‘Kuman Thong có hoang đường hay không?’ - lời giải thích từ các giáo sư người Thái

Minh Quang
Minh Quang
22/12/2018 12:08 GMT+7

Những truyền thuyết, giai thoại về việc ‘nuôi” Kuman Thong (Cậu bé vàng) của người Thái có một sức hút khủng khiếp bởi thực hư đan xen lẫn lộn. PV Thanh Niên tại Bangkok đi tìm lời giải thích từ các giáo sư người bản xứ.

Một ngày hạ tuần tháng 11 vừa qua, đúng vào Lễ hội thả đèn lồng và hoa đăng Loy Krathong, diễn viên hài Wongsak Sopakdee hay còn gọi là Bongneang đem 100 đồ chơi hình dạng con thú đến một ngôi đền ở Pathum Thani, cách Bangkok khoảng 40 km. Phía trước ngôi đền này có bức tượng Kuman Thong được xem là lớn nhất Thái Lan. Nhìn thấy Bongnaeng cùng với những món đồ chơi, nhiều người nghĩ rằng sắp có chương trình biểu diễn. Nhưng thực tế, diễn viên hài nổi tiếng của Thái Lan này đến để tạ lễ cùng với những món đồ chơi mà ông tin Cậu bé vàng rất thích.
Theo quan điểm tín ngưỡng của người địa phương, Kuman Thong là “quỷ, ma” nhưng được thờ như “thần” trong nhà và cả chùa chiềng Minh Quang
Bongnaeng và một người bạn đã trúng vé số 50 cặp với những dãy số mà cả hai cho rằng họ có được từ Cậu bé vàng. Trước đó năm tháng, con trai của ông Bongnaeng cũng từng đến ngôi đền này và làm những điều mà ông vừa mới thực hiện - đó là tạ lễ. Cậu trai con của nam diễn viên hài này cho biết anh đến cầu xin Kuman Thong và nhận được dãy số từ Quỷ linh nhi, nhờ đó anh trúng thưởng dù không phải là giải cao nhất.

Việc tin vào Kuman Thong là bình thường

Giáo sư Robtis Waiyasusri, giảng viên của Trường Đại học Dhurakij Pundit, cho rằng nhiều người nghĩ Kuman Thong có vẻ hoang đường, nhưng người Thái xem đó là tâm linh bởi nhiều người trong số họ nhìn thấy và cảm nhận được sự hiện hữu của Cậu bé vàng.
“Người Thái từ xa xưa tin vào chuyện ma quỷ, họ cũng tin rằng thầy cúng, thầy phép cao tay có thể gọi hồn ma hiện về hoặc báo mộng. Phật giáo có thuyết luân hồi sinh tử. Vì vậy nối tiếp triết lý đó, người Thái tin vào hồn ma, xác quỷ. Nên việc tin vào Kuman Thong là chuyện bình thường ở đất nước này”, ông Robtis giải thích với phóng viên Thanh Niên.
Giáo sư Robtis Waiyasusri Minh Quang
Theo giáo sư Robtis, Kuman Thong không phải là thần thánh mà là quỷ. Trong suy nghĩ của người Thái, dù là quỷ nhưng Kuman Thong có thể ở bên cạnh người và phù hộ thân chủ. “Tất nhiên, Kuman Thong chỉ là bức tượng, không phải là siêu nhân có thể xuất hiện bất kỳ nơi đâu, lúc nào để giúp đỡ, bảo vệ hay phù hộ người Thái”, giáo sư này giải thích.

"Quan điểm của người xưa tích cực hơn"

Tuy nhiên, theo giáo sư Robtis, niềm tin và việc thờ cúng Kuman Thong ngày nay thay đổi khá nhiều so với trước đây. Ông giải thích thầy cúng hay pháp sư ngày xưa là những người truyền bá những câu chuyện huyền bí về ma quỷ và Kuman Thong. Họ tin rằng linh hồn của người chết mà người Thái gọi là ma quỷ vẫn còn vất vưởng ở cõi trần. Họ tin rằng không nên để ma quỷ lởn vởn khắp nơi và cần phải đưa chúng vào tukkata (hình nộm). Và Kuman Thong là hình nộm được tạo ra để giữ linh hồn người chết.
“Quan điểm về Kuman Thong của người xưa tích cực hơn ngày nay khi họ cho rằng linh hồn có thể giúp đỡ người sống nhằm chuộc lại những lỗi lầm mà họ mắc phải khi còn sống, qua đó cơ hội đầu thai sẽ cao hơn. Linh hồn cần công đức mà người sống làm cho họ, chứ không cần những thứ cúng bái vật chất mà ngày nay người ta hay làm”, giáo sư Robtis chia sẻ.
Trong khi đó, giáo sư Lae Dilokvidhyarat - Chủ tịch Hội Văn hóa Thái-Việt, cho biết ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á, có lẽ người Thái và người Lào tin vào ma quỷ và huyền thuật nhiều nhất.
Kuman Thong được người Thái tin là “linh vật” mang đến may mắn Minh Quang
Tuy nhiên, theo giáo sư Lae, không phải người Thái nào cũng tin vào Kuman Thong hay ma quỷ nói chung, mà chỉ có ở một bộ phận người lớn tuổi hoặc người không có cơ hội học hành, còn hạn chế trong nhận thức nên vẫn tin vào siêu nhiên, tâm linh. Ngược lại, phần lớn người trẻ, đặc biệt là thế hệ mới có cơ hội tiếp xúc với khoa học và công nghệ hiện đại không dễ bị huyễn hoặc. Họ không xem chuyện nuôi Kuman Thong là cách để được may mắn, bình an cho dù người trẻ ít nhiều vẫn tin vào chuyện ma quỷ.
 
Ngoài Kuman Thong, người Thái cũng nuôi luk thep. Về ý nghĩa, luk thep (thần nhi) và Kuman Thong không khác nhau, được thờ để cầu may mắn, bình an, sức khỏe. Luk thep được chế tạo như búp bê nhưng được đưa lên bàn thờ để thờ. Luk thep được cho ăn mặc đẹp, thậm chí được bế bồng như người bạn. Vì vậy, không chỉ người lớn mà trẻ em có thể nuôi luk thep. Luk thep được tạo ra để xóa bỏ khoảng cách giữa người và ma quỷ.
Luk thep được chế tạo như búp bê Shutterstock

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.