Những hạn chế, yếu kém, lạc hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã được các nhà quản lý, nhà khoa học phân tích tại buổi tọa đàm diễn ra vào hôm qua 19.12 ở TP.HCM.
Đường ra vào Tân Cảng Sài Gòn (TP.HCM) luôn có lưu lượng xe rất lớn, thường xuyên bị tắc nghẽn, kẹt xe - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Tọa đàm "Thực trạng và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTĐPN) do Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức với sự tham dự của các đại biểu đến từ 8 tỉnh, thành trong vùng và các nhà khoa học thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu trên địa bàn TP.
Điểm “nghẽn” của quá trình phát triển
Sau 16 năm thành lập, Vùng KTTĐPN (TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) là vùng kinh tế phát triển nhất VN, đóng góp khoảng 35% GDP cả nước; GDP/người của vùng gấp 2,1 lần GDP/người bình quân cả nước. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng chiếm tới 45,5% cả nước; xuất khẩu hàng hóa chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng bình quân 10 - 11%/năm; hơn 60% số dự án cùng với hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài vào VN tập trung vào khu vực này.
|
Được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư, hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, là điểm nghẽn của quá trình phát triển. TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM cho rằng, có thể thấy nối kết cơ sở hạ tầng giữa TP.HCM với các tỉnh xung quanh hiện chưa tốt, như tuyến QL13, trong khi phía tỉnh Bình Dương đường làm rất tốt thì phía TP.HCM lại như nút thắt cổ chai; hay như tuyến QL50 phía Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) về Tiền Giang đã được mở rộng, đường khá tốt, trong khi phía TP.HCM vẫn còn đoạn đường hẹp và xấu.
Theo ông Dương Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng chưa thấy nhấn mạnh đến quy hoạch vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Ông Tân dẫn chứng cụ thể như tuyến metro số 1 của TP.HCM từ Bến Thành - Suối Tiên chỉ quy hoạch trong phạm vi của TP.HCM. Khi các chuyên gia phát hiện và góp ý kiến tại sao không nối dài đến Biên Hòa, thì cuối cùng được vẽ thêm một đoạn. Ông Tân cũng cho rằng, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng sẽ mở rộng không gian kinh tế của TP, có lợi cho các tỉnh, thành cùng nhau phát triển.
Cầu làm xong, đường chưa có
Về nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, theo TS Lê Xuân Thành, ngoài nguồn lực của nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và sự đóng góp tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, việc thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng theo cơ chế xã hội hóa, cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
TS Nguyễn Văn Phúc dẫn chứng ở dự án cầu Phú Mỹ, nhà đầu tư đã bỏ tiền ra làm và nghĩ rằng cây cầu này sẽ thông xe đến đường Vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội, nhưng cầu làm xong mà đoạn đường vành đai do TP.HCM đầu tư vẫn chưa xong, khiến cho doanh thu của dự án cầu thấp so với dự kiến ban đầu. Điều này đã làm cho nhà đầu tư nản lòng và sẽ khó kêu gọi các nhà đầu tư sau này. Hay như Cụm cảng số 5 ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) lưu lượng thấp, trong khi Tân Cảng Sài Gòn (TP.HCM) ở Cát Lái có lưu lượng rất lớn, thường xuyên bị kẹt xe trên trục đường ra vào cảng này. Đây là sự bất cập phát sinh, cần có sự điều phối từ các cấp lãnh đạo của toàn vùng.
Đánh giá quy hoạch trong vùng còn mang tính hành chính, chứ không mang tính kinh kế, TS Đoàn Ngọc Xuân, Chánh văn phòng Ban Kinh tế T.Ư đề xuất nên rà soát lại tổng thể hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn vùng. Việc rà soát này để xác định quy hoạch và kế hoạch phát triển, phải mang tính kinh tế chứ không phải hành chính, chỗ nào có lợi để phát triển kinh tế thì ưu tiên trước.
Bình luận (0)