'Cái chết đắt đỏ' ở Venezuela

15/06/2016 22:00 GMT+7

Ở quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nhân đạo Venezuela, nhiều người không có đủ tiền để lo chi phí dịch vụ mai táng.

“Anh trai tôi là một người đàn ông tốt”, ông Julio Andrade buồn bã nói khi chờ đợi bên ngoài nhà xác Caracas để nhận thi thể người anh duy nhất của mình. Ông Rubén Darío, 55 tuổi, đã bị bắt cóc và giết chết.
Thử thách của gia đình ông Andrade không dừng lại ở sự tiếc thương. “Ngoài đau thương, chúng tôi phải đối mặt với chi phí dịch vụ mai táng trong một tình huống khủng khiếp như hiện tại”, ông Andrade nói.
Ở Venezuela, cuộc sống được định giá thấp, còn cái chết thì đắt đỏ, tờ The Washington Post viết. Theo Venezuelan Violence Observatory, một viện chính sách theo dõi tội phạm, có gần 28.000 vụ giết người xảy ra ở Venezuela trong năm 2015, trong đó có 5.250 vụ xảy ra ở thủ đô Caracas. Caracas là thành phố bạo lực nhất trên thế giới, theo nghiên cứu thường niên của một nhóm chi chính phủ Mexico.
Ở đất nước lạm phát tăng cao đến 700% và nền kinh tế sụt giảm 10% trong năm qua, người dân đang chật vật để có thức ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Hàng hóa khan hiếm và tiền tệ mất giá, tất cả mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Chuyện chôn cất cũng chẳng là ngoại lệ.
Kinh tế Venezuela phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và nước này nhập khẩu đa số các loại hàng hóa. Với giá dầu nội địa thấp, khoảng 39 USD/thùng, Venezuela không có đủ tiền nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để làm quan tài. Thiếu hụt quan tài đẩy giá lên cao.
“Tôi chi tất cả tiền tiết kiệm của tôi vào tang lễ này. Tôi không còn tiền”, ông Julian Hurtado nói trong tang lễ của cha ông ở miền đông Caracas.
Để tổ chức lễ tang, một gia đình Venezuela cần ít nhất 400.000 bolivar, tương đương khoảng 400 USD theo tỷ giá chợ đen. 400 USD nghe không đắt đỏ đối với người Mỹ hay châu Âu, nhưng lại là cái giá “trên trời” với người dân nước này, vì mức lương tối thiểu hằng tháng của họ là 15.000 bolivar, tương đương 15 USD.
Một tang lễ diễn ra vào tháng 11.2015 Reuters
Carlos, người làm việc tại một dịch vụ tang lễ ở miền đông Caracas, cho biết giá một ngôi mộ khác nhau tùy thuộc vào nghĩa trang. Trung bình, nghĩa trang công thì tính giá khoảng 240.000 bolivar, hay 240 USD, trong khi nghĩa địa tư có thể lên đến 450.000 bolivar, tương đương 450 USD. Chi phí tổ chức tang lễ là 215.000 bolivar, tương đương 215 USD.
Bên trong nhà xác cũng tốn kém. Nhiều gia đình được cho là phải trả phí 10.000 bolivar, tương đương 10 USD, để tăng tốc độ xử lý ở nhà xác Caracas, bác sĩ pháp y Vanessa Mosquera cho hay. Nhân viên nhà xác từ chối bình luận về vấn đề này.
Vì khó khăn kinh tế, một số người Venezuela quyết định tổ chức tang lễ ở nhà. Bà Rusbelys Hernández cho hay khi mẹ bà qua đời, cô chú của bà phải mượn tiền để trả cho dịch vụ. “Ngay cả sau khi mượn tiền, chúng tôi vẫn không có đủ để chi trả cho một tang lễ, vì vậy chúng tôi làm ở nhà”, Hernández nói.
Nhiều người khác bỏ qua chuyện thức canh người quá cố. “Rất đắt đỏ. Chỉ quan tài thôi đã tốn 100.000 bolivar. Đây là lý do vì sao mọi người chọn việc chôn cất thành viên trong gia đình họ mà không có lễ viếng”, Esperanza, người vận hành dịch vụ tang lễ ở Petare, thủ đô Caracas, nói. Bà nói thêm vì tình trạng thiếu thực phẩm, bà không thể cung cấp cà phê, đường hay sữa cho những người đi đưa tang trong lễ viếng.
Ở El Cercado, một trong những nghĩa trang với giá rẻ nhất thành phố, hoạt động chôn cất thường bị trì hoãn trong ba ngày vì nhu cầu cao nhưng thiếu nhân viên. Nhiều hoạt động kinh doanh đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân viên, vì người lao động muốn chọn làm những công việc không chính thống hơn là làm việc có thu nhập cố định, do lạm phát cao khiến nội tệ mất giá nhanh.
“Điều này thêm vào tổng chi phí của các dịch vụ và khách hàng lại phàn nàn”, Esperanza cho hay. Bà chia sẻ rằng hoạt động kinh doanh của bà đang trải qua thời đoạn khó khăn. Nhiều nhà tang lễ chịu cảnh mất trắng do khách hàng không có tiền trả: “Một khi thi thể được chôn cất, rất khó nhận được khoản thanh toán. Tuy nhiên những lúc như vậy, chúng tôi không thể nói gì nhiều với khách hàng. Chúng tôi đang trải qua thời kỳ khó khăn”, bà Esperanza nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.