Còn nhiều dự án khác có nguy cơ mất vốn
Theo báo cáo của Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, trong ngày thứ hai thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế và tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu (ĐB) ghi nhận kết quả điều hành rất tích cực của Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh về sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, sự mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành và giải pháp xóa bỏ rào cản kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhưng cũng có nhiều ĐB băn khoăn về tình trạng làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả của các DN nhà nước. Đặc biệt, tại 5 dự án: giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.
Trước đó, Phó đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương liệt kê lại tên của 5 dự án này đã ngốn của nhà nước 30.000 tỉ đồng và có nguy cơ khó thu hồi. "Chỉ khi xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý thì mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư lâu nay", ĐB Phương đề nghị.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện Chính phủ đã có chỉ đạo với tinh thần làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị. Đồng thời, đưa ra nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn lợi ích, cũng như hiệu quả đồng vốn của nhà nước.
Về tiến độ xử lý, theo Bộ trưởng, dự án xơ sợi Đình Vũ hay ethanol đã có thanh tra của Chính phủ vào cuộc, hiện nay đang đi vào giai đoạn kết luận; Thủ tướng sắp thông qua và sẽ có những hướng chỉ đạo tiếp theo.
|
|
Các nhà máy như gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, Bộ Công thương đang cho thanh tra, cũng sắp có kết quả. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng. Các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) giơ biển báo hiệu xin tranh luận thêm, ông hoan nghênh việc Chính phủ công bố các dự án vừa rồi thua lỗ, kém hiệu quả, “đắp chiếu” và sự thẳng thắn của Bộ trưởng Công thương khi thừa nhận còn nhiều dự án nữa, nhưng ông Nghĩa cũng đề nghị: “Phải sớm lập danh mục những dự án này. Nếu không công bố rộng rãi thì chúng ta phải nắm cho chắc. Bởi vì chỉ cần mỗi một ngày qua lỗ vài ba tỉ, mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỉ, cộng lại thì sẽ là con số hết sức to lớn và những vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy”.
Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Hãy có trách nhiệm với tương lai lâu dài”
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cũng tiếp tục phản biện: “Tôi nghĩ cả xã hội cũng như tất cả ĐBQH rất quan tâm đến các dự án hiện nay bị “đắp chiếu”, một nguồn lực rất lớn của xã hội, đất nước đang bị lãng phí. Bộ đã tính toán phương án để xử lý những dự án này chưa? Mong Bộ trưởng cho QH và cho công luận biết”.
|
Theo người đứng đầu ngành công thương, các dự án trên đã bộc lộ sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý. Vì vậy, cần phải làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong DN nhà nước thời gian tới. Đặc biệt là những tồn tại, thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của nhà nước trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại DN nhà nước. “Thủ tướng đã chỉ đạo, tất cả các dự án trên phải xác định, làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng trăn trở với các dự án đang đắp chiếu, kể cả những nhà máy đang đeo đẳng người dân như Formosa Hà Tĩnh hay lọc hóa dầu Nghi Sơn. “Có cử tri nhắc nhở chúng tôi, với nhiệm kỳ 5 năm các vị hãy có trách nhiệm với tương lai lâu dài…”.
Năng suất cao nhất thế giới, nông dân vẫn nghèo
Trong phiên thảo luận, Chủ tịch MTTQ VN đã có bài phát biểu đầy tâm huyết về tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt vấn đề năng suất lao động. Ông cho biết, hiện nay VN có lợi thế lớn về nguồn nhân lực với 50 triệu lao động (tăng 20 triệu so với năm 1996), dự kiến năm 2035 có 68 triệu trong khi các quốc gia khác đang ngày càng thiếu hụt.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Phải coi trọng tối đa con người - đây là nguồn vốn lớn nhất của chúng ta, sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người là ưu tiên số 1. Tái cơ cấu thì phải tái cơ cấu tư duy, thay đổi tư duy, câu hỏi đầu tiên không phải tiền đâu mà thị trường ở đâu, sản phẩm gì, thế giới đang làm gì? Câu hỏi thứ hai người ở đâu? Câu hỏi thứ ba có biết làm chủ công nghệ, kỹ thuật không? Theo tôi, tuy có hạn chế nhưng người VN đứng trước thách thức nào cũng sẽ vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư vốn ở đâu, câu hỏi thứ năm đất ở đâu sẽ được giải quyết khi ba câu hỏi trên đã có lời giải”.
|
Bình luận (0)