Theo CNN, chưa đầy hai tuần sau khi thỏa thuận giữa các nước trong và ngoài OPEC về việc hạ sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày có hiệu lực, Ả Rập Xê Út và Kuwait cho biết họ để ngỏ khả năng kéo dài thỏa thuận thêm sáu tháng.
“Nếu chúng ta tiếp tục thấy mức giá hiện tại, sự cam kết từ cộng đồng cũng như các nước không là thành viên của OPEC ở mức độ thỏa đáng, tôi nghĩ rằng thỏa thuận có thể được kéo dài thêm sáu tháng”, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Issam Almarzooq nói. Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih thì cho biết tất cả các bên đã thể hiện sự sẵn lòng kéo dài thỏa thuận nếu cần.
Tháng trước, một số nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, Mexico và Kazakhstan, đồng ý tham gia vào nỗ lực hạn chế nguồn cung của OPEC. Song sự hoài nghi vẫn còn. Từ năm 1989, OPEC đã vạch ra nhiều kế hoạch hạ sản lượng như thỏa thuận trên bàn đàm phán hồi năm ngoái. Song trong hầu hết giai đoạn này, các nhà sản xuất OPEC bơm dầu nhiều hơn hạn ngạch.
“Tôi có một số lo ngại rằng nếu chúng ta nhận được nhiều tin khác nhau từ việc tuân thủ thỏa thuận của các nước, có quá nhiều yếu tố ảm đạm sẵn sàng trở lại”, Helima Croft, chiến lược gia năng lượng tại RBC Capital Markets nói. Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Hội đồng Đại Tây Dương ở Abu Dhabi, ông Croft cho hay các thị trường đang theo dõi sát xem liệu Iraq có hạ sản lượng như đã hứa hay không.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar Al Luaibi ngay lập tức trả lời: “Iraq chắc chắn cam kết tuân thủ thỏa thuận OPEC”. Quốc gia Trung Đông đã áp dụng nhiều cách để hạ hạn ngạch 170.000 thùng/ngày và sẽ giảm sản lượng tổng cộng thêm 40.000 thùng/ngày nữa đến cuối tháng này.
Dù vậy, việc cắt giảm hạn ngạch đẩy giá dầu lên cao, kích thích đầu tư cùng sản xuất ở nhiều nơi khác và phức tạp hóa nhiệm vụ của OPEC cũng như các nước đồng minh ngoài OPEC.
Đơn cử, nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đang tận dụng tình hình. Đặc phái viên năng lượng quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hoghstein cho hay các hãng này tăng sản xuất 300.000 thùng/ngày hồi tháng 10.
“Nếu giá tiếp tục ở mức từ 55 - 65 USD/thùng trong năm sau, tôi sẽ dự báo sản xuất nhiều hơn từ Mỹ, cao hơn con số đang được các tổ chức quốc tế dự báo”, ông Hoghstein nói. CEO Total Patrick Pouyanne cho hay sẽ phải mất hơn sáu tháng để dọn dẹp hẳn tồn kho lớn trong thị trường.
tin liên quan
Dòng chảy dầu thô thế giới ra sao sau cú sốc nguồn cung từ OPEC?Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa chấm dứt yếu tố khiến giá dầu lao dốc trong hai năm. Giờ đây, chú ý dồn về việc dòng chảy thương mại của loại hàng hóa quan trọng nhất thế giới sẽ thay đổi thế nào.
Bình luận (0)