Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Khát vọng truy cầu hạnh phúc
Từ thời kỳ các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tư, những câu hỏi liên quan đến tâm trí con người đã được nghiên cứu và giải đáp ở tầm triết học. Chứng trầm cảm, mất trí nhớ, hay cách thức hoạt động của trí óc, sự nhận thức… được ghi nhận thông qua các hình thức suy nghiệm, quan sát, giải phẫu, và cả thí nghiệm được ghi chép trong các văn bản cổ xưa như Ebers Papyrus, hay thực hiện bởi nhiều nhà tư tưởng như Socrates (470-399 TCN), Plato (428 - 347 TCN), Aristotle (384 - 322 TCN), Ahmed ibn Sahl al-Balkhi (850 - 934) …
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 15, lần đầu tiên, thuật ngữ Tâm lý học theo ngôn ngữ Latin “psychologia” mới được ghi chép lại trong tiêu đề chuyên luận “Psichiologia de ratione animae humanae” (Tâm lý học, về bản chất của linh hồn con người) của nhà nhân văn học Marko Marulić (1450-1524). Và đến năm 1590, thuật ngữ này được sử dụng trong cuốn sách “Yucologia hoc est de hominis perfectione, anima, ortu” của nhà triết học Đức Rudlof Goeckel (1547-1628), và trở nên phổ biến qua tác phẩm “Psychologia empirica and Psychologia ratinalis” của nhà triết học duy tâm Christian Wolff (1679 - 1754) với ý nghĩa là môn khoa học của tâm trí. Thế nhưng phải đến thế kỷ 19, Tâm lý học mới chính thức trở thành một ngành khoa học độc lập, phát triển mạnh mẽ với sự ra đời nhiều trường phái có sức ảnh hưởng đến ngày nay.
Thuật ngữ “Psychologia” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp cổ với nghĩa “sự học về tâm hồn”, được kết hợp từ chữ “psychē” - “ψυχή” có nghĩa là “tâm hồn” và chữ “logia” - “λογία” có nghĩa là “học”, “nghiên cứu”. Trong thần thoại Hy Lạp, “psyche” cũng gắn liền với câu chuyện về nàng Psyche xinh đẹp bằng những nỗ lực của bản thân đã vượt qua nghịch cảnh do nhận thức sai lầm và những thử thách của đời sống xã hội để theo đuổi hạnh phúc đích thực. Có thể hiểu, mục đích hướng đến của Tâm lý học là nghiên cứu cảm xúc, ý chí và hành động của con người, cũng như sự tác động của thể chất - xã hội ảnh hưởng đến hành vi, tinh thần của mỗi cá nhân để thấu hiểu, từ đó có thể cải thiện, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế kỷ 19, xã hội châu Âu bước vào giai đoạn suy thoái, được biết đến với tên gọi Fin-de-Siècle - Thời khắc chuyển giao. Nguyên nhân chính là do sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, khai sinh ra nhiều luồng tư tưởng mới ảnh hưởng tới chính trị và xã hội châu Âu. Tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng sâu sắc từ các ý tưởng dân chủ của cuộc cách mạng Pháp, tầng lớp thấp bắt đầu bị tác động bởi các ý tưởng chủ nghĩa xã hội, cộng sản và vô chính phủ. Trong khi đó, tầng lớp tư bản mới mong muốn về Chủ nghĩa tự do.
Tinh thần của thời đại Fin-de-Siècle chia làm hai khuynh hướng rõ rệt. Một bên lao dốc vì sự mệt mỏi, hoài nghi, bi quan và có niềm tin phổ biến rằng nền văn minh sẽ khiến cho xã hội bị suy tàn. Một bên lại tràn đầy niềm tin vào thực tại và tương lai, theo đuổi khoa học để cố giải mã thế giới mà họ sống. Điều này đã khiến con người rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thức, và càng dấy lên khát vọng giải phóng về mặt tinh thần ngày một lớn hơn. Giới trí thức sống giữa thời đại Fin-de-Siècle cũng luôn tìm kiếm lời giải đáp cho đời sống tinh thần con người, làm sao vượt thoát khỏi khủng hoảng để vươn đến hạnh phúc đích thực.
Chính những nỗ lực giải mã thế giới tinh thần, để dẫn hướng cho con người truy cầu hạnh phúc từ năng lực tự nhận thức, khai mở trí tuệ để vượt thoát những khủng hoảng, trì trệ từ đời sống xã hội, đi đến xác lập thái độ và hành vi đúng đắn với cộng đồng, đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của Tâm lý học trong giai đoạn này. Trong đó, cột mốc quan trọng là năm 1879, Wilhelm Wundt đã thiết lập phòng thí nghiệm Tâm lý học đầu tiên ở Leipzig, Đức và tách Tâm lý học trở thành một ngành khoa học độc lập. Tiếp nối những nỗ lực nghiên cứu sâu rộng về hoạt động của não bộ, những điều tạo thành ý thức và nội tâm con người của Wilhelm Wundt, nhiều học thuyết tâm lý đã được ra đời trong thế kỷ 19 và 20, đóng góp vào sự hoàn thiện ngành Tâm lý học.
Hàng quán cà phê - Không gian khai mở tâm thức
Thế kỷ 16, cà phê đã là thức uống thiết yếu của đời sống xã hội Ottoman và hàng quán cà phê đóng vai trò là nơi trò chuyện, trao đổi kiến thức của mọi tầng lớp thuộc mọi tôn giáo, ngành nghề, được gọi là “Mekteb-i ‘irfan” - trường học tri thức. Đến thế kỷ 17 - 18, hàng quán cà phê hiện diện khắp châu Âu, trở thành trung tâm tinh thần của kỷ nguyên khai sáng, phổ biến lý tưởng, kiến thức đến toàn xã hội.
Sự cởi mở đón nhận tất cả mọi đối tượng, cởi mở chia sẻ tri thức, cũng như tự do tranh luận những ý tưởng mới, hàng quán cà phê đã trở thành không gian lý tưởng để con người khai mở tâm trí, thấu suốt tâm hồn chính mình. Nơi ấy, con người có thể soi rõ bản thân, cất lên tiếng nói của lòng mình, những khát khao và hoài vọng, cũng như đủ tỉnh thức để lắng nghe người khác để nhận thức đúng đắn về bản thân, về xã hội và cách con người nên sống, cũng như tìm thấy tiếng nói đồng vọng từ những con người cùng chung lý tưởng.
Thế nên, hàng quán cà phê chẳng phải ngẫu nhiên vẫn là địa chỉ đáng tin cậy để giới tri thức hội tụ, nghiên cứu và tranh luận các vấn đề thời cuộc, về đời sống tinh thần con người, nhằm tìm lại bản chất và vai trò của con người trong sự phát triển của xã hội. Đặc biệt tại châu Âu, từ thế kỷ 18 đến 20, một hệ thống tri thức lý luận nghiên cứu về nhận thức, cảm xúc, hành vi con người được hình thành từ các không gian hàng quán cà phê, mở ra nhiều học thuyết tâm lý có ảnh hưởng sâu sắc đến nền Tâm lý học hiện đại ngày nay.
Tại Pháp, quán Café Procope là nơi những nhà triết học vĩ đại như Immanuel Kant, Jean-Jacques Rousseau, Denis Diderot, Voltaire… thảo luận và viết nên những công trình nghiên cứu vang danh, ảnh hưởng triệt để trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) có ảnh hưởng đến học thuyết Tâm Lý Học Đạo Đức và Tâm Lý Học Trẻ Em. Nhà triết học duy vật người Pháp Denis Diderot (1713-1784) là một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng bất kỳ nhà duy vật nào cũng phải giải quyết câu hỏi về vai trò, chức năng của bộ não, và mối quan hệ của não bộ với tinh thần. Hay quán Café de la Régence, nơi giới tinh hoa thường xuyên lui tới, nổi tiếng nhất là cuộc gặp gỡ của Karl Marx (1818 - 1883) và Friedrich Engels (1820 - 1895) vào tháng 8 năm 1844. Hai người đã cộng tác và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, phát triển các lý luận triết học và sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học. Về sau, triết học Marx đã trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận cho thuyết Tâm Lý Học Hoạt Động.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tại Viên, quán cà phê hoạt động như một câu lạc bộ nghiên cứu và là không gian gắn liền với sự hình thành và phát triển của trường phái Phân Tâm Học. Tại quán cà phê Café Korb, Sigmund Freud (1856 - 1939) đã thành lập Hội Phân Tâm Học Viên vào năm 1908 và thường xuyên tổ chức những buổi đàm thoại nơi đây. Và tại quán Café Landtmann, Freud đã phát triển thế giới quan và dành hàng giờ khám phá những yếu tố cần thiết mà một xã hội trật tự cần có để vận hành và vượt thoát trạng thái xung đột miền nội tâm. Từ đây, những tác phẩm quan trọng, làm thay đổi vĩnh viễn cách hiểu bản chất con người của Freud đã ra đời. Trong đó, Essais de Psychanalyse (1927, Nghiên Cứu Phân Tâm Học), Group Psychology and the Analysis of the Ego (1921, Tâm lý đám đông và Phân tích cái Tôi) được Freud lấy cơ sở và ứng dụng những luận thuyết đã nghiên cứu từ tác phẩm kinh điển “La psychologie des foules” (1895, Tâm lý học đám đông) của nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon (1841 - 1931).
“Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon là một trong những cuốn sách được Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết lựa chọn cẩn trọng cùng hơn 100 cuốn sách thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại để tạo lập nên Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời.
Từ những cuộc tranh luận, chia sẻ quan điểm tại không gian Café Korb, nhà tâm lý học Alfred Adler (1870 - 1937) khởi xướng thuyết Tâm Lý Học Cá Nhân. Năm 1912, ông thành lập Hội Tâm Lý Học Cá Nhân và thường gặp mặt tại quán Café Siller, Café Central. Các nhà tâm lý học, xã hội học như Carl Gustav Jung (1875 - 1961), Karen Horney (1885-1952), Harry Stack Sullivan (1892 - 1949)… đã làm hoàn thiện hơn thuyết Phân Tâm Học thông qua việc phát triển các trường phái Tâm Lý Học Phân Tích, Phân tâm học Nữ tính, Phân tâm học Trẻ em…
Tại Mỹ, nhà tâm lý học John Broadus Watson (1878 - 1958) đã thành lập trường phái Tâm Lý Học Hành Vi vào năm 1913, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển Tâm lý học Mỹ và thế giới trong suốt thế kỷ 20. Thậm chí, các nguyên tắc cơ bản của Tâm Lý Học Hành Vi vẫn được sử dụng rộng rãi đến ngày nay, trong việc nuôi dạy và giáo dục trẻ em. Thông qua cách tiếp cận hành vi của mình, Watson đã tiến hành nghiên cứu về hành vi động vật, nuôi dưỡng trẻ em và lĩnh vực quảng cáo. Đặc biệt, trong những năm 1950, John Broadus Watson đã tạo ra ý tưởng quảng cáo “Give yourself a coffee-break” cho The Pan American Coffee Bureau. Mặc dù đã xuất hiện vào thế kỷ 19, nhưng phải đến khi chiến dịch quảng cáo của Watson được lan truyền, khái niệm “coffee break” trở nên phổ biến rộng rãi trong văn hóa Hoa Kỳ và trên khắp thế giới đến ngày nay.
Như vậy, với công năng thức tỉnh, cà phê cùng hàng quán cà phê đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy việc tìm kiếm lời giải đáp về con đường đi đến hạnh phúc đích thực của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Hay nói cách khác, hàng quán cà phê đã cung ứng một không gian văn hóa tự do, cởi mở để mỗi cá nhân nhận thức lại chính mình và đời sống xã hội, cùng nhau giải mã những khát vọng sâu thẳm trong tâm thức và xác định vai trò của chính mình trong hành trình xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: John Broadus Watson và văn hóa “coffee break” biểu dương lối sống sáng tạo
Bình luận (0)