Trước áp lực giá điện, than tăng: Doanh nghiệp căng thẳng

26/01/2007 23:46 GMT+7

Những ngày cuối cùng trước Tết Nguyên đán, một số mặt hàng tiêu dùng đã bắt đầu nhích giá dần do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, thế nhưng với các doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, giấy... giá bán không thể tăng trong khi áp lực chi phí đầu vào tăng cao đáng kể do giá điện và giá than tăng lên từ ngày 1.1.2007.

Ngành thép: thêm 220 tỉ đồng chi phí

Ngành thép có đặc thù sử dụng nhiều điện, đặc biệt trong khâu khai thác chế biến quặng sắt, than, luyện kim... nên giá điện có ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thép thường diễn ra liên tục (đặc biệt trong khâu luyện thép) nên không thể tránh việc sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Từ ngày 1.1.2007, giá điện tăng thêm 7,6% đã khiến chi phí tiền điện của Công ty thép VinaKyoei tăng thêm gần 70 triệu đồng/tháng. Ông Lê Đăng Phong - Phó tổng Giám đốc Công ty VinaKyoei - cho rằng, mặc dù chi phí điện năng chỉ chiếm hơn 1% trong tổng giá thành sản phẩm nhưng khi chi phí này tăng lên thì giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 0,15 USD/tấn.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết, trước đây ngành thép được hưởng giá điện ưu đãi thấp hơn giá bán cho các hộ sản xuất bình thường khoảng 10%. Theo kế hoạch, năm 2007 dự kiến sản lượng điện cần sử dụng trong khâu luyện phôi và cán thép của ngành thép sẽ vào khoảng 1.770.000.000 Kwh (sản xuất phôi: 1.800.000T x 700Kwh/T = 1.260.000.000Kwh; sản xuất thép cán: 4.250.000T x 120Kwh/T = 510.000.000 Kwh). Việc tăng 7,6% giá điện bình quân và bỏ trợ cấp giá điện luyện phôi thì chi phí điện cho sản xuất 1,8 triệu tấn phôi thép đó sẽ tăng thêm 180 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí về tiền điện cho sản lượng cán hơn 4 triệu tấn thép tăng thêm hơn 40 tỉ đồng.

Tổng cộng chi phí về điện năng để sản xuất của ngành thép sẽ tăng thêm hơn 220 tỉ đồng. Trong khi đó, ngành thép lại đang phải đối chọi với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm trên 70%) đã tăng lên khoảng 20 USD/tấn do Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phôi từ 5% lên 10%; thép cuộn giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với khối lượng lớn (thép cuộn không có nhãn mác);... “Việc tăng giá điện vào thời điểm hiện nay làm cho ngành thép thêm những khó khăn trong việc hạ giá thành, khó cạnh tranh với thép Trung Quốc khi hội nhập", ông Phạm Chí Cường nói.

Xi măng, giấy... đang “gồng mình”

Ông Cao Tiến Vị - Giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn - cho biết mỗi tháng chi phí tiền điện của công ty là 3 tỉ đồng, chiếm 15% tổng chi phí của công ty. Giá điện tăng đã làm tăng chi phí của công ty hơn 200 triệu đồng/tháng nữa. Không chỉ thế, với lượng than sử dụng hằng tháng lên đến 3.000 tấn, giá than tăng khiến chi phí than tăng thêm hơn 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay lại không thích hợp để công ty tăng giá bán ra. "Chúng tôi có nghĩ đến việc tăng giá bán nhưng phải chờ xem động thái của thị trường nhưng nếu có điều chỉnh thì cũng phải 2-3 tháng sau. Hiện chúng tôi cũng đang kiến nghị được mua than với giá ưu đãi hơn giá thị trường một chút", ông Cao Tiến Vị nói.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam -  cho biết dự kiến, các doanh nghiệp xi măng ở phía Bắc sẽ tăng giá bán khoảng 20.000 đồng/tấn trong tháng 1.2007 này.

Ngành xi măng cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Tổng công ty than Việt Nam và cả ngành điện lực. Vì vậy việc điều chỉnh giá điện, giá than từ đầu tháng 1.2007 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Ông Mai Anh Tài - Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Xây dựng cơ bản Công ty xi măng Hà Tiên 1 - cho biết dù chi phí về điện chỉ chiếm trên 5% tổng chi phí sản xuất của công ty nhưng giá điện tăng đã làm tăng chi phí sản xuất lên 2.500 đồng/tấn xi măng. Mỗi tháng Hà Tiên 1 đã chi thêm 450 triệu đồng cho tiền điện. "Cũng may chúng tôi chưa triển khai việc nung clinker nên không sử dụng than nên không bị ảnh hưởng vì giá bán than tăng. Việc cắt giảm chi phí sản xuất luôn được thực hiện nhưng lúc này, việc tính toán để giảm lượng điện tiêu thụ vào giờ cao điểm được áp dụng triệt để hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường nâng cao năng suất sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm trong cùng một đơn vị thời gian hơn", ông Tài nói. Cho dù có tiết kiệm tối đa thì chi phí điện mà Hà Tiên 1 ước tính cũng phải trả tăng thêm ít nhất khoảng 350 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, Hà Tiên 1 cũng chưa nói đến việc tăng giá bán sản phẩm. Tất nhiên, nếu như những chi phí đầu vào khác như clinker, giấy... tăng giá thì việc tăng giá bán xi măng cũng là một điều tất yếu. Tích cực đưa ra nhiều biện pháp để tiết giảm chi phí điện năng, chi phí quản lý... để không làm tăng giá thành sản phẩm đang là những chính sách được các công ty ưu tiên hàng đầu. Khả năng tăng giá của những sản phẩm không phải là hàng hóa thiết yếu vào thời điểm cuối năm này có lẽ chưa thuận lợi. Tuy nhiên, các công ty cũng cho rằng mức tăng giá cũng sẽ diễn sau đó và đây là một quy luật tất yếu của thị trường.

Mai Phương - Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.