"Tuy nhiên, yếu tố này không đáng lo ngại bởi mức tăng lương chỉ được áp dụng với dưới 8% lực lượng lao động trong nền kinh tế, tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát. Hơn nữa, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho nhiều mặt hàng; giảm 36 loại phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất… có thể giúp mặt bằng giá cả của nền kinh tế được kéo giảm ổn định. Việc thông qua hàng loạt các luật như luật Đất đai, Nhà ở… cũng sẽ là một trong những động lực cho nền kinh tế tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Thách thức hiện hữu nhưng chúng ta cũng có những cơ sở để đảm bảo kiểm soát được rủi ro", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 14.

Khẳng định kinh tế VN 6 tháng đầu năm chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng rất tốt, song TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khuyến cáo: Không nên quá lạc quan để tránh rơi vào tình huống chủ quan. Tăng trưởng xuất khẩu tốt nhưng thị trường tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa đạt kỳ vọng và chưa đạt mức tăng như trước đại dịch Covid-19. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ. Chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch và có thể kéo dài tới hết quý 4.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 15.

Các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị, khi kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro, phải kích cầu tiêu dùng trong nước. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát cũng minh chứng hàng hóa và dịch vụ trong nước chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng GDP của VN. Xuất khẩu suy giảm nhưng nhờ tiêu dùng trong nước đã làm "bệ đỡ" cho GDP. Càng thêm khó khăn hơn khi hậu Covid-19, trong cơn lốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế gặp nhiều khó khăn kéo dài đã bào mòn năng lực và khả năng huy động vốn cũng như tài sản của cả người dân và DN.

"Với VN, sau 4 năm thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, song nhiều DN vẫn còn rất khó khăn. Đơn hàng quay trở lại nhưng chưa bền vững. Nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, sức cầu tiêu dùng chung còn yếu. Đây phải được xem là thách thức lớn nhất, bởi chỉ khi sức khỏe của DN ổn định trở lại thì nền kinh tế mới có trụ đỡ vững chắc để tăng trưởng bền vững và nhanh", TS. Nguyễn Quốc Việt chỉ rõ.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 16.

Cảng Trường Thọ

Ngọc Dương

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 17.
Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 18.

Với quan điểm này, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng chủ trương dừng chính sách tài khóa mở rộng cần được xem xét thấu đáo về mọi phương diện để không tác động quá lớn đến khả năng phục hồi của DN và nền kinh tế. Các chính sách giảm, giãn thuế, phí có mục tiêu chung là khoan sức dân, giảm tác động bất lợi từ những trở ngại của kinh tế trong và ngoài nước. Việc dừng hay kéo dài những chính sách này cần xem xét và tính toán cụ thể, chi tiết về các khía cạnh như: sức khỏe tài chính và năng lực của DN; sự cải thiện về điều kiện sống của người dân; triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn; năng lực tài khóa của quốc gia. Do đó, trong nhiều trường hợp, sau khi sức khỏe nền kinh tế được cải thiện, thì chính sách hỗ trợ tài khóa vẫn được duy trì để tạo tiền đề tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, từ đó tác động tích cực đến nguồn lực ngân sách.

Cũng chú trọng đến sự hỗ trợ cho các DN thông qua việc tăng khả năng hấp thụ dòng vốn trên thị trường giai đoạn từ nay đến cuối năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động và thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng VN. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng; vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa.

"Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường và quản lý giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt trong thời điểm sau 1.7. Việc tăng giá điện, nước, dịch vụ y tế, GD-ĐT thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ cũng cần tính toán thời gian, mức độ phù hợp, tránh dẫn tới áp lực làm tăng sức ép lạm phát", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Kinh tế Việt Nam: Hào quang trở lại- Ảnh 19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.