Kỳ 1: Khai thông dòng sông như khai thông huyết mạch con người

17/12/2019 08:00 GMT+7

Được sự hỗ trợ của T.Ư, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng quyết tâm nạo vét, khai thông sông Cổ Cò trong năm 2020.

Qua đó hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven sông, thiết lập tuyến giao thông thủy Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng và ngược lại.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An (Quảng Nam), nói rằng ý tưởng khai thông sông Cổ Cò có từ năm 1995. “Về mặt phong thủy cần phải khai thông dòng sông này, như con người muốn mạnh khỏe thì huyết mạch phải thông suốt…”, ông Nguyễn Sự ví von.

Người dân mong chờ sông Cổ Cò hồi sinh

Hàng trăm năm trước, sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất. Từ cuối thế kỷ 19, tuyến giao thông thủy này dần dà bị bỏ rơi, cùng với quá trình biến đổi khí hậu và tác động dữ dội của con người dòng sông bị bồi lấp nhiều đoạn.
Ông Đoàn Văn Giảng, tuổi tròn trèm 70, nhà ở thôn Quảng Lăng B, P.Điện Nam Trung (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết thời trai trẻ ông cùng chúng bạn có nhiều kỷ niệm gắn bó với dòng sông này. Khi ấy, người dân trong làng dựa vào sông mà bắt cua, bắt cá, vào ra Cửa Đại, Cửa Hàn... Khi sông xanh bồi lấp, trở thành vùng bãi bồi rộng lớn, cộng với nhu cầu về lương thực nên nhiều đoạn trở thành ruộng đồng, để sản xuất nông nghiệp. “Dòng sông chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Ai cũng thấy tiếc kỷ niệm một thời. Chúng tôi mong chờ một ngày nào đó sông Cổ Cò được khai thông, hồi sinh”, ông Giảng tâm tình và cho rằng ở các vùng đất ven sông Cổ Cò như An Bàng, Trà Quế (TP.Hội An) nhờ sông mà người dân phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ. “Nếu khai thông được dòng sông Cổ Cò, tàu thuyền đưa khách du lịch lại - qua thì tốt quá. Tuổi già như chúng tôi thôi không nói làm gì, chứ lớp trẻ, lớp cháu của chúng tôi chắc chắn hưởng lợi lớn từ phát triển du lịch, dịch vụ đường sông. Đó là chưa kể, hai bên bờ được quy hoạch, phát triển đô thị và không gian du lịch cộng đồng, tạo nhiều điểm đến thì đời sống người dân sẽ thay đổi”, ông Giảng bộc bạch về tương lai khi dòng sông Cổ Cò được khai thông.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Cường, nguyên Bí thư Đảng ủy P.Điện Dương, cho rằng nếu dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai thì đó là điều đáng mừng cho nhiều địa phương chứ không riêng gì bà con Điện Dương. Năm 1997, khi tách tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, chính quyền Điện Bàn cũng kiến nghị nên sớm khai thông dòng sông này, nhưng có lẽ do do kinh phí nên chậm trễ đến bây giờ. “Tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta tập trung khai thông sông Cổ Cò thì đó là điều rất đáng mừng. Bà con ở hai bên bờ sông, nơi có dự án đi qua chắc chắn sẽ ủng hộ để dự án triển khai càng sớm càng tốt. Lúc đó, Điện Dương trở thành vùng trọng điểm du lịch. Đoạn sông chảy qua địa bàn phường giống như gạch nối giữa TP.Đà Nẵng với TP.Hội An”, ông Cường chia sẻ.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiểm tra tiến độ giải tỏa cầu Nghĩa Tự, P.Điện Dương

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiểm tra tiến độ giải tỏa cầu Nghĩa Tự, P.Điện Dương

Động lực phát triển Quảng Nam, Đà Nẵng

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, nhận định rằng nếu khai thông được sông Cổ Cò thì cả một vùng rộng lớn nối Đà Nẵng với Hội An sẽ phát triển rất mạnh. Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, vào năm 1933, chính quyền lúc đó cho xây dựng hệ thống ngăn mặn ở vùng xâm nhập mặn này. Khi xây dựng các đập ngăn mặn trên sông (phía Quảng Nam xây đập Đế Võng và đập Hà My) tạo thành hồ nước ngọt ở giữa. Hồ nước ngọt này cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện vai trò sản xuất lương thực ở khu vực này không còn. Trên cơ sở đó, vai trò của sông Cổ Cò đáp ứng cho nông nghiệp nhỏ dần. “Cho đến hôm nay, vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống thủy lợi, các đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Và nay, việc khai thông sông Cổ Cò, trả lại hệ sinh thái cũ của nó từ bao đời nay. Đây là một việc làm rất đúng đắn về sinh thái và điều quan trọng nữa là phát triển được kinh tế cho cả vùng rộng lớn từ phía nam TP.Đà Nẵng cho đến Hội An, đặc biệt là dọc hai bên bờ sông, vùng ven biển”, ông Thắng nói thêm.
Sông Cổ Cò được nạo vét, khai thông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Đó là sự tri ân đối với tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, hiếm có nơi nào ở VN lại có dòng sông chạy song song với bờ biển. Điều khác lạ nữa là dòng sông Cổ Cò chảy từ nam ra bắc, nghĩa là khởi nguồn từ Hội An đưa nước ra sông Hàn theo chế độ thủy triều, nên đây là vùng nước lợ, dòng chảy bình lặng, phù hợp cho các hoạt động du lịch, dịch vụ sông nước. “Về mặt phong thủy sông Cổ Cò như long mạch cho cả vùng, cần phải khai thông dòng sông này, như con người muốn mạnh khỏe thì huyết mạch phải thông suốt”, ông Nguyễn Sự lý giải. Theo ông Sự, nếu khai thông được dòng sông Cổ Cò thì giữa Quảng Nam và Đà Nẵng có thêm một tuyến giao thông đường sông rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch, dịch vụ; đồng thời, tạo ra sự phát triển đồng đều dọc tuyến sông này, nhất là đoạn từ Non Nước trở vào. “Sau này, du khách có thể đi bằng thuyền trên sông để thưởng ngoạn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này”, ông Sự nói.
Phát triển đô thị, dịch vụ du lịch ven sông Cổ Cò
Theo BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò dài 28 km (trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 19,7 km), được thực hiện bởi 2 dự án gồm: Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP.Hội An) dài 14 km và xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu ông Điền…; Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, gồm 5 dự án thành phần. Trong đó có thành phần nạo vét sông Cổ Cò dài 5,7 km và xây dựng mới cầu vượt sông Cổ Cò. BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay trên địa bàn TX.Điện Bàn đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 468 của hộ với 1.057 thửa. Tại TP.Hội An, việc thu hồi đất dự án chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và một ít đất lúa thuộc xã Cẩm Hà, số hộ ảnh hưởng là 38 hộ, 44 thửa. Hiện công tác kiểm định, đền bù, giải phóng mặt bằng hai bên sông Cổ Cò đang được triển khai.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.