Nhân dân tệ 'âm thầm' giảm giá giữa bão Brexit

06/07/2016 15:18 GMT+7

Trạng thái hỗn loạn trên thị trường tài chính vì sự kiện Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), có thể đang che khuất một động thái đáng lo ngại hơn: nội tệ Trung Quốc tiếp tục giảm.

Theo CNN, kể từ khi cử tri Anh quyết định Brexit, nhân dân tệ (CNY) giảm 1,3% so với đô la Mỹ. Mức giảm trên là nhỏ so với độ lao dốc 12% của bảng Anh, song lại góp phần vào khoản giảm so với USD trong quý lớn kỷ lục: hạ gần 3% trong ba tháng tính đến ngày 30.6.
Nhân dân tệ được giao dịch quanh mức 6,67 CNY ngang giá 1 USD hôm 5.7, điểm thấp nhất kể từ tháng 12.2010. Trung Quốc đang cố gắng quản lý nội tệ và mức thay đổi giá trị đáng kể của CNY trong năm qua đã tác động lên các thị trường toàn cầu. Giới đầu tư đang thận trọng theo dõi nội tệ Đại lục.
Nhiều nhà kinh tế nhận định nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu từ từ so với USD. Đô la Mỹ tăng so với hầu hết các đồng tiền chính khác, vì kết quả Brexit ở cuộc bỏ phiếu hôm 23.6 làm giới đầu tư đua nhau đổ tiền vào các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ.
Yếu tố này phần nào là “tấm màn” dành cho Trung Quốc, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc Brian Jackson thuộc hãng nghiên cứu IHS cho hay. “Họ có thể nói rằng “đó không phải là lỗi của chúng tôi, đồng đô la quá mạnh, đồng đô la là nơi trú ẩn an toàn””, ông Jackson nói. Chiến lược gia Kit Juckes tại ngân hàng Societe Generale mô tả diễn biến gần đây của nhân dân tệ là “sự giảm giá lén lút”.
Trung Quốc hiện có nhiều mối lo hơn là USD. Năm ngoái, Bắc Kinh cho hay họ sẽ bắt đầu đo lường giá trị nhân dân tệ so với một rổ các loại tiền tệ chính, trong đó có bảng Anh và đô la Mỹ. Cả hai đồng tiền trên đều biến động sau sự kiện Brexit, buộc nhân dân tệ tăng giá.
Điều này là bài toán đau đầu cho giới hoạch định chính sách Đại lục. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhân dân tệ mạnh hơn khiến xuất khẩu từ nước này trở nên kém cạnh tranh.
Tuy nhiên, nỗi sợ lớn là mức giảm đột ngột trong giá trị nhân dân tệ. Đây là chuyện xảy ra vào tháng 8.2015 và tháng 1.2016, làm sốc các thị trường. Giới đầu tư sau đó lấy lại được bình tĩnh, song đợt giảm mới nhất của nhân dân tệ về ngưỡng thấp nhất trong hơn 5 năm qua lại thu hút sự chú ý.
“Nếu tiếp tục, động thái này có thể kích hoạt sự hốt hoảng trên toàn cầu về phá giá đồng tiền”, chuyên gia Mark Williams thuộc Capital Economics nói. Ông cho biết cách quản lý tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là “mối lo ngại” lớn nhất trong ngắn hạn khi nhìn về Đại lục.
Động thái phá giá mạnh có thể gây sốc cho các thị trường vốn vẫn còn chịu tác động từ sự kiện Brexit. Phá giá CNY cũng có thể thổi bùng cơn bão chính trị ở Mỹ, nơi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh thao túng nội tệ để đạt lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, khoản tiền lớn chảy khỏi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể một lần nữa thúc đẩy giới đầu tư tìm những nơi khác đem lại lợi nhuận cao hơn. Năm ngoái, ước tính có 1.000 tỉ USD đã chảy khỏi Đại lục.
Bắc Kinh sở hữu dự trữ ngoại hối lớn, đã và đang sử dụng "núi tiền" này để chống đỡ áp lực đặt lên nhân dân tệ. Hàng trăm tỉ USD “bốc hơi” hồi năm ngoái khi họ nỗ lực kéo CNY đi lên. Hiện tại, dự trữ ngoại hối Đại lục vẫn còn hơn 3.000 tỉ USD, song nếu dòng vốn thoái tăng tốc một lần nữa, lo ngại về việc dự trữ bị xói mòn quá nhanh có nguy cơ trở lại.
Dù vậy, PBOC có thể đã học được bài học lớn sau đợt biến động hồi tháng 1. Từ thời điểm đó, giới chức Đại lục cho biết họ không có kế hoạch cho đợt phá giá lớn nhân dân tệ. Chuyên gia Williams thuộc Capital Economics dự báo Trung Quốc sẽ thay đổi chiến thuật, nếu mối lo về tỷ giá nhân dân tệ - đô la Mỹ xuất hiện trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.