Kỳ 3: Ấm áp tình người

12/01/2013 03:15 GMT+7

Giữa chốn bệnh tật vẫn có những con người với hành động đẹp, đầy tình người, dù đôi khi chính họ cũng đang chịu nhiều nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn.

Kỳ 3: Ấm áp tình người
Nhiều bệnh nhân và người nhà thường qua chỗ bà Dung (đứng) lấy nước uống - Ảnh: H.M

Cô Tư đẩy nước

“Cô Tư ơi, con lấy nước nhé”, “Cảm ơn bà Tư giữ nước nhé, tôi lấy ít nước lên cho ông nhà”. Những lời thân thương này là của người bệnh và thân nhân dùng để gọi bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (50 tuổi, quê Vĩnh Long), một “cựu chiến binh” tại BV Ung bướu (TP.HCM). Ở cuối góc hành lang, nơi những chiếc chiếu chia diện tích người bệnh nằm san sát nhau, “nhà” của bà Dung ngoài đồ đạc sinh hoạt hằng ngày còn có 6, 7 thùng nước kê chồng lên nhau. Một thùng được kê cao lên để người nhà bệnh nhân, người đến khám có thể dễ dàng rót nước vào chai.

Hơn 3 năm nay, bà Dung dùng xe đẩy cơm để đẩy nước của một đơn vị từ thiện cung cấp, nhưng không đưa được vào trong BV. Một tuần bà Dung đẩy 2 lần nước, một xe khoảng 6 thùng. Dạo gần đây, những cơn đau hành hạ bà nhiều hơn, ung thư đã di căn sang vú còn lại và qua xương nên các vết lở loét ngày một nhiều. Bà kể, nhiều lần đi đẩy nước lại bị hụt hơi.

Phát hiện ung thư từ năm 2001, bà Dung cứ một tháng lên BV Ung bướu 1 lần để điều trị. Sau đó, số lần vô hóa chất nhiều hơn, sức khỏe yếu dần nên đến năm 2009 bà ở hẳn trong BV. Bà không chồng, không có con cái. Tổ ấm tuổi già của bà Dung là BV với những bệnh nhân cũng đang quằn quại trong đau đớn bệnh tật. Bà tâm sự, đôi khi chạnh lòng vì bên cạnh người ta có con cái, vợ chồng chăm sóc trong khi mình thì… Nhưng rồi bà Dung tự an ủi "còn có những tình cảm ấm áp từ chính người bệnh, từ các nhà hảo tâm…". “Tôi trụ được ở BV đến giờ này cũng chính nhờ vào lòng thiện nguyện của nhiều nhà hảo tâm nên  tôi đẩy nước cho người bệnh, việc lấy nước uống chỉ là chút việc không đáng được kể đến”, bà Dung khiêm tốn nói.

Gần đây, những cơn đau về đêm khiến bà không tài nào chợp mắt được. Dù thế, bà Dung vẫn quyết tâm: “Ngày nào tôi còn được sống là còn muốn làm việc có ích, coi như để trả món nợ ân tình với cuộc đời và những người đã giúp đỡ tôi”.

Cho tròn chữ hiếu

Nhiều bệnh nhân ở phòng 401, Khu Nội 1, BV Ung bướu cứ nhắc mãi về anh V. (40 tuổi, quê Tiền Giang) với lòng cảm phục tấm lòng chàng trai này dành cho mẹ và nhiều bệnh nhân khác.

Nuôi mẹ bị ung thư tử cung, anh không chỉ trọn chữ hiếu với mẹ mà còn giúp đỡ những cô, bác nằm cùng mẹ trong phòng bệnh. Mỗi lần đi lấy cơm, V. ghé các giường hỏi: “Dì Hai ơi! Con lấy cơm cho dì luôn nhé…” hay “Con lấy thêm cơm cho cô Tư và bà Lan nữa nha…”.

Bà Tùng, một bệnh nhân từng nằm cùng phòng với mẹ anh V. nhớ lại, mùng 2 tết của 2 năm trước, lúc đó bà nằm gần giường với mẹ của V. Trong BV, không khí vắng tanh nhưng phòng bệnh của bà luôn được V. quan tâm hỏi han và giúp đỡ mỗi lúc các cô, bác cần. Bà bảo: “Chưa bao giờ tôi thấy xúc động như thế. Cuộc sống nhiều bon chen ngoài đời nhưng khi đã vào đây thấy sao những hơn thua lại vô nghĩa đến thế. V. lặng lẽ chăm sóc từng bệnh nhân chúng tôi, bữa ăn trưa ngày tết đó ngon hơn bất cứ bữa cơm nào tôi từng ăn. Chúng tôi cũng quý và coi V. như con của mình”.

Ban ngày, anh V. phụ lấy cơm từ thiện lên cho cả phòng, ban đêm anh đi làm thêm để kiếm tiền trang trải thuốc men cho mẹ. Hơn 5 năm trời ở BV, V. đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ. Anh chứng kiến hàng chục ngàn người chết. Lúc đầu còn sợ, ám ảnh, không dám đến gần người bệnh đã tắt thở nhưng sau này V. còn bồng họ trên tay dù máu me người ta vương đầy quần áo mình. Chứng kiến nhiều người nhà bệnh nhân không có tiền để đưa bệnh nhân về quê, V. lại làm công tác vận động trong khoa, mỗi người đóng góp một ít rồi cũng quyên góp được số tiền đủ để người ta đưa người xấu số về chôn cất.

Mẹ của V. yếu dần, những cơn đau cuối đời làm bà sút cân teo tóp và nằm một chỗ. Rồi bà mất. Sau khi đưa bà về quê mai táng, nhiều người tại BV Ung bướu lại thấy V. thường xuyên phụ nấu ăn trong bếp ăn BV, anh còn đẩy cơm lên giao tận tay cho bệnh nhân các khoa phòng. V. chia sẻ: “Mẹ mất, tôi muốn làm thêm một điều gì đó cho mẹ và các bệnh nhân nên quyết ở lại nấu cơm từ thiện tại bếp ăn BV thêm 3 tháng nữa. Ngày 25 tết tôi về quê hương khói cho mẹ, ra tết tôi lại lên thành phố để kiếm việc”.

Trước kia V. có mở cửa hàng may mặc, thuê nhân công, thuê mặt bằng làm ăn nhưng khi mẹ bệnh, các anh chị lại bận việc hết nên anh vào BV chăm mẹ rồi ở hẳn trong này, công việc riêng đành tạm gác lại. Đã hơn 40 tuổi, trải qua một lần đổ vỡ, V. thoáng chạnh lòng khi nghĩ về hạnh phúc riêng: “Mong muốn của tôi bây giờ là sống thanh thản và làm được nhiều việc giúp cho những bệnh nhân như mẹ tôi”. 

Hà Minh

>> Ngàn ngày ở bệnh viện
>> Kỳ 2: Thân cò lặn lội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.