RIA-Novosti hồi tuần trước dẫn thông cáo từ Ủy ban An ninh và Tư pháp EU tại Kosovo (EULEX) cho biết có thể thành lập tòa án đặc biệt để xét xử các đường dây buôn nội tạng người trong giai đoạn chiến tranh nếu tiếp tục tìm ra thêm những chứng cứ mới. Thông cáo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhân chứng tự xưng là cựu binh KLA kể lại với Đài truyền hình quốc gia Serbia chi tiết một trường hợp tù binh bị mổ lấy tim mà không hề được gây mê hay áp dụng bất cứ phương pháp giảm đau nào. Vụ việc diễn ra năm 1999 tại một trường học phía bắc Albania, giáp với biên giới Kosovo. Quả tim của nạn nhân được bỏ vào thùng trữ đông và chuyển đến sân bay của thủ đô Tirana (Albania) để đưa ra nước ngoài.
Anh hùng hay tội phạm ?
Giao tranh bùng nổ từ nửa sau thập niên 1990 tại Kosovo do cộng đồng người Albania, vốn chiếm 92% dân số, nổi dậy chống lại việc Tổng thống Serbia và Montenegro Slobodan Milosevic tăng cường kiểm soát khu vực tự trị này. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1999 do sự can thiệp quân sự của NATO, ông Milosevic bị xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) vì tội diệt chủng. Phim ảnh, tư liệu về cuộc chiến chủ yếu nói về tội ác của binh sĩ người Serbia trung thành với Tổng thống Milosevic. Trong khi đó, lực lượng KLA, đại diện phong trào nổi dậy đồng thời là đồng minh của NATO trong cuộc chiến, được các nước phương Tây xem là những anh hùng đã giải phóng Kosovo, theo tờ Le Monde Diplomatique.
Tội ác của KLA hầu như chỉ được biết đến qua một số tin đồn cho đến năm 2008 khi cựu công tố viên trưởng của ICTY Carla Delponte ra mắt cuốn sách về chiến tranh Kosovo tố cáo lực lượng này đã giết khoảng 300 tù binh người Serbia để lấy nội tạng. Năm 2009, phóng sự điều tra của các nhà báo Altin Raxhimi, Michael Montgomery và Vladimir Karaj khẳng định KLA có rất nhiều trại giam bí mật tại Albania. Tháng 12.2010, thượng nghị sĩ Thụy Sĩ Dick Marty công bố bản báo cáo chấn động về tội ác của lực lượng này dựa trên tài liệu của tình báo phương Tây và lời kể của nhân chứng. Chỉ 1 tháng sau, Hội đồng châu Âu đã thông qua bản báo cáo này. Ông Marty nổi tiếng là người thích điều tra những hồ sơ “nhạy cảm”, chẳng hạn như khui ra sự tồn tại của các nhà tù bí mật do tình báo Mỹ lập ra tại một số nước châu Âu.
|
“Mafia trá hình”
Theo báo cáo của ông Marty, lãnh đạo Hashim Thaci cùng nhiều quan chức cấp cao khác của chính quyền Kosovo thuộc “Nhóm Drenica”, là đầu não của đường dây buôn nội tạng. Tội ác xảy ra chủ yếu trong năm 1999 và “rải rác” cho đến năm 2001, tức gần 2 năm sau khi NATO nắm quyền kiểm soát Kosovo. Các tù binh và có thể là cả dân thường Serbia bị hành hạ, tra tấn trong 8 nhà tù phía bắc Albania. Những người xấu số hơn thì bị đưa đến một “phòng khám” bí mật ở Fushë-Krujë, cách sân bay Tirana khoảng 20 km khi có “đơn đặt hàng”. Tại đây, họ bị lấy nội tạng, phần lớn là thận và nhiều người bị mổ sống.
Vẫn chưa thể xác định đối tác nước ngoài cụ thể của đường dây buôn bán nội tạng này. Tuy nhiên, báo cáo của ông Marty ghi nhận một bệnh viện ở Jerusalem của Israel có tới 60 ca ghép thận chỉ trong năm 2001, một tỷ lệ cao bất thường. Nhân chứng mới của phía Serbia hôm 11.9 thì cho biết quả tim của nạn nhân được máy bay tư nhân “mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ” tiếp nhận. Đáng chú ý, theo CNN, bác sĩ giải phẫu nổi tiếng Yusuf Sonmez của Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần bị bắt và thẩm vấn do nghi vấn liên quan đến đường dây buôn nội tạng tại Kosovo nhưng đều được thả do thiếu chứng cứ. Thượng nghị sĩ Marty miêu tả đường dây này hoạt động như một tổ chức tội phạm chuyên nghiệp, thậm chí còn khó thâm nhập hơn mafia Ý.
Theo Le Monde Diplomatique, giới lãnh đạo Kosovo đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc và còn cho rằng đây là âm mưu bôi nhọ lãnh đạo Hashim Thaci. Tuy nhiên, lập luận của họ bị cho là không thuyết phục và chỉ quanh quẩn ở 2 ý chính: “dân tộc chúng tôi không bao giờ có những hành động dã man như thế” và “người gốc Albania còn là nạn nhân của những tội ác còn khủng khiếp hơn”. Ngoài ra, cả Kosovo lẫn Albania đều tỏ ra không ủng hộ thực hiện điều tra quy mô lớn.
Thượng nghị sĩ Marty nhận định các tổ chức quốc tế tại Kosovo đã “nhắm mắt bịt tai”, không muốn điều tra và công bố sự thật vì sợ sẽ làm dư luận phản ứng mạnh mẽ, gây xáo động Kosovo, vốn đã tuyên bố độc lập với Serbia từ năm 2008. Nhiều nước phương Tây từng tỏ ra rất gắn kết với KLA vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ ngoại giao với Kosovo. Cùng quan điểm, công tố viên Delponte, hiện là Đại sứ Thụy Sĩ tại Argentina, cáo buộc trên tờ Le Temps: “Chúng tôi không được NATO hỗ trợ vì họ từng bắt tay với KLA. Các nhân chứng hay nạn nhân thì từ chối làm chứng với ICTY vì bị khủng bố tinh thần”. Nếu các cuộc điều tra sắp tới xác nhận KLA phạm tội ác kinh hoàng thì sẽ là một đòn choáng váng vào những đồng minh cũ của lực lượng này.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Nghi án buôn nội tạng Kosovo
>> Bắt 137 nghi phạm buôn nội tạng
>> Đề nghị án tử cho tội buôn nội tạng
Bình luận (0)