Kỳ 2: Mập mờ con số

05/01/2013 02:55 GMT+7

Trên 6,84 triệu lượt người nước ngoài vào VN trong năm 2012 nên được hiểu rõ không phải toàn bộ là du khách quốc tế.

Việc nhìn nhận tách bạch như thế sẽ giúp ích rất nhiều cho chiến lược phát triển của du lịch VN.

 

Tôi không dám sử dụng các số liệu thống kê do Tổng cục Du lịch công bố vì ít hữu dụng. Thậm chí gây nhiễu kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp

Phan Đình Huê
Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt (TP.HCM)

“Đánh võng” ngôn từ

Nhiều chuyên gia có cùng nhận định như ông Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh: 6,84 triệu lượt người là khách quốc tế nhập cảnh VN chứ không phải khách du lịch quốc tế (DLQT). “Năm 2012 có trên 3,8 triệu lượt khách quốc tế vào TP.HCM. Tôi không bao giờ nói đây là khách DLQT, hoặc tất cả họ có sử dụng dịch vụ du lịch”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng phân tích rất rạch ròi: Năm 2012 có 4,17 triệu lượt khách quốc tế vào VN với mục đích du lịch, 1,16 triệu lượt đi công việc, 1,15 triệu lượt về thăm thân. Như vậy, rõ ràng không thể gom hơn 2,3 triệu lượt người vào làm việc và thăm thân thành khách DLQT. Rất nhiều trong số này đến VN để lao động, buôn bán, khám chữa bệnh (Trung Quốc, Campuchia) hay dạy học (Philippines, Úc, Mỹ)…

Hơn chục năm nay, cơ quan quản lý du lịch T.Ư luôn lấy tổng số lượt khách quốc tế vào VN làm con số cơ sở của ngành mình. Lúc thì gọi thẳng là khách DLQT hoặc khách quốc tế, lúc thì tuyên bố số khách này do “ngành du lịch đón”… Đáng lo là con số tổng lượt người nước ngoài vào VN còn được dùng để lập chỉ tiêu cho năm tiếp theo (so sánh năm sau tăng hơn năm trước), thậm chí phục vụ nghiên cứu thị trường.

Hồi cuối tháng 8.2012, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thông báo: Theo thống kê chưa đầy đủ, đang có trên 77.000 lao động nước ngoài tại VN. Giữa tháng 9, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho hay có khoảng 80.000 công dân Hàn Quốc đang sinh sống tại VN… Nhiều khả năng các con số trên cũng đã được cộng dồn vào thành khách DLQT.

Lãnh đạo nhiều DN lữ hành tại TP.HCM không tin trên 331.900 lượt người Campuchia nhập cảnh năm 2012 là do ngành du lịch đón hoặc phục vụ như Tổng cục Du lịch (TCDL) nói. Lý do là cho đến giờ, vẫn chưa có một hướng dẫn viên tiếng Campuchia nào được cấp thẻ ở trong nước. “Nếu coi số khách trên là khách du lịch thì hóa ra 3 năm nay, hơn 1 triệu lượt khách Campuchia này đã lọt vào tay của các hướng dẫn viên chui sao?”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, nghi vấn. 

Du lịch có khả quan như báo cáo ?
Du khách nước ngoài đến TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hậu quả của số liệu không chính xác

Hầu hết doanh nghiệp lữ hành được hỏi đều khẳng định không tin đại đa số lượt người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia (5/6 “thị trường gửi khách” lớn nhất của du lịch VN, chiếm quá nửa tổng lượt khách quốc tế - theo TCDL) nhập cảnh là khách DLQT. Điển hình nhất, khách Trung Quốc luôn dẫn đầu lượng khách nước ngoài vào VN (hơn 1,43 triệu lượt trong năm 2012) song đây là nguồn “khách du lịch” bị nghi vấn nhất. Từ năm 2011, quá nhiều công nhân, thương lái... Trung Quốc nườm nượp ra vào VN. Nhiều người trong số đó sử dụng thị thực du lịch, nhưng thực tế chẳng sử dụng dịch vụ du lịch gì.

“Tôi không dám sử dụng các số liệu thống kê do TCDL công bố vì ít hữu dụng. Thậm chí gây nhiễu kế hoạch kinh doanh của DN”, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt (TP.HCM) Phan Đình Huê cho biết. Giám đốc điều hành Công ty Luxury Travel, Phạm Hà băn khoăn: Không biết cơ quan quản lý du lịch T.Ư nghiên cứu thị trường như thế nào nếu dựa trên số liệu không chính xác như vậy?

TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận định: Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, khách vào đông cũng mừng nhưng không quan trọng bằng chi tiêu bao nhiêu. Chính vì thế, một trong những trọng tâm của Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là chuyển sang phát triển về chất, theo chiều sâu; tập trung thu hút phân đoạn thị trường khách chi trả cao, đi dài ngày. “Muốn vậy, cần nghiên cứu rất kỹ để biết ai là khách thật, nhu cầu thật là gì để có sản phẩm phù hợp phục vụ họ”, ông Lương nhấn mạnh. Theo ông Lương, con số thống kê rất quan trọng, là căn cứ để đề ra hoặc điều chỉnh các chính sách vĩ mô theo từng thời kỳ cho phù hợp. Nếu các con số này không chính xác, kết quả nghiên cứu thị trường phục vụ xúc tiến du lịch… sẽ sai lệch.

Còn nhớ, trước đông đảo quan chức ngành du lịch VN dự Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2011, đại diện Công ty JTB (hãng lữ hành hàng đầu Nhật Bản tại VN) đã nói thẳng: “Thành thật mà nói, bản thân nhiều người Nhật sẽ hơi ngạc nhiên khi thấy con số khách du lịch Nhật đến VN lớn đến thế (đứng thứ ba trong 10 thị trường gửi khách lớn nhất của du lịch VN, đạt 576.000 lượt khách - theo TCDL). Bởi VN chưa trở thành điểm đến thông dụng đối với du khách Nhật và con số thống kê trên bao gồm cả những khách đến vì mục đích kinh doanh”.

Cần theo thông lệ quốc tế

 Trong thuật ngữ du lịch, “international tourist” có nghĩa là du khách quốc tế, đi đến một nước khác với mục đích du lịch, nghỉ ngơi thuần túy. Còn khách quốc tế là “international arrival”, di chuyển tới một nơi nào đó với những mục đích như thăm thân, buôn bán, đầu tư… và có thể kết hợp du lịch. Với cách hiểu này, con số 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến VN là “international arrival”, chứ không phải “international tourist”. Như vậy, du khách quốc tế của VN năm qua chỉ 4,17 triệu lượt. Cách cộng gộp của TCDL hiện nay không theo thông lệ quốc tế.

Campuchia làm được, sao ta không ?

“Bộ Du lịch Campuchia mỗi năm hai lần thống kê chi tiết du khách nước ngoài vào nước này. Cuối tháng 7 là họ đã có báo cáo 6 tháng đầu năm, trong đó thống kê thứ tự từng thị trường gửi khách lớn nhất, bình quân khách lưu trú ở Campuchia, bình quân số tiền chi tiêu và mục đích du lịch là gì...? Nhờ đó, ngành du lịch nước này biết được thực tế từng thị trường khách như thế nào để có chiến lược phát triển thị trường phù hợp. Chẳng hạn, du khách đến từ VN luôn dẫn đầu, nên ngành du lịch Campuchia đang đẩy mạnh kế hoạch quảng bá ở đây. Việc đưa hàng loạt xe cao cấp cùng văn phòng đại diện của một doanh nghiệp lớn ở TP.HCM để trực tiếp đón khách qua Campuchia du lịch là một ví dụ. Campuchia làm được, sao ta không?”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt

N.T.Tâm - Hữu Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.