Chật vật với vấn đề nhân khẩu học khi những người trẻ lần lượt rời quê hương còn số người sẽ về hưu thì tăng vọt, kinh tế Đài Loan được hãng tin Reuters ví như một con hổ đang già và đang cần con.
Ảnh: Reuters |
Jason Tsai là một trong số ít những người sống ở vùng lãnh thổ Đài Loan có năng lực tiếng Anh xuất sắc. Song hai năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, khả năng ngoại ngữ vẫn không thể giúp được anh có công việc trả lương cao.
Tsai do đó chỉ có khoản lương trung bình hằng tháng là 15.000 tân đài tệ (TWD), tương đương 455 USD, từ công việc bán thời gian. Thu nhập trên dưới mức lương trung bình là 22.000 TWD, bằng khoảng 1/4 lương hưu của nhân viên nhà nước, của các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.
“Tôi không có khả năng có được nơi ở riêng vì thu nhập thấp. Tất cả những gì tôi có thể tìm được là các công việc bán thời gian”, Tsai, 25 tuổi chia sẻ.
Hoàn cảnh của những lao động trẻ như Tsai chỉ ra thực trạng kinh tế Đài Loan, nơi một con hổ trẻ và sôi động đã và đang dần lão hóa và không còn ổn định chỉ trong hai thế hệ. Dân số lao động không phát triển đủ nhanh, và cũng không kiếm được đủ tiền để lo lắng cuộc sống về hưu cho cha mẹ họ.
Trong khi Tsai đang phải chật vật để tìm được một công việc mang lại thu nhập tốt trong nền kinh tế suy thoái, một làn sống các nhân viên chính phủ ở tuổi trung niên đang chạy đua để về hưu bằng các quỹ được tài trợ bởi những người nộp thuế, trước khi họ chính thức thôi việc. Chính sách mà chính phủ thiết kế trong thời kỳ khùng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 nhằm bảo vệ lớp lao động trẻ càng khiến tình hình tồi tệ hơn, vì nó vô tình khuyến khích những người trẻ gắn bó với mức lương tối thiểu.
Thực trạng trên là vấn đề nóng đối với cử tri ở Đài Loan trong cuộc bỏ phiếu vào tháng tới. Giữa lúc này, Tsai không chờ đợi hành động từ các chính trị gia. Anh quyết định chuyển sang Nhật Bản sinh sống để có việc làm tốt hơn. Các chuyến bay của những người trẻ Đài Loan đến trong bối cảnh dân số vùng lãnh thổ này già đi nhanh chóng càng làm giảm số lượng lao động có tay nghề cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế tiến đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Công nhân làm việc tại thành phố Đài Nam, vùng lãnh thổ Đài Loan - Ảnh: Reuters
|
Thực tế, đang có sự sụt giảm đáng báo động trong tỷ lệ sinh ở Đài Loan với mỗi phụ nữ sinh ít hơn một con. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới, giảm từ mức 1,7 vào năm 2000. Số liệu thống kê chính thức cho thấy số dân cư trên 65 tuổi ở Đài Loan đang tăng nhanh hơn hầu hết các nước châu Á, chiếm 12% trong tổng số dân 23 triệu người của vùng lãnh thổ này vào năm 2014. Điều này đặt ra thách thức lớn về nhân khẩu học cho các nhà hoạch định chính sách.
Hiện nay, ngày càng có nhiều thanh niên Đài Loan chuyển gánh nặng chăm sóc cha mẹ già sang cho nhà nước, nguồn lực chính phủ đang căng lên khi chi phí bảo hiểm y tế và chi phí hưu trí tăng. “Cải cách cần phải được thực hiện ngay hoặc chế độ lương hưu của nhân viên nhà nước sẽ sụp đổ. Chính phủ không thể duy trì nó trong thời gian dài”, một thành viên trong bộ máy lãnh đạo Đài Loan nói.
Nợ công của Đài Loan hiện tại lên đến mức kỷ lục 550 tỉ USD, trong khi chi phí dành cho hưu trí sắp leo lên đến mức cao nhất từ trước đến nay là 7,37%, tức 147,2 tỉ TWD trong năm 2016, trong ngân sách chính phủ. Thị trưởng thành phố Đài Bắc Ko Wen-je cho hay 10% ngân sách thành phố sẽ phải dùng để chi trả lương hưu cho nhân viên vào năm 2016. Từ năm 2010 đến 2013, số nhân viên nhà nước nghỉ hưu tăng hơn 50%, lên đến 32.000 người.
Theo một số ước tính, đến năm 2025, cứ năm người Đài Loan thì sẽ có một người từ 65 tuổi trở lên. Đây là một tương lai không mấy lạc quan cho những cư dân trẻ tuổi và nền kinh tế được ví như một trong Bốn con hổ châu Á, nhưng nay đã già. “Dân số già hóa với tốc độ cao sẽ đặt gánh nặng lên vai những người trẻ vốn đã chịu áp lực vì lương bổng thấp. Mọi người đều biết rằng đây là những vấn đề lớn với Đài Loan”, thành viên trong bộ máy lãnh đạo Đài Loan cho biết.
Bình luận (0)