Nước đi từ bùng nổ kinh tế sang 'ác mộng' trong 5 năm

24/08/2016 06:57 GMT+7

Năm 2011, kinh tế Mông Cổ tăng trưởng 17%, thu hút hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài. Song giờ đây, đất nước đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ và có thể vỡ nợ.

Theo CNN, nội tệ Mông Cổ đang lao dốc, giảm 10% so với đô la Mỹ trong tháng qua. Ngân hàng trung ương nước này cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách tăng lãi suất thêm 4,5 điểm phần trăm lên 15%, song việc này không đem lại nhiều kết quả. Hiện Mông Cổ trong quá trình đàm phán để nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Chúng tôi đang ở trạng thái trầm trọng của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi có thể không đủ khả năng trả tiền lương và chi phí hoạt động cho các cơ quan chính phủ”, Bộ trưởng Tài chính Mông Cổ Choijilsuren Battogtokh cho hay hồi tuần trước, theo Bloomberg.
Tình thế hiện tại là sự nghịch đảo hoàn toàn đối với Mông Cổ. Đây từng là điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư nước ngoài. Đất nước là nhà của khoảng 3 triệu người may mắn có được nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thu hút hàng tỉ USD tiền đầu tư vào ngành khai thác mỏ.
Trước khi quốc gia Trung - Đông Á bước vào cuộc khủng hoảng tiền tệ, Ngân hàng Thế giới (WB) từng cho hay họ “ở ngưỡng cửa biến đổi lớn xuất phát từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản dồi dào”. Song giá sụt giảm đặt dấu chấm hết cho cơn sốt các loại hàng hóa. Cùng lúc, nhu cầu từ Trung Quốc, nước mua hơn 3/4 hàng xuất khẩu của Mông Cổ, cũng giảm đi vì kinh tế giảm tốc.
Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Mông Cổ nằm ngang trong năm nay hoặc tăng với mức thấp một chữ số. Tuy nhiên ước tính trên còn có thể quá lạc quan trong trường hợp cuộc khủng hoảng nhãn tiền không được giải quyết. Tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's giảm xếp hạng của Mông Cổ từ "B" xuống "B-", cảnh báo thâm hụt ngân sách của chính phủ là 21% GDP trong năm nay, tệ hơn nhiều so với mức dự báo ban đầu là 9,1% GDP.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm ước tính nợ chính phủ nói chung tăng vọt từ 26% GDP năm 2010 lên 78% GDP năm nay. Chi tiêu tăng lên dự kiến sẽ đẩy số liệu này lên hơn 90% GDP vào năm 2019. Thêm vào đó, Mông Cổ lại không có kho dự trữ ngoại hối lớn.
Giải quyết vấn đề sẽ là nhiệm vụ dành cho đảng Nhân dân Mông Cổ, đảng vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 6. Hai dự án lớn ở nước này có thể phần nào giúp cải thiện tình hình: mỏ vàng và đồng Oyu Tolgoi 5,4 tỉ USD được dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn trước khi thập niên này kết thúc, và mỏ than 4 tỉ USD đang trong quá trình phát triển tại khu vực Nam Gobi. Theo hãng Standard & Poor's, hai dự án “có thể cùng nhau chuyển đổi nền kinh tế Mông Cổ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.