Theo CNN, đà giảm giá của nhân dân tệ tiếp tục hôm nay 15.11 với 1 USD đổi được 6,86 CNY - mức thấp nhất kể từ những ngày chật vật của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cuối năm 2008.
Chiến thắng của tỉ phú bất động sản hình thành nỗi lo sâu hơn về quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng dọa áp thuế đến 45% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, cộp mác Đại lục là thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng. Dù dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc chỉ là động thái mang tính biểu tượng, việc này cũng có thể đẩy cao căng thẳng với Bắc Kinh và là bước đi đầu cho những biện pháp thực sự sau này.
Tác động thị trường trước chiến thắng của ông Trump là cơn đau đầu tức thì cho chính phủ Trung Quốc. USD tăng giá so với các đồng tiền khác theo kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng sau cùng tiềm năng tăng trưởng, lạm phát cao hơn dưới thời tổng thống Donald Trump.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics cho hay Bắc Kinh không muốn nhân dân tệ “theo chân USD đi ngược với tất cả các loại tiền tệ khác”. Điều này khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc giảm khả năng cạnh tranh. Bà Evans-Pritchard nói: “Nguy cơ của việc này đồng nghĩa với việc để đồng tiền giảm giá so với đô la Mỹ. Đây là vị trí khá mong manh đối với họ”.
Nếu nhân dân tệ giảm giá quá mạnh so với USD, sự hoảng loạn trên thị trường như tháng 8.2015 và tháng 1 năm nay sẽ trở lại. Cùng với đó, dòng vốn thoái từ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại từ năm ngoái cũng sẽ cũng tăng. Hơn 540 tỉ USD đã chảy khỏi Trung Quốc từ đầu năm đến nay và đây là mức thoái vốn cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2015, theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế. Tình trạng này đặt áp lực hạ giá rất lớn lên nhân dân tệ.
“Họ đang cố gắng để áp lực đi ra từ tốn. Nếu họ không làm vậy, họ sẽ phải đối mặt với tình huống như đã từng vào giữa năm 2015, khi CNY trở nên quá mạnh”, Evans-Pritchard cho biết. Bắc Kinh tiêu hàng trăm tỉ USD từ năm ngoái để ngăn chặn nội tệ giảm giá quá nhanh. Dù dự trữ ngoại hối của nước này vẫn dồi dào, nó đã hạ xuống mức đáy trong 5 năm.
Nhiều nhà phân tích khác dự báo kỳ vọng tăng lãi suất từ Fed có thể thu hút thêm dòng vốn thoái khỏi Trung Quốc, chảy về những nơi cho lợi nhuận tốt hơn là tài sản định giá bằng đô la Mỹ. “Chúng ta đang ở vòng thoái vốn lần thứ nhì. Vòng này có vẻ lớn hơn vòng đầu tiên và chiến thắng của ông Trump khiến mọi chuyện còn tồi tệ hơn”, nhà kinh tế Trung Quốc Kevin Lai tại Daiwa Capital Markets nói.
tin liên quan
Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại với MỹChiến thắng của ông Donald Trump dường như là thiệt hại cho Trung Quốc. Song liệu thực tế có phải thế? Bài viết của nhà báo hãng tin Bloomberg Michael Schuman sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ gợi ý câu trả lời giúp bạn.
Bình luận (0)