img
Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 1.

Bản án sơ thẩm Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội vừa tuyên cho thấy, tháng 1.2020, Học viện Quân y đề xuất với Bộ KH-CN về việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit test chẩn đoán Covid-19. Đề tài được Bộ KH-CN phê duyệt với kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách, giao Học viện Quân y chủ trì, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) làm chủ nhiệm.

Quá trình phê duyệt, vì động cơ vụ lợi, cộng thêm quen biết với bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) từ trước, ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) đã yêu cầu ông Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài. Theo phân công, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình, còn Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 2.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng

TUYẾN PHAN

Xem nhanh 12h ngày 3.1: Cựu bộ trưởng bạc tóc hầu tòa vụ Việt Á

Cũng trong thời gian nhóm nghiên cứu Học viện Quân y triển khai đề tài, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt, đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) dựa trên các tài liệu y học công bố trên internet, đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất kit test. Việt chỉ đạo vợ mang bộ kit ra Hà Nội, để thượng tá Sơn chạy thử song song với bộ sinh phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu.

Kết quả xác định bộ kit do Công ty Việt Á có hiệu quả tốt hơn. Điều này tạo ra "bước ngoặt", các bị cáo Hùng, Việt và Sơn thống nhất sử dụng bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp để nghiệm thu giai đoạn 1, thay vì sử dụng kết quả nghiên cứu từ đề tài.

Bằng sự gian dối đề tài được thông qua (về danh nghĩa là do Học viện Quân y nghiên cứu, nhưng bản chất là kit test của Công ty Việt Á), Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho bộ kit. Điều này đồng nghĩa, đề tài không hoàn thành nhiệm vụ, ngân sách thiệt hại gần 19 tỉ đồng.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 3.

Bị cáo Phan Quốc Việt

TUYẾN PHAN

Trả lời tại tòa vì sao Công ty Việt Á lại được lựa chọn tham gia đề tài nghiên cứu mà không phải công ty khác, ông Trịnh Thanh Hùng cho hay, thời điểm xảy ra vụ án, nhu cầu về trang thiết bị phòng, chống dịch rất cấp bách, yêu cầu đặt ra là cần có kit test trong thời gian nhanh nhất.

Tuy nhiên, nếu chỉ Học viện Quân y làm thì rất khó, bởi họ chỉ là đơn vị nghiên cứu. Học viện cần phối hợp với một doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 13485 (hệ thống quản lý chất lượng trang thiết bị y tế), để có thể được cấp phép lưu hành sản phẩm, trong trường hợp nghiên cứu thành công. Với yêu cầu như vậy, ông Hùng thấy không có doanh nghiệp nào ngoài Công ty Việt Á đủ điều kiện.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 4.

"Con đường" kit test Việt Á đi qua, kể từ khi "thai nghén" là đề tài nghiên cứu khoa học, đến lúc nghiệm thu, cấp phép rồi phân phối tới các cơ sở y tế trên khắp cả nước, đều được "thảm" bằng tiền và rất nhiều tiền. Chỉ tính riêng khoản hối lộ, Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã chi cho các cựu quan chức lên tới hơn 106 tỉ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, người đầu tiên được Việt Á tiếp cận là ông Trịnh Thanh Hùng. Vốn có "mối quan hệ thân thiết" với Phan Quốc Việt, 2 bị cáo này cùng nhau gây dựng kịch bản để Công ty Việt Á "chen chân" vào đề tài nghiên cứu kit test. Dĩ nhiên, kịch bản ấy không thể thiếu 2 chữ "lợi ích", ông Hùng được Phan Quốc Việt hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỉ đồng).

Xem nhanh 20h ngày 2.1: Sắp xét xử 2 cựu bộ trưởng liên quan vụ Việt Á

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 5.

Bị cáo Phan Quốc Việt (bìa trái, hàng đầu)

TUYẾN PHAN

Một "cánh cửa" nữa mà Việt Á phải mở, nếu muốn kit test được cấp phép lưu hành, đó là Bộ Y tế. Thay vì đi "đường thẳng", Phan Quốc Việt đã chọn "đường tắt", bằng việc tìm đến cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long với khoản tiền "bôi trơn" 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỉ đồng).

Do quen biết với Việt từ trước, cộng thêm nhận số tiền khổng lồ, theo cáo buộc, ông Long trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit test. Thậm chí, cựu bộ trưởng còn đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp công ty này tiêu thụ kit test.

Sau khi "lo lót" cho kit test ra đời, bước tiếp theo Phan Quốc Việt tính toán, đó là tìm cách "vươn vòi" phân phối. Việt Á sẽ ứng trước kit test cho các đơn vị y tế sử dụng, sau đó hợp thức hồ sơ đấu thầu, đồng thời mạnh tay chi tiền hối lộ hoặc phần trăm "hoa hồng". Tính riêng ở Hải Dương, Việt Á đã chi hối lộ cho cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này đến 27 tỉ đồng.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 6.

Giúp sức cho Việt Á còn có vai trò của một số quan chức tại Bộ KH-CN. Trong đó, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu có sự tham gia của Việt Á, cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc ký quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 (không có trong kế hoạch nghiên cứu).

Ông Chu Ngọc Anh còn đồng ý để cấp dưới tổ chức họp báo nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh kit test Việt Á, ký quyết định khen thưởng và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á, chỉ đạo cấp dưới ký văn bản gửi UBND TP.HCM giúp công ty này được tặng Huân chương Lao động hạng ba không đúng đối tượng, thành tích. Để cảm ơn trước những chỉ đạo trái pháp luật và có lợi cho mình, Phan Quốc Việt đã chi cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỉ đồng), ông Phạm Công Tạc 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỉ đồng).

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 7.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 8.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, từ năm 2020 - 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit test; đã bán cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu kit test; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test.

Cũng trong giai đoạn trên, Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỉ đồng để mua nguyên liệu nhằm sản xuất kit test. Tính toán chi phí nguyên vật liệu, chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, cơ quan tố tụng kết luận giá thành sản xuất 1 kit test Việt Á là hơn 143.000 đồng.

Tuy nhiên, Công ty Việt Á nâng khống mức giá lên gấp nhiều lần, cụ thể là 470.000 đồng/kit test. Mặc dù mức giá này không có căn cứ, nhưng các cơ quan có thẩm quyền tại Bộ Y tế khi hiệp thương giá đã bỏ qua các tài liệu còn thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá trong hồ sơ hiệp thương và các căn cứ tính giá của phía Việt Á.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 9.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

NGỌC THẮNG

Quá trình kiểm tra giá hiệp thương, đoàn kiểm tra thuộc Bộ Y tế phát hiện sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất, đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký kit test của Công ty Việt Á, nhưng cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã không chỉ đạo xử lý, ban hành kết luận kiểm tra và rút số đăng ký lưu hành. Điều này dẫn tới Bộ Y tế tiếp tục công bố giá kit test Việt Á theo giá đã bị nâng khống lên cổng thông tin điện tử của bộ, từ đó tạo mặt bằng giá để Công ty Việt Á bán kit test cho các đơn vị, địa phương.

Như vậy, mức chênh giữa giá thành sản xuất và giá hiệp thương của mỗi kit test Việt Á là khoảng 327.000 đồng. Đối chiếu với hơn 4,5 triệu kit test đã bán và được thanh toán, Công ty Việt Á bị cáo buộc thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 10.

Trong số trên, Phan Quốc Việt và đồng phạm bị cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 402 tỉ đồng, tại 19 tỉnh, thành phố. Riêng 4 địa phương Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ AnBình Dương, số kit test tiêu thụ là gần 680.000 bộ, thiệt hại hơn 222 tỉ đồng. Phần sai phạm còn lại tại 15 tỉnh, thành phố, tương ứng với tiêu thụ gần 596.000 kit test, thiệt hại hơn 179 tỉ đồng.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 11.

Vụ án này, ngoài hành vi sai phạm của Phan Quốc Việt và các cựu quan chức, một vấn đề khiến nhiều người vẫn còn băn khoăn, đó là Công ty Việt Á có thực sự sản xuất kit test, kit test Việt Á có đạt tiêu chuẩn?

Kết luận điều tra cho biết, hồi háng 3.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiểm tra hiện trường về máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại Phòng Sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á (tại P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Cuộc kiểm tra có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện Cục Khoa học hình sự Bộ Công an, chính quyền TP.Dĩ An, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế (Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM).

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 12.

Bị cáo Phan Quốc Việt

TUYẾN PHAN

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Những người tham gia thực nghiệm điều tra gồm 13 nhân viên Công ty Việt Á, gồm Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất, 9 nhân viên Phòng Sản xuất xuất test xét nghiệm và 2 nhân viên Phòng Kiểm tra chất lượng. 11 loại hóa chất và 16 loại phương tiện, máy móc được chuẩn bị để thực nghiệm sản xuất một lô gồm 2.500 test xét nghiệm Covid-19, theo đúng quy trình và điều kiện sản xuất bình thường của Công ty Việt Á.

Cơ quan chức năng sau đó tổ chức cho nhân viên Công ty Việt Á thực hành lại toàn bộ quá trình sản xuất ra một lô test xét nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Kết quả thực nghiệm điều tra xác định, trong thời gian 2 giờ 5 phút, Công ty Việt Á sản xuất được 2.432 test xét nghiệm.

Để trả lời cho câu hỏi về chất lượng kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn ra quyết định trưng cầu giám định thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả (đối với mẫu test xét nghiệm khi thực nghiệm điều tra và test xét nghiệm thu giữ tại CDC Hải Dương). Kết luận của hội đồng giám định tư pháp (do Bộ Y tế thành lập) cho thấy kit test Việt Á đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành.

Kit test Việt Á ‘vươn vòi’ như thế nào?- Ảnh 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.