Kỳ 1: Tao ngộ hoa sim

31/12/2012 03:10 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Duy bảo, ông may mắn khi quen biết được nhiều người bạn tài hoa. Mỗi thi sĩ Phạm Duy gặp gỡ trong cuộc đời đều dạy cho ông một bài học giá trị nào đó. Nếu ở Hoàng Cầm là tình yêu đất nước, Lưu Trọng Lư là chất lãng mạn, Quang Dũng là cốt cách nghệ sĩ… thì Phạm Thiên Thư chính là cái duyên đã đưa ông vào cõi siêu thực.

Kỳ 1: Tao ngộ hoa sim

Màu tím hoa sim - một kiệt tác của nhà thơ Hữu Loan đã làm lay động biết bao tâm hồn. Được Phạm Duy phổ nhạc, bài thơ mang tên mới Áo anh sứt chỉ đường tà, và trở thành một trong những ca khúc bi hùng nhất về người lính. 

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc vui vẫn kể rằng, sinh thời bố ông - nhà văn Phạm Duy Tốn thường viết truyện cười châm biếm các thi sĩ nửa mùa. Cũng vì có người bố như vậy mà “đời tôi, có những khi nổi hứng định làm thi sĩ thì tôi vội vàng bỏ ý định đó ngay. Chỉ sợ ông bố đội mồ sống dậy đưa mình vào truyện tiếu lâm!”. Phạm Duy chia sẻ, học tập bố mình, ông cũng có thể gọi là khắt khe trong việc nhận thức cái hay cái đẹp, đặc biệt là đối với thơ ca.

Tao ngộ hoa sim
Nhà thơ Hữu Loan (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: nhân vật cung cấp

Bởi vì cái sự không dễ dãi ấy nên nếu có lần rung động, thì đó chắc chắn phải là sự rung động tuyệt đối. Mỗi bài thơ Phạm Duy tâm đắc, ông đều muốn phổ thành nhạc. Trong số những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc dân tộc, có khoảng hơn 300 tác phẩm được ông phổ từ thơ. Nói nhạc khúc nâng cao lời thơ ý thơ để diễn tả tài năng thiên phú của Phạm Duy quả thật chẳng ngoa. Một số ca khúc phổ thơ rất thành công của ông như: Ngậm ngùi, Tiếng sáo thiên thai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Bên kia sông Đuống, Còn chút gì để nhớ… tự thân chúng vốn dĩ đã là những bài thơ nổi tiếng, nhưng khi đặt lên khuông nhạc của Phạm Duy thì càng thêm phần thăng hoa.

 

Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan... lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi

Vậy, bên cạnh khả năng lĩnh hội và kỹ thuật điêu luyện, điều gì tạo ra sự giao thoa nghệ thuật ấy? Theo lời Phạm Duy, trừ những người đã khuất từ rất lâu: đại thi hào Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Bích Khê..., giữa ông và hầu hết cha đẻ của các bài thơ ông phổ nhạc đều nảy sinh mối duyên nào đó, rồi trở thành tri kỷ. Có người gặp gỡ trong kháng chiến, có người qua sinh hoạt nghệ thuật mà quen biết, có người lại tìm nhau vì cảm mến lời thơ tiếng nhạc… Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan… lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi.

Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy trở về quê hương sau ba mươi năm xa cách...

Vào một ngày mưa gió năm 2006, nhân chuyến du lịch trên đường cái quan, Phạm Duy đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa. Hỏi thăm mới biết, nhà thơ Hữu Loan còn sống tại làng nhỏ Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Ông liền đi xe ôm tìm đến. Trước mặt Phạm Duy, anh cán bộ trong ủy ban kháng chiến ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi hôm nào giờ đã là cụ già tóc bạc. Hồi đó ở chiến khu, hai người vẫn hay hàn huyên chuyện văn chương non nước. Một nửa thế kỷ trôi đi, cả hai gặp lại nhau trong hoàn cảnh gần đất xa trời (lúc ấy Hữu Loan đã hơn 90 tuổi), chỉ kịp ôn lại dăm ba câu chuyện cũ rồi chia tay… Cảm xúc về buổi gặp gỡ cuối cùng với nhà thơ Màu tím hoa sim vẫn đọng mãi nơi tiềm thức người nhạc sĩ: “Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn khỏe mạnh thì mừng lắm”.

Phạm Duy nhớ lại: “Cuối năm 1947, tôi từ Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng) xuống Khu 3 (Chợ Đại, Cống Thần) rồi có ý định đi theo Trần Văn Giàu vào Nam chiến đấu. Nhưng khi vào tới Thanh Hóa (Khu 4 - làng Quần Tín) thì tôi gặp tướng Nguyễn Sơn và ở lại đó, gia nhập Ban Văn nghệ của Trung đoàn 304. Tại đây tôi gặp Hữu Loan...

Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn thơ buồn. Anh vừa góa vợ và có một bài thơ rất buồn thương là bài Màu tím hoa sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi (có hai người khác phổ nhạc nữa là: Dzũng Chinh với tên Những đồi hoa sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện hoa sim). Nhưng đến khi tôi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền hồi đó (1948) cho rằng bài thơ tiêu cực quá, nên tôi không muốn phổ biến bài hát đó. Sau này, khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 tôi mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó, tôi đặt tên cho bài hát là Áo anh sứt chỉ đường tà.

Theo tôi, bài Áo anh sứt chỉ đường tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông.

Vì là một truyện ca dài, bài hát được chia ra 6 đoạn, nói tới chuyện một anh chiến binh từ mặt trận trở về, cưới xong người con gái anh yêu, rồi lại phải trở về quân ngũ. Ở chiến trường, nhiều khi nhớ vợ, lo lắng cho vợ. Ở quê nhà, bỗng không may người vợ trẻ bị chết đuối, anh không được gặp mặt vợ. Lòng anh rất buồn nhưng vẫn hăng hái theo đoàn chiến sĩ ra đi. Trên đường hành quân, qua những đồi sim, anh nghe thấy có tiếng văng vẳng ru: À ơi, Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...”.

(Trích Vang vọng một thời - Mùa hè, 2012)

Hiếu Dũng - Ngân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.