Kỳ 1: Công ngang với công thần khai quốc!
Kỳ 2: Chó Phú Quốc và chó xoáy Thái, con nào đẻ ra con nào?
Kỳ 3: “Bí quyết” nuôi chó Phú Quốc
Hai mặt của Bảng tiêu chuẩn
Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) đã công bố Bảng tiêu chuẩn Chó Phú Quốc vào năm 2009. Bảng tiêu chuẩn này dựa trên Bảng tiêu chuẩn “cổ” của bá tước Henri de Bylandt được ghi trong cuốn sách nổi tiếng “Les races de chiens”, một cuốn “thánh kinh” về loài chó của vị bá tước này được xuất bản năm 1897.
Bảng tiêu chuẩn của VKA ghi khá chi tiết về ngoại hình chung, về tính cách và khí chất, về đặc điểm từng bộ phận cơ thể… của chó Phú Quốc (xem: Bảng tiêu chuẩn (số 001-20.09.2009) - chó Phú Quốc), trong đó có những “chuẩn” ngoại hình dễ nhớ: bờm lông mọc ngược kèm theo xoáy tròn trên lưng, tai dựng đứng như vỏ sò và hướng về phía trước, lông cứng ngắn hơn 2 cm và ôm sát vào thân mình, mũi đen, môi đen, lưỡi có đốm đen, đuôi cong hình cánh cung (thường gọi là “vót cần câu”)…
|
Có được một Bảng tiêu chuẩn là nỗ lực đáng trân trọng của Hiệp hội, ít ra nó cũng tạo được cơ sở để các chú chó đi thi tài (hai em Đốm và Vện đi thi quốc tế vừa rồi được FCI chấm theo Bảng tiêu chuẩn này). Vấn đề là Bảng tiêu chuẩn chó của ta mà lại dựa vào văn bản của một “ông Tây” trong khi “ông Tây” đó thiết lập Bảng tiêu chuẩn một giống chó từ việc khảo sát chỉ có 2 chú chó là không ổn. Từ một căn cứ sơ sài như vậy, Bảng tiêu chuẩn còn đưa ra tới 7 điểm gọi là “các lỗi nghiêm trọng cần phải loại bỏ”, thậm chí mi mắt không có màu đen, mắt màu nhạt cũng thuộc đối tượng phải “loại bỏ”. Không biết Hiệp hội yêu cầu “loại bỏ” là làm như thế nào, phải chăng là giết chết chúng ?
Đến nay những người nuôi chó và những người buôn bán chó Phú Quốc đều lấy bảng tiêu chuẩn đó để đánh giá chó nào là chó đẹp, chó nào là chó xấu. Trên thị trường mua bán chó Phú Quốc, những con chó đúng “chuẩn” được quý trọng và rất có giá, còn những con chó bị “lỗi” thì chịu số phận hẩm hiu.
|
Nuôi chó: Sở hữu hay “con đầu đàn”?
Tôi nuôi 2 con chó Phú Quốc, con đực tên Bim, con cái tên Tu-ti. Căn cứ vào Bảng tiêu chuẩn của Hiệp hội thì con Tu-ti của tôi đúng “chuẩn”, còn thằng Bim thì bị 2 cái “lỗi”. Lỗi thứ nhất là đuôi của nó không “vót cần câu” mà cuộn lại một vòng, “lỗi” thứ hai là tai của nó không “dựng đứng như vỏ sò” mà hơi cụp.
Dù bị 2 cái “lỗi”, nhưng thằng Bim lại nổi trội hơn con Tu-ti về nhiều mặt, dưới góc nhìn của người nuôi chó. Thứ nhất, thằng Bim dễ dạy hơn con Tu-ti. Dạy nó đi vệ sinh đúng chỗ chỉ mất 3 ngày, con Tu-ti phải mất 3 tháng. Thứ hai, nó không bao giờ giành ăn với con Tu-ti, lúc cho 2 đứa ăn cùng 1 bát, nó bao giờ cũng để con Tu-ti ăn xong rồi nếu còn thừa nó mới ăn; lúc ăn riêng, khi con Tu-ti ăn sang bát của nó, nó cũng ngừng ăn, đợi Tu-ti ăn xong rồi nó mới… liếm bát. Thứ tư, khi tôi ra khỏi nhà, phải xích nó lại, vì dù tôi đi đâu nó cũng đi theo, con Tu-ti thì không cần xích, nó chỉ đi theo một đoạn. Thứ năm, Bim rất hiền, không bao giờ gây gỗ với những con chó khác, nhưng con chó nào tấn công nó hoặc tấn công Tu-ti, nó “bụp” lại ngay, dù con chó đó to gấp hai lần nó; có hôm một đàn 5 con chó dữ rượt theo tấn công nó và Tu-ti, nó quay đầu lại lao vào con chó to nhất trong đàn, ngoạm cứng cổ con chó đó, cả đàn cụp đuôi bỏ chạy nó mới nhả ra. Khả năng này ở Tu-ti yếu hơn. Thứ sáu, Bim tuân thủ mọi mệnh lệnh của tôi một cách chính xác, trừ lúc đi “theo gái”, phải gọi tới hai ba lần nó mới chịu về. Con Tu-ti thì chấp hành không nghiêm túc bằng, trừ những “vấn đề có tính nguyên tắc” như được làm chuyện này hoặc không được làm chuyện kia. Đổi lại, Tu-ti nổi trội hơn Bim về tính hoang dã, đặc biệt là việc đào hang đẻ con, chăm sóc con, dạy con, nó làm một cách thiện nghệ và hoàn hảo, không cần có sự can thiệp của tôi.
|
Hai con chó, mỗi con một vẻ, tôi đều hài lòng và yêu quý chúng như yêu quý chính bản thân mình. Đối với tôi, cả hai con đều đúng “chuẩn”. Con chó Bim của nhà văn Nga Gavriil Troyepolsky (trong tiểu thuyết Con Bim trắng tai đen) là con chó săn không đúng “chuẩn”, nhưng nó đã lấy biết bao nhiêu là nước mắt của nhân loại. “Chuẩn” hay không là do mục đích và tư cách của người nuôi.
Tôi không dạy chó theo bài bản, không tìm cách huấn luyện chó biểu diễn làm cảnh hoặc thực hiện những động tác vô nghĩa. Tôi rất thích chương trình The Dog Whisperer và Leader of the Pack của người dạy chó lừng danh thế giới Cesar Millan. Tôi học ở ông rất nhiều điều, không phải về cách huấn luyện chó mà về thái độ của con người đối với con chó. Đối với ông, nuôi chó không phải là sở hữu những con chó mà phải trở thành “con đầu đàn” (pack leader) của những con chó mình nuôi.
Nếu bạn coi những con chó Phú Quốc của bạn là những người bạn tốt của mình (chúng đương nhiên là người bạn tốt, bất chấp bạn có coi chúng là người bạn tốt hay không), tôn trọng và tạo điều kiện tối đa cho việc ăn ở tự nhiên của chúng và chính bạn trở thành “con đầu đàn” của chúng, thì dù chúng có mắc bao nhiêu “lỗi” theo “chuẩn” của VKA đi chăng nữa, chúng vẫn trở thành những “thần khuyển”.
Và không chỉ có chó Phú Quốc. Bất cứ con chó nào cũng là con chó kỳ diệu.
Hoàng Hải Vân
>> Truy tìm "căn cước" chó Phú Quốc: Lời cảnh báo trăm năm trước
>> Truy tìm “căn cước” chó Phú Quốc: Những trang sách cổ và giải vô địch thế giới
>> Chó Phú Quốc du đấu xứ người
>> Cơ hội cho chó Phú Quốc ra thế giới
>> Đề nghị thế giới công nhận giống chó Phú Quốc
Bình luận (0)