Từ bảo kê nhà trọ, người buôn bán...
Ngoài lao động chính trong các nhà máy, thời gian rảnh, nhiều công nhân (CN) còn tranh thủ buôn bán vật dụng sinh hoạt, quần áo trên các vỉa hè quanh KCX - KCN, khu nhà trọ… để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, để có chỗ bán, CN phải chi trả tiền mua sự bình yên.
Căn phòng trọ 9 m2 của vợ chồng anh N.T.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) có đến 4 người ở. Anh T. cho biết, ban ngày hai vợ chồng anh đi làm ở công ty may. Buổi tối, anh chị gom góp được ít tiền mua quần áo giá bình dân đi bán dạo cho CN quanh KCN Tân Bình. Có tuần, hai vợ chồng chỉ bán 3, 4 buổi. Bán hàng cho CN thì dễ nhưng để giữ được chỗ bán không dễ chút nào. “Những hôm đầu toàn bị người bán lâu năm đuổi đi. Rốt cuộc mình phải chung tiền mới có chỗ. Chung tiền là chung cho hai bên, một bên là nhóm người tự xưng chủ cũ của chỗ trên vỉa hè. Họ nói muốn bán thì đưa họ 3, 4 “chai” (triệu đồng - PV). Một nhóm người thường tới lui khu vực mình bán, họ nói mới bán thì mỗi tháng đưa họ 350.000 đồng, thấy họ thì mua cà phê mời rồi họ sẽ “xử” người nào đuổi mình đi”, anh T. cho biết. Thấy tiền chung chi để có chỗ ngốn hết tiền lời nên ra bán được hai tuần, vợ chồng anh sang hết quần áo cho người khác. “Mình đi nhận hàng về nhà gia công cho lành”, anh T. cười.
CN bị trấn lột đã đành, chủ nhà trọ cũng bị những kẻ côn đồ “hỏi thăm”. Ông M. (chủ một nhà trọ ở Thủ Đức) cho hay một số người thường đến nhà nói rằng nhà trọ CN bây giờ phức tạp, nếu muốn yên lành thì mỗi tháng đưa họ 1 triệu đồng họ sẽ coi ngó giúp cho, nếu không đừng trách. “Thời gian đầu không đưa tiền thì tụi nó kiếm chuyện gây lộn với CN trọ, nhậu nhẹt rồi tới làm phiền. Mà đưa tiền cho tụi nó thì tiền đâu bù vô khoản đó? Buộc lòng tôi phải tăng giá phòng lên một ít. Coi như mình chịu phân nửa, CN ở trọ chịu phân nửa”, ông M. chia sẻ.
Để dãy trọ yên ổn, nhiều chủ nhà phải bỏ tiền cho các “đại ca” quản lý. Anh Phước - chủ dãy trọ 25 phòng tại TX.Dĩ An - cho biết, do nhà xa nên không thường xuyên quản lý cả dãy trọ, thời gian đầu CN tại đây hay xảy ra đánh nhau, các phòng tụ tập ăn nhậu la ó gây mất trật tự. Đang suy nghĩ tìm cách giải quyết, thì có một thanh niên điện thoại và gợi ý: “Nếu ông anh chi cho em 1 “chai” mỗi tháng thì đảm bảo khu nhà anh sẽ được yên ổn và trật tự”. Sau khi trao đổi, cứ ngày 10 hằng tháng, anh Phước đi giao tiền cho thanh niên tên K. Anh nói: “Kể từ khi thằng đó nhận tiền, dãy trọ của tui rất ổn định, không có thằng nào dám nhậu nhẹt quậy phá hay đánh nhau nữa”.
|
... đến bếp ăn, công ty bảo vệ
Hiện nay tại bếp ăn trong các nhà máy, công ty bảo vệ phải chi tiền tháng cho một số tay đàn anh để được yên ổn làm ăn. Nếu yêu cầu của mình không được đáp ứng, “đại ca” sẽ kích động CN đình công, quậy phá, gây mất trật tự.
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại ở bếp ăn của một công ty nước ngoài thuộc KCN Mỹ Phước 2 (H.Bến Cát, Bình Dương) phải chi tiền mỗi tháng 5 triệu đồng cho một tay giang hồ tên Lâm (quê Cà Mau). Với bản chất giang hồ, Lâm hầu như nắm một bộ phận CN chủ chốt của công ty nói trên. Vì vậy khi công ty có ý định thay đổi bếp ăn, thì Lâm sẽ kích động CN đình công nghỉ việc gây áp lực cho ban giám đốc. Chính vì nguyên nhân này, nhiều lần công ty muốn thay đổi bếp ăn thì một số CN bỏ việc, kích động đình công làm ảnh hưởng đến công việc sản xuất. Khi đạt được mục đích, Lâm quay lại lấy tiền tháng từ nhà bếp.
Để có tiền chi cho Tâm 5 triệu đồng mỗi tháng, thì bếp ăn bắt buộc giảm khẩu phần ăn của CN lại. Cứ như thế, Lâm tạo thành thế lực ngầm cùng nhau “xà xẻo” CN. Một cán bộ tại đây bức xúc: “Công ty cũng nhận nhiều phản ánh về việc bếp ăn kém chất lượng, Lâm có nhiều đàn em làm trong công ty và ăn tiền bảo kê từ bếp ăn nhưng chưa biết giải quyết thế nào. Công việc sản xuất của công ty là trên hết, mà chưa có chứng cứ gì về Lâm nên cũng chưa dám báo công an để xử lý”.
Thời gian gần đây, trên địa bàn các KCN tại Bình Dương thường xuyên xảy ra các vụ bảo vệ đánh nhau với giang hồ trước cổng các công ty. Theo anh B. (đội trưởng đội bảo vệ công ty H.) hiện có rất nhiều băng nhóm giang hồ chuyên đi lùng “mục tiêu” cho các công ty bảo vệ. Với chiêu thức, “tung” đàn em vào công ty để làm việc, sau đó quậy phá để sinh mâu thuẫn với lực lượng bảo vệ. Chỉ cần lực lượng bảo vệ can dự hay đánh lại thì ngay lập tức cả băng nhóm kéo tới để “quyết đấu” gây náo loạn. Không dừng lại ở đó, nhiều ngày sau đó băng nhóm kéo tới công ty, kích động CN đình công gây áp lực ban giám đốc thay đổi lực lượng bảo vệ và gợi ý giới thiệu đội bảo vệ của mình quen vào làm. Anh B. thừa nhận: “Hiện nay để yên ổn làm ăn tại mục tiêu nào đó, phải quan hệ chung chi các đại ca tại khu vực hằng tháng. Không tiền thì cũng nhậu nhẹt đều đều, vì mấy thằng đó CN đều sợ, với lại trong công ty có nhiều CN là đàn em của bọn nó nên rất dễ để cấu kết quậy phá làm ảnh hưởng uy tín của đội bảo vệ mình”.
Liên kết bảo vệ công nhân Ông Nguyễn Tấn Định - Phó trưởng ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết phía HEPZA cũng nắm được tình trạng trấn lột, cướp giật xảy ra với CN. “Tôi biết là có hiện tượng trấn lột, xin đểu ở KCX - KCN. Thậm chí khi CN đình công đòi tăng lương, tăng thưởng thì các đối tượng côn đồ cũng tham gia rồi sau khi doanh nghiệp đồng ý tăng lương, nhóm này đòi chia tiền với CN”, ông Định cho biết. Ông Định cho rằng bản thân CN phải có ý thức tự bảo vệ mình, không nên đi lẻ, đi đêm hoặc rút quá nhiều tiền. Nếu bị trấn lột, bảo kê phải báo ngay cho bộ phận công đoàn của doanh nghiệp để doanh nghiệp báo với cơ quan chức năng. Chứ nếu bị trấn lột, cướp giật mà lo sợ không dám báo thì cơ quan chức năng không thể biết mà xử lý được. Việc giải quyết các vấn đề an ninh không phải của riêng HEPZA vì phía HEPZA đã ký kết văn bản liên tịch với Công an TP về vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các KCX - KCN. Từng KCX - KCN cũng ký kết văn bản về an ninh trật tự với công an địa phương nhằm xử lý các băng nhóm, đối tượng chuyên trấn lột CN. |
Công Nguyên - Thanh Thùy
Bình luận (0)