Nhật Bản cần học cách 'ồn ào' khi vung tiền như Trung Quốc

11/09/2016 15:44 GMT+7

Dù viện trợ đậm cho các nước Nam và Đông Nam Á như Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar, vẫn rất ít người bên ngoài Nhật Bản đánh giá cao vai trò hỗ trợ của cường quốc châu Á.

Bài viết dưới đây là nhận định của cây bút chuyên trách mảng Bloomberg View Mihir Sharma. Ông từng góp bài cho tờ Indian Express, Business Standard và là tác giả quyển Tái khởi động: Cơ hội cuối cho kinh tế Ấn Độ.
Gần đây, lời hứa tài trợ 30 tỉ USD cho các nước châu Phi trong ba năm tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không phải là bất ngờ lớn. Âm thầm trong nhiều thập niên, nước Nhật trở thành nhà tài trợ hàng đầu cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ tại các khu vực đang phát triển. Dường như họ đã quá lặng lẽ.
Thực tế có rất ít người bên ngoài đất Nhật đánh giá cao phạm vi viện trợ phát triển chính thức (ODA) của cường quốc kinh tế châu Á. Tại vài nước ở Nam và Đông Nam Á, Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ và khoản vay chi phí thấp lớn nhất, lớn hơn cả Mỹ hay Ngân hàng Thế giới (WB). Đơn cử, Nhật viện trợ phát triển cho Ấn Độ tổng cộng 1,4 tỉ USD trong năm 2013, gần như gấp đôi số tiền đến từ Đức. Năm đó, Mỹ chỉ viện trợ nước bạn 100 triệu USD. Nhật cũng ở vị trí thống trị tương tự trong cho vay ưu đãi đến Việt Nam, Indonesia và Myanmar.
Hiện Nhật Bản bắt đầu đưa dấu chân của họ đến Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan, và châu Phi. Động lực chiến lược rất rõ ràng. Đối thủ Trung Quốc đã và đang bơm hàng tỉ USD vào hai khu vực trên trong những năm gần đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn hứa rót thêm 60 tỉ USD chỉ cho lục địa đen. Sự khác biệt giữa hai quốc gia nằm ở chỗ: tiền viện trợ từ Trung Quốc nắm bắt được mường tượng ở châu Phi và những nơi khác, điều mà sự hào phóng của Nhật Bản, quốc gia cũng dành gần 50 tỉ USD cho châu Phi trong những thập niên gần đây, đơn giản là không có.
Dường như Nhật Bản quá lặng lẽ khi đem vốn đi viện trợ trên thế giới Ảnh: AFP
Tôi thường xuyên bối rối khi thấy sự phấn khích tột độ về dự án “Một vành đai, một con đường” ở bất cứ nơi nào tôi đến. Đó là kế hoạch mở đường giao thông, cảng, đường ống và nhiều cơ sở hạ tầng khác giữa Đại lục và châu Âu. Sự lạc quan dường như vượt quá số tiền được giải ngân tính đến thời điểm này. Chưa kể, dự án trên thiếu chi tiết, tính bền vững và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ sống được qua thời ông Tập tại nhiệm.
Được biết đến rộng rãi hơn với tên “Con đường tơ lụa mới”, phát kiến củng cố ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ là trung tâm của sự phát triển cho các nước “xa bờ”. Thật sự là thế, quốc gia trung tâm đó sẽ có ngày thả neo mối quan hệ kinh tế trải dài từ Biển Bắc đến Biển Đông. Ông Tập Cận Bình do đó tạo ra một thương hiệu, những lời hứa mang chiến lược nền tảng và lợi ích thương mại về Trung Quốc.
Ngược lại, nhiều người ở các nước nơi Nhật Bản cũng rót vốn để đầu tư cho những dự án chẳng thua “Con đường tơ lụa mới” lại không may chẳng hay gì về đóng góp của nước bạn. Ấn Độ là trường hợp điển hình. Ở Tokyo (Nhật Bản), nhiều hơn một người từng phiền lòng nói với tôi về sự tương phản trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc và Nhật Hoàng. Chuyến đi của ông Tập hiếm khi lọt khỏi trang chính trên các tờ báo, trong khi của Thiên hoàng Nhật Bản - một sự kiện tương đối hiếm - hầu như chẳng kéo theo tiêu đề nóng nào. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tạo được ít nhiều sự chú ý khi đến Ấn Độ vào năm ngoái.
Nhật Hoàng Akihito (trái) tại sân bay quốc tế Manila (Philippines) sau chuyến thăm cấp nhà nước hôm 30.1.2016 Reuters
Điều này một phần đại diện cho sự thất bại trong mường tượng về nước Nhật. Quan chức nước này thoải mái với ý tưởng hỗ trợ Đông Nam Á hội nhập và phát triển dọc sông Mekong, song ý tưởng rằng người Nhật giúp tạo ra huyết mạch cho kinh tế thế giới thì lại khó được thúc đẩy. Trái lại, chỉ cái danh “Con đường tơ lụa” cũng đã tự biết quảng cáo.
Không có lý do gì để Nhật Bản không thể cạnh tranh tốt nhằm giành lấy tâm trí của châu Á và xa hơn nữa. Phân biệt đầu tư từ Trung Quốc và Nhật Bản khá đơn giản. Hãy lấy châu Phi làm ví dụ. Nước Nhật thừa nhận rằng họ không thể chiến thắng bằng cách cạnh tranh với Đại lục trên phương diện số tiền hỗ trợ, vì thế họ nhấn mạnh “chất lượng” và chi phí vòng đời thấp hơn cho cơ sở hạ tầng họ chung tay tạo dựng.
Chẳng như Trung Quốc, Nhật Bản không cố gắng đặt mình vào trung tâm trong kinh tế của thế giới đang phát triển và đẩy những người khác ra ngoài. Dù các chương trình ODA của Nhật Bản ưu tiên công ty nước nhà, họ quan tâm nhiều đến nhu cầu của nước tiếp nhận hơn Trung Quốc. Các chương trình ODA của Nhật cũng được thúc đẩy từ lựa chọn của cử tri và chính trị gia nước bạn.
Quan trọng nhất, chính sách đối ngoại nhiều cơ bắp hơn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mở ra cơ hội thay đổi thương hiệu Nhật ở nước ngoài, điều sẽ là tích cực cho cả doanh nghiệp Nhật lẫn các các nước đang phát triển. Là nền dân chủ, nước Nhật thích đối đãi với các nền dân chủ khác. Các nền dân chủ phải làm việc chăm chỉ hơn để xây dựng sự đồng thuận phía sau nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn. Các nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Indonesia là những mục tiêu tự nhiên để nước Nhật hỗ trợ, đầu tư. Nếu Nhật Bản có thể làm tốt, huyết mạch thương mại thế giới sẽ chảy qua các nền dân chủ. Đây sẽ là mục tiêu tham vọng hơn, ồn ào hơn nhiều so với bất cứ thứ gì Trung Quốc đang nghĩ tới lúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.