Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Văn hóa - lối sống - ảnh hưởng
Từ thế kỷ 20, khi ngành công nghiệp văn hóa (Cultural Industry) hình thành, thì quan niệm coi văn hóa chỉ là yếu tố tinh thần đã thay đổi. Văn hóa trở thành tài nguyên quyền lực then chốt của quốc gia, đồng thời đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự vận hành và phân tán quyền lực trên toàn cầu. Cà phê Espresso có thể xem là một trong những hiện tượng dẫn dắt văn hóa, tác động lớn đến nhận thức cộng đồng quốc tế về hình ảnh và chuẩn mực Ý.
Những sáng kiến đầu tiên về máy pha cà phê Espresso xuất hiện cùng thời điểm chủ nghĩa vị lai hình thành ở Ý. Không đơn thuần là một trào lưu, chủ nghĩa vị lai còn trở thành nghệ thuật sống đề cao sự đổi mới sáng tạo và tốc độ, hướng đến kiến tạo ra bản sắc Ý hiện đại. Năm 1909, bản tuyên ngôn khai sinh chủ nghĩa vị lai được đọc tại quán Caffè Giubbe Rosse ở Florence (Ý) - nơi được gọi là “Lò rèn của những ước mơ và đam mê”. Kể từ đó, các hoạt động ở quán cà phê này nổi tiếng khắp nước Ý, đến nỗi các nhà văn và nghệ sĩ đã di chuyển từ nhiều vùng khác nhau tề tựu về để bàn luận các vấn đề đương đại.
Năm 1913, triển lãm nghệ thuật của chủ nghĩa vị lai đã được tổ chức tại Caffè Giubbe Rosse thu hút hàng dài những người ngưỡng mộ đến trước quán cà phê. Đó là một trong những khoảnh khắc đưa cả phong trào vị lai và quán cà phê Giubbe Rosse trở nên phổ biến và mang dáng hình huyền thoại. Lòng sùng kính của thế hệ trẻ dành cho những quán cà phê của chủ nghĩa vị lai áp đảo, nhà ngôn ngữ học Bruno Migliorini đã đặt ra thuật ngữ “giubberossisti - những người sùng đạo” cho hiện tượng này.
Chủ nghĩa vị lai gây ảnh hưởng cùng lúc với làn sóng công nghệ bắt đầu để lại dấu ấn trong xã hội Ý, các đặc điểm liên quan đến công nghệ, cụ thể là tốc độ và tính năng động được ưa chuộng. Caffé Espresso lần đầu tiên được giới thiệu trong thời kỳ này đã làm văn hóa cà phê Ý chuyển hóa thành lý tưởng mới về tiến bộ xã hội. Espresso là bước đột phá trong thế giới cà phê. Về cơ bản, văn hóa cà phê Espresso là biểu tượng đại diện hoàn hảo cho lối sống hiện đại. Espresso đã hợp nhất các khái niệm tiến bộ công nghệ, sáng tạo và tốc độ. Rõ ràng, cà phê có tác động đến khả năng tư duy nhạy bén của con người. Thiết bị pha chế tân thời cũng biểu thị sự tôn trọng với thời gian và với lối sống mà những người thưởng thức cà phê cho rằng nó thuộc về bản sắc của họ. Mọi người tìm đến quán cà phê vì cảm giác được công nhận tư cách thành viên của một nhóm xã hội đặc biệt. Có thể hiểu là, người thưởng lãm lựa chọn thực hành một loại văn hóa thể hiện được các lý tưởng mà họ ngưỡng vọng, giúp họ trở thành con người mà họ mong muốn. Espresso đã vừa vặn đáp ứng được khao khát đó.
Năm 1933, phiên bản đầu tiên của ấm Moka ra đời, đây là một trong những biểu tượng kiêu hãnh của nghệ thuật Ý trên thế giới. Ấm Moka được làm từ nhôm - tài nguyên quan trọng trong ngành công nghiệp Ý, được xem là "kim loại của tương lai". Sự kết hợp giữa văn hóa cà phê và nhôm làm rõ khát vọng dẫn dắt kỷ nguyên hiện đại của người Ý. Filippo Tommaso Marinetti - người sáng lập chủ nghĩa vị lai đã gọi đó là tác nhân giải phóng châu Âu khỏi sự sùng bái quá khứ, để hướng tới con người mới của thời đại công nghiệp.
Cùng với cà phê Espresso, ấm Moka đã đưa văn hóa Ý ảnh hưởng khắp toàn cầu. Các thuật ngữ bằng tiếng Ý như barista, crema đã thịnh hành vào những năm đầu thế kỷ 21. Trên hết, cả thế giới ngày nay đang thưởng thức cà phê phong cách Ý dưới mọi hình thức: lungo, ristretto, macchiato, latte, americano, cappuccino… Xu hướng này đã làm nên lịch sử quyền lực mềm của Ý, như nhà xã hội học Massimo Cerulo đã nói: "Nếu không phải cà phê Espresso của Ý và nghi thức xã hội của cà phê, thì nước Ý sẽ không tồn tại như chúng ta biết”.
Ngày nay, văn hóa cà phê Espresso là biểu tượng của bản sắc dân tộc Ý, thu hút phần còn lại của thế giới thực hành theo. Người Ý không bán cà phê, không bán thiết bị pha chế. Thông qua cà phê, Ý đang quảng bá sự xuất sắc của người Ý và một lối sống Ý không thể nhầm lẫn, không thể thay thế.
Huyền thoại văn hóa
Khi những nét văn hóa của một quốc gia được phổ biến và chấp nhận rộng rãi thì quyền lực mềm và vị thế quốc gia đó sẽ gia tăng. Sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ sẽ thuyết phục các dân tộc khác hành xử theo ý tưởng của dân tộc mình.
Nếu chúng ta tranh thủ nghỉ giữa giờ làm việc và uống một tách cà phê, chúng ta đang thực hành một hành vi văn hóa có nguồn gốc từ Mỹ. Văn hóa này khởi điểm từ cộng đồng Stoughton, Mỹ. Những năm 1880, nữ công nhân làm việc trong các nhà máy yêu cầu được giải lao trong thời gian làm việc để nấu thức ăn và pha một ấm cà phê. Các chủ doanh nghiệp nhận thấy hiệu suất của người lao động cải thiện rõ rệt sau khi uống cà phê, họ đã cho phép công nhân được nghỉ ngơi uống cà phê vào buổi sáng và buổi chiều. Đến nay Stoughton vẫn tổ chức Lễ hội Coffee Break hàng năm để ghi nhớ dấu mốc lịch sử quan trọng này.
Đến tận năm 1951, giờ nghỉ giải lao mới thực sự là một vấn đề mang tính quốc gia. Liên minh Công nhân Ô tô đại diện cho những người lao động trong ngành công nghiệp Mỹ đã tổ chức đàm phán với các doanh nghiệp về chính sách phúc lợi cho công nhân, bao gồm tiền lương, bảo hiểm y tế, trợ cấp hưu trí và vấn đề nghỉ giải lao. Sau thành công của cuộc đàm phán, thời gian nghỉ uống cà phê đã được đưa vào hợp đồng lao động. Tiếp đó, năm 1952, The Pan American Coffee Bureau thực hiện chiến dịch quảng cáo với thông điệp: “Hãy cho bản thân một tách cà phê - và nhận được những gì cà phê mang lại” khuyến khích người Mỹ uống cà phê như một lối sống thời thượng. Sau chiến dịch này, “Coffee Break” dần thịnh hành, trở thành một nghi thức được áp dụng như văn hóa doanh nghiệp Mỹ.
“Coffee Break” thúc đẩy tinh thần cộng đồng, giúp con người tái tạo năng lượng và tạo điều kiện cho tư duy sáng tạo bằng cách cho mọi người cơ hội trao đổi ý kiến về nhiều chủ đề khác nhau. Trong trường hợp này, giá trị của văn hóa cà phê phù hợp với các khao khát mới chớm của xã hội, vì thế mà có thể tạo ra những thay đổi mang tính thời cuộc. “Coffee Break” đã phổ biến đến mức được cả thế giới công nhận và ứng dụng.
Một nền văn hóa và hệ tư tưởng đủ hấp dẫn, những dân tộc khác sẽ sẵn lòng thực hành theo. Cách mà Espresso hay “Coffee Break” dẫn dắt văn hóa thế giới chính là câu chuyện về sức ảnh hưởng của quyền lực mềm. Thông qua văn hóa để khẳng định bản sắc và các giá trị của quốc gia, dân tộc, khiến quốc gia trở nên hấp dẫn một cách tự nhiên đối với thế giới. Cũng có thể nói rằng, cà phê đã thực sự đóng vai trò gia tăng chỉ số quyền lực mềm toàn cầu cho các quốc gia sáng tạo văn hóa theo một mô hình lý tưởng, đủ hấp lực các dân tộc khác.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Vai trò của cà phê trong y học cổ đại đến hiện đại
Bình luận (0)