Kỳ 4: Khai thác Vàm Nao

11/01/2013 00:25 GMT+7

Vàm Nao một thời cá mập, cá sấu nhảy khỏi sông đã trôi dần trong dĩ vãng. Các nhà khoa học, ngành chức năng đã tận dụng dòng chảy chế ngự con sông dữ phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai thác du lịch.

Chế ngự Vàm Nao

Theo ngư dân Ba Trường, nước lũ Vàm Nao sau này bớt phần hung hãn nhờ đó ghe đò qua lại con sông dữ bớt lo toan. Sự đổi thay ấy bắt đầu từ dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao do chính phủ Úc tài trợ với tổng kinh phí trên 13 triệu AUD (khoảng 286 tỉ đồng) được triển khai từ năm 2002.

 Du khách tham gia mò ấu trên cồn Vàm Nao
Du khách tham gia mò ấu trên cồn Vàm Nao - Ảnh: Thanh Dũng

Một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, vùng dự án Bắc Vàm Nao được triển khai trải rộng qua 22 xã, thị trấn thuộc H.Phú Tân và thị xã Tân Châu, với diện tích 30.836 ha. Trong đó xây dựng hệ thống vành đai các tuyến đê bao chiều dài hơn 100 km với hơn 100 cống hở, cống tròn... vừa có chức năng ngăn nước lũ, vừa dẫn nước từ sông lớn vào nội đồng phục vụ tưới tiêu cho ruộng lúa, rau màu. Ngoài ra vào mùa lũ, các kênh đê bao còn có chức năng tải lượng phù sa từ sông Tiền, sông Hậu vào nội đồng; dẫn nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ sông lớn vào các tuyến kênh mương giúp ngư dân đánh bắt, khai thác nuôi trồng thủy sản... Mặt khác, các tuyến đê bao phát huy tác dụng giúp người dân vận chuyển nông sản, hoa màu thuận lợi hơn so với bằng ghe xuồng.

Theo tính toán, từ khi triển khai dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao thì 22 xã, thị trấn, phường trong vùng dự án không còn ngập lụt khi lũ về, nhờ đó người dân có thể yên tâm sản xuất lúa vụ 3, chọn cây trồng, nuôi thủy sản thích hợp theo mùa nên hiệu quả kinh tế tăng nhiều lần so với lúc chưa có dự án. Do hiệu quả dự án cao, trong năm 2013, UBND tỉnh An Giang dự kiến triển khai xây dựng thêm hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao ở H.Chợ Mới, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.

Du lịch trên ổ cá

Nói về Vàm Nao, ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên viên chuyên trách du lịch của Trung tâm du lịch nông dân (Hội Nông dân tỉnh An Giang) cho biết, mùa lũ sông rất dữ nhưng mùa khô với dòng chảy đặc thù nên ngã ba sông rất thơ mộng, thích hợp cho khai thác du lịch. Vàm Nao tuy không còn cá đặc sông như xưa nhưng nơi đây vẫn gọi là ổ cá với 52 loài cá phong phú của sông Mê Kông. Vì thế trung tâm đã sàng lọc chọn ra tuyến du lịch trên sông Vàm Nao thành một trong những điểm kết nối du lịch trong khuôn khổ dự án du lịch do Tổ chức Nông dân Hà Lan tài trợ, với kinh phí trên 9 tỉ đồng. Theo ông Tùng, yêu cầu của tour du lịch là người dân trong vùng giữ được bản sắc tự nhiên, dân vẫn sinh hoạt, làm đồng áng, thả lưới như thường khi có du khách.

Theo chương trình, du khách đến đây đi thuyền ngắm cảnh sông Vàm Nao, nghe thuyết minh về chuyện xưa tích cũ Vàm Nao như chuyện ông Năm Chèo, mùa hội cá hô, cá bông lau... Du khách có thể trải nghiệm một đêm trên sông nước với ngư dân để thấu hiểu cảm giác hồi hộp, nôn nao khi trong lưới có cá hay thất vọng khi lưới chỉ đầy rác rến sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Lãng mạn hơn, du khách mua cá bông lau dính lưới chế biến thành món ăn tại chỗ để vừa ngồi thuyền hay xuồng nhấp ly rượu nếp ngắm sông Vàm Nao lung linh trong ánh đèn đêm; hoặc trầm mình theo ven sông cùng ngư dân mò cá, kéo chà bắt các loài cá hay mò ốc, hái ấu...

Còn trong mùa nước nổi, Vàm Nao có một số cù lao đặc thù như cù lao ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, H.Phú Tân) khi lũ về dù lớn hay nhỏ vẫn bị ngập chìm lênh đênh trong biển nước. Lúc đó các loài cá tôm tới trốn sóng gió trong các rặng lau sậy nên thích hợp cho khách du lịch câu cá, kéo cá, chài cá theo đúng phong cách ngư dân. Để có cảm giác mạnh hơn thì lặn hụp theo con nước đục cùng dân bản địa hái bông súng, bẻ điên điển, mò ốc bươu... Du khách có yêu cầu, người dân sẽ chế biến những con cá tôm bắt được theo cách dân dã, miệt vườn nhưng đảm bảo hương vị sẽ lạ miệng, theo đúng đồng quê như canh chua điên điển, mắm kho cá linh điên điển, cá linh nướng, cá sửu chiên...

 Một du khách hớn hở sau những giây phút hồi hộp kéo lưới bắt cá trên Vàm Nao
Một du khách hớn hở sau những giây phút hồi hộp kéo lưới bắt cá
trên Vàm Nao - Ảnh: Thanh Dũng

Ngư dân Tám Hổ (ấp Vàm Nao), người tham gia vào dự án du lịch cho biết du khách đến đây thích lắm vì họ được trải nghiệm tự nhiên, sống đơn giản cùng dân nghèo trong căn nhà đơn sơ, cùng nông dân ra đồng lội ruộng trồng cà, hái ớt; cùng tham gia lênh đênh tìm cá nếm mùi nắng gió trên sóng nước... Tám Hổ kể: “Nhiều du khách không quen hái ấu khi lội xuống bị trái ấu quẹt, đâm vào chân rất đau, hay đi kéo cá dở chà không quen nên bị rớt xuống sông. Lúc ấy họ nói bấy lâu nay ăn củ ấu thấy ngon mà đâu biết người trồng ấu cơ cực vậy”. Theo Tám Hổ, nhờ tham gia du lịch nên mỗi tháng ông thu nhập kiếm thêm được 2 triệu đồng, số tiền này khá lớn ở vùng quê.

Chiều tối. Sông Vàm Nao lãng đãng khói sương, ghe tàu ngang dọc nhộn nhịp. Những chiếc xuồng câu lặng lẽ buông lưới. Đâu đó tiếng hò, tiếng hát vút lên lướt trên tiếng sóng: “Sông sau, sông trước hai dòng/Phân ra hai ngã ngoài trong vận đào/Các ngã gần chảy nhập vào/Tục kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng...”. Bóng chiều buông hết, con sông lấp lóa ánh đèn câu mênh mang một vùng sông nước.

Thanh Dũng

>> Nhộn nhịp mùa cá linh
>> Bắt được cá hô hơn 130 kg
>> Lại bắt được cá tra dầu khổng lồ
>> Cá tra dầu 70 kg đã chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.