Vì sao CEO Trung Đông im lặng trước lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump?

03/02/2017 15:00 GMT+7

Trong khi nhiều công ty lớn của Mỹ thể hiện rõ rằng họ không ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới giám đốc điều hành ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm lại im lặng.

Theo CNN, bảy nước bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen - chủ yếu theo đạo Hồi và năm nước trong số này là thành viên của Liên đoàn Ả Rập, tổ chức khuyến khích sự hiệp nhất của Ả Rập. Dưới đây là nguyên nhân vì sao các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Đông hiện vẫn giữ im lặng.
1. Quan điểm chính phủ
Chính phủ Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Ai Cập - ba nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất khu vực - chưa lên tiếng phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh. “Vì đây là lập trường của chính phủ các nước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có thể cảm thấy không thoải mái khi nhắc đến lệnh cấm hay nhắc đến quan điểm của chính phủ của họ trong vấn đề này”, Chủ tịch Hội đồng người Mỹ gốc Iran Trita Parsi cho hay.
Đây cũng là nhận định của Giáo sư Quan hệ Quốc tế Fawaz Gerges thuộc London School of Economics. Ông Gerges nói: “Giới giám đốc điều hành Trung Đông không độc lập như các đồng nghiệp ở Mỹ vì hầu hết hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào thiện chí chính phủ các nước Trung Đông”.
2. Vấn đề quốc nội
Ông Trump cho biết lệnh cấm đi lại là vì lợi ích của Mỹ và ông sẽ bảo vệ công dân Mỹ khỏi những kẻ khủng bố nước ngoài. Chính phủ và giám đốc điều hành một số nước Trung Đông có vẻ sẵn sàng chấp nhận rằng đó là vấn đề chính sách trong nước của Mỹ.
Salman Al Ansari, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Công chúng Saudi American, cho hay: “Ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh với một số nước là vấn đề nội bộ của Mỹ, vì mọi quốc gia đều có quyền làm điều họ nghĩ là quyết định đúng với an ninh và sự ổn định của nước họ”.
3. Lợi ích doanh nghiệp
Mỹ là đồng minh quan trọng và là đối tác thương mại lớn của các nước Vùng Vịnh. Ả Rập Xê Út là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Hai nước giao thương hơn 31 tỉ USD giá trị hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2016.
“Nhiều thương nhân Hồi giáo hiểu những thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt. Họ không thể làm gì ngoài việc nói đến những vấn đề này thông qua các đối tác tại Mỹ”, Ahmed Alibrahim, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út cho biết.
Iraq là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh nhưng họ cũng không đặt nặng động thái này. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói rằng nước ông sẽ không trả đũa lệnh cấm nhưng “đang nghiên cứu các lựa chọn”. Giáo sư Gerges ở London School of Economics nhận định chính phủ nhiều nước “không muốn xa lánh chính quyền ông Trump vì họ đầu tư lớn vào lĩnh vực dịch vụ tài chính Mỹ”. Chỉ riêng Ả Rập Xê Út đã nắm giữ 116,8 tỉ USD nợ Mỹ tính đến tháng 3.2016, theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ.
4. Sự phân chia trong khu vực
Một số nước có thể đang lặng lẽ mừng cho việc Iran có mặt trong danh sách bảy nước bị cấm nhập cảnh. Ả Rập Xê Út và Iran đã và đang có nhiều mâu thuẫn sau một loạt tranh chấp khiến cả hai cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái. Nhiều nước Vùng Vịnh cũng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran và việc quan hệ Mỹ - Iran khá hơn dưới chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.