Kỳ 2 - Những khó khăn nhà báo có thể gặp phải và các rủi ro pháp lý

(TNO) Pháp luật trao cho báo chí nhiều quyền lợi nhằm phục vụ cho công việc và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, có nhiều vấn đề xảy ra khiến cho nhà báo không thể thực hiện chức năng phản biện xã hội.

(TNO) Pháp luật trao cho báo chí nhiều quyền lợi nhằm phục vụ cho công việc và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, có nhiều vấn đề xảy ra khiến cho nhà báo không thể thực hiện chức năng phản biện xã hội.

>> Kỳ 1: Có hay không sự tồn tại của 'vùng cấm chính trị'?

Pháp luật trao cho báo chí nhiều quyền lợi nhằm phục vụ cho công việc và nhiệm vụ của mình - Ảnh: Ngọc Thắng
Những khó khăn mà nhà báo có thể gặp phải khi thực hiện chức năng phản biện xã hội
Cụ thể, vấn đề “chống tham nhũng” đang là một vấn đề cấp thiết hiện nay nhưng đáng buồn thay, những người tố cáo chống tham nhũng thì lại dễ bị trù dập . Đơn cử là việc phóng viên Phan Thị Thanh Hương chống tham nhũng được đăng tải trên các tờ báo như tuoitre.vn , thanhtra.com.vn , thanhnien.com.vn và dantri.com.
Theo đó, phóng viên Hương đã làm đơn tố cáo những sai phạm của một quan chức trong đơn vị như việc quan chức này sử dụng bằng đại học không hợp pháp, không đáp ứng được một số quy định cụ thể đối với chức vụ nhưng vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ này… Ngay khi tố cáo sai phạm, phóng viên Hương bị “trù dập”, bị tước đi những quyền lợi về mặt nghề nghiệp và đe dọa tước đi thẻ nhà báo… trong một khoảng thời gian dài trước khi vụ việc này được đưa ra ánh sáng.
Việc đấu tranh phòng chống tội phạm của báo chí dường như trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhà báo dũng cảm đấu tranh, đưa các vấn đề “nhức nhối” của xã hội lên báo chí thì lại chưa được bảo đảm về an toàn cá nhân của chính mình.
Trong bài báo “Nhà báo tiếp tục bị dọa “cắt chân, cắt tay” sau vụ “xe vua” lao qua cầu cấm” đăng trên tờ giaoduc.net.vn , nhà báo đưa tin về thực trạng các loại xe quá trọng tải của một doanh nghiệp trên địa bàn đi qua cầu Châu Sơn gây ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân trong khu vực.
Sau khi đăng bài báo, tác giả của tờ báo này bị những người lạ mặt nhắn tin đe dọa, đòi “cắt chân, cắt tay”, dọa thủ tiêu kèm theo những lời lẽ hết sức khủng khiếp. Mặc dù phía công an cũng đã vào cuộc nhưng nhà báo vẫn tiếp tục nhận những lời đe dọa từ phía những đối tượng trên. Qua những vụ việc như vậy mới thấy nhà báo đơn độc thế nào trong vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngược dòng thời gian đã có một số nhà báo tích cực viết những loạt bài về tham nhũng của một số cán bộ trong những vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận. Khi kết thúc vụ việc, họ lại bị tòa án kết án theo Điều 258 BLHS. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không đi sâu phân tích sự liên hệ giữa các bài báo được đăng và bản án mà các nhà báo đã thụ lãnh vì đó là công việc của luật sư theo đuổi các vụ án trên.
Thay vào đó, bài viết này chỉ nêu lên một quan sát dưới góc độ pháp luật về những rủi ro các nhà báo khi tác nghiệp cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật.
Quan sát cho thấy, việc giải thích một hành vi bị chi phối bởi Điều 258 BLHS chưa được cụ thể hóa bởi các văn bản hướng dẫn dưới luật. Thêm vào đó, khác với các tội danh khác như tội vu khống - Điều 122BLHS, cần có người bị hại, để truy tố Điều 258 thì không cần chứng minh có người bị hại.
Tuy vậy, các nhà báo cũng cần trang bị kiến thức luật pháp cơ bản để có thể yên tâm tác nghiệp. Để truy tố theo Điều 258, theo Bình luận khoa học tập 8 - phần các tội phạm của ông Đinh Văn Quế, nguyên chánh tòa hình sự tòa án NDTC, nhà xuất bản TPHCM, để làm cơ sở định tội này, cần phải có 2 điều kiện cần và đủ. Lợi dụng và xâm phạm là hai hành vi cần và đủ.
Theo ông Đinh Văn Quế, “nếu lợi dụng nhưng chưa xâm phạm hoặc xâm phạm nhưng không lợi dụng thì chưa phải là hành vi phạm tội này”. Lợi dụng có nghĩa là sử dụng một quyền nào đó theo luật định cho một mục đích tư lợi không chính đáng.
Hơn nữa, dù hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là lợi ích gì. Nếu lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm phạm thì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ chưa cấu thành tội này - theo ông Đinh Văn Quế.
Về mặt hiệu ứng xã hội, với sự thiếu vắng các văn bản hướng dẫn dưới luật và việc một người có thể bị truy tố mà không cần yếu tố có sự tố cáo của người bị hại đã trở thành một mối rủi ro thập thò và chực chờ ngay trên bàn phím của các nhà báo khi tác nghiệp.
Do đó, việc có một cơ chế thực sự hiệu quả nhằm giúp nhà báo có thêm quyền hạn và được bảo đảm trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm cần thiết nhằm giúp cho báo chí hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Hoạt động báo chí và những rủi ro pháp lý có thể xảy ra
Theo Điều 5.3, 5.4 Nghị định 51/2002/NĐ-CP, thì báo chí không được phép đăng phát ảnh của cá nhân mà không chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của cá nhân đó; không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó.
Việc báo chí “giật tít” một bài báo là “tên cướp máu lạnh” hay “tên tội phạm nguy hiểm” thay vì để tiêu đề là “nghi phạm” vô hình trung đã kết án một người nào đó - Ảnh: Lê Nga
Nhìn qua một số nước có nền luật pháp phát triển, người dân thường tìm đến công lý để yêu cầu đòi bồi thường cho những xâm phạm về tinh thần cũng như thể chất. Những câu chuyện kiện báo chí không còn những cảnh báo nơi xa nữa mà các rủi ro ấy đã “thập thò” trước ngõ xã hội Việt Nam.
Đơn cử là vụ việc của cựu người mẫu X kiện tờ báo A đòi bồi thường danh dự . Theo cựu người mẫu này, tờ báo X đã đăng bài báo này với những thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời gây bất lợi cho siêu mẫu này . Có ý kiến cho rằng “người của công chúng” (ví dụ: người nổi tiếng, ca sĩ, ngôi sao điện ảnh, người mẫu…) là chủ thể bị hạn chế quyền riêng tư. Bởi lẽ, họ là chủ thể đặc biệt, là người có tầm ảnh hưởng, uy tín nhất định của xã hội. Họ cần phải làm gương và việc hạn chế quyền riêng tư của họ nhằm bảo đảm việc họ có ảnh hưởng lành mạnh tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp luật, quan niệm này cần phải được xem xét lại. Bởi lẽ, theo Hiến pháp 2013 - “đạo luật gốc” của mọi đạo luật thì “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”; “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” , người nổi tiếng hay một người bình thường, ai cũng là con người và đều được bảo vệ bởi hiến pháp. Nếu vin vào lý do người nổi tiếng thì cần phải bị hạn chế quyền riêng tư nhằm đảm bảo các mục đích xã hội là không công bằng và bất hợp lý trên phương diện pháp luật.
Trở lại với vụ việc đang xem xét, liệu việc báo chí sử dụng thông tin cá nhân của một người và đưa ra những thông tin bất lợi cho người đó là có phù hợp với quy định của pháp luật? Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, pháp luật không cho phép báo chí đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư của cá nhân .
Một vấn đề khác là báo chí hay “làm thay” vấn đề kết tội nghi phạm đang bị điều tra và định hướng dư luận. Chẳng hạn, trong một số bài viết gần đây , báo chí thường giật tít “chân dung những tên cướp máu lạnh” hay “truy nã tên tội phạm nguy hiểm” hoặc “cận cảnh đôi tay “ác thú” Lê Văn Luyện”.
Theo Điều 31, Hiến pháp 2013 thì: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”; Điều 9, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, những điều luật này nói lên hai điều quan trọng. Một là, việc kết tội một ai đó vi phạm pháp luật hình sự là nhiệm vụ của Tòa án. Hai là, một người chỉ bị coi là có tội khi đã có bản án kết tội có hiệu lực từ Tòa án - cho tới khi bị tòa án buộc tội thì người này vẫn vô tội, là một người như mọi người khác.
Do đó, việc báo chí “giật tít” một bài báo là “tên cướp máu lạnh” hay “tên tội phạm nguy hiểm” thay vì để tiêu đề là “nghi phạm” vô hình trung đã kết án một người nào đó mặc dù người này đang trong quá trình điều tra và chưa buộc tội bởi một bản án có hiệu lực của tòa án.
Ngoài ra, việc báo đưa ra những tiêu đề mang tính định hướng dư luận, đưa ra những tiêu đề như đã nêu trên có khả năng ảnh hưởng đến uy tín danh dự của đối tượng được đăng báo và có thể bị đối tượng này khởi kiện nếu các thông tin chưa được kiểm chứng chính xác. Bởi lẽ, như đã phân tích, một người chỉ được coi là có tội khi đã bị kết án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Khi báo chí quy kết họ là một “tên cướp máu lạnh” hay “tên tội phạm nguy hiểm”, giả sử trong trường hợp họ không bị kết án (hay trắng án), báo chí đã đăng thông tin như vậy là bôi nhọ và gây ảnh hưởng tới danh dự của người khác.
Vấn đề về bảo vệ hình ảnh của một cá nhân trên báo chí cũng cần phải được đề cập. Nói riêng về lĩnh vực hình sự, báo chí thường “tự do” đăng tải hình ảnh của các cá nhân bị tạm giam trong quá trình điều tra. Chẳng hạn, trong bài báo “chân dung những kẻ giết người máu lạnh” hoặc “Hành trình truy bắt 3 kẻ giết người khác vì... ngứa mắt” , báo chí vô tư đăng hình nghi can lên và gán ghép tội danh cho họ, đồng thời sử dụng hình ảnh mà chưa được sự cho phép của những nghi can này. Như đã phân tích ở trên, mỗi cá nhân đề có quyền riêng tư và được bảo vệ hình ảnh cá nhân của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.