'Kỳ án bánh mì' ở Bến Tre: Thua kiện vì không có mẫu bệnh phẩm !

05/03/2015 05:03 GMT+7

Sau phần xét hỏi, tranh luận và nghị án kéo dài trong ngày 3.3, hôm qua (4.3), TAND TP.Bến Tre tuyên bác yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kim Thuyên, nguyên đơn thứ 2 trong 22 vụ kiện đòi bà Võ Thị Minh Tuyến, chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến (P.Phú Khương, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua tại tiệm.

Sau phần xét hỏi, tranh luận và nghị án kéo dài trong ngày 3.3, hôm qua (4.3), TAND TP.Bến Tre tuyên bác yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kim Thuyên, nguyên đơn thứ 2 trong 22 vụ kiện đòi bà Võ Thị Minh Tuyến, chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến (P.Phú Khương, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua tại tiệm. Theo HĐXX, bà Thuyên không có đủ chứng cứ để chứng minh bị ngộ độc do ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến (tương tự trường hợp ông Nguyễn Văn Hoàng, nguyên đơn của vụ kiện thứ nhất, được tòa xét xử ngày 9.2).

Thua kiện vì không có mẫu bệnh phẩm !Chủ tọa phiên tòa tuyên án - Ảnh: Khoa Chiến
Theo bản án, HĐXX ghi nhận thực tế bà Thuyên có bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại Bệnh viện Quân y tỉnh Bến Tre từ ngày 24 - 28.5.2013, có bệnh án minh chứng và tiệm Minh Tuyến đã bị xử phạt hành chính vì có mẫu thực phẩm bị nhiễm khuẩn khi cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm vào thời điểm xảy ra ngộ độc. HĐXX nhìn nhận việc cung cấp hóa đơn mua bánh mì là nghĩa vụ của bên bán chứ không phải của bên mua. Nhưng chỉ hóa đơn thôi chưa đủ, bà Thuyên cần phải có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của mình và kết quả phát hiện vi khuẩn phải phù hợp vi khuẩn mà cơ quan chức năng đã xét nghiệm tìm thấy trong mẫu bánh mì Minh Tuyến thì mới có căn cứ hợp pháp để yêu cầu tiệm Minh Tuyến bồi thường thiệt hại.
“Đòi hỏi không thực tế”
Theo lịch xử của TAND TP.Bến Tre, trong ngày 3.3 diễn ra 2 phiên tòa, phiên trước dành cho bà Thuyên, phiên kế dành cho con gái bà (chị Nguyễn Thị Thúy Linh), người cũng bị ngộ độc sau khi ăn chung ổ bánh mì bà Thuyên mua và là nguyên đơn của vụ kiện tương tự (với mức đòi bồi thường thiệt hại chỉ 141.000 đồng). Tuy nhiên, do vụ xử bà Thuyên không kết thúc như dự kiến, việc xử vụ kiện của chị Thúy Linh được tòa hoãn lại đến ngày 7.4, quá thời gian so với quy định của luật Tố tụng dân sự.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên sau phiên tòa về việc mẫu bệnh phẩm lấy từ người bị ngộ độc thực phẩm có thể xét nghiệm tìm ra vi khuẩn phù hợp vi khuẩn được cơ quan chức năng phát hiện từ mẫu bánh mì Minh Tuyến hay không, bác sĩ Trần Văn Ân, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), khẳng định không phải bất kỳ trường hợp nào cũng tìm ra. Bởi vi khuẩn có thể đã chết đi nhưng để lại độc tố gây bệnh. Ngoài ra, còn có các tác nhân khác gây ngộ độc thực phẩm như các hóa chất, chất độc có sẵn trong thực phẩm. Vì vậy đòi hỏi phải có vi khuẩn trong bệnh phẩm trùng khớp với vi khuẩn trong thực phẩm là một yêu cầu không thực tế. Mặt khác, đòi hỏi mọi bệnh nhân khi bị ngộ độc thực phẩm nhập viện đều phải được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cũng là không thực tế. Chỉ những bệnh nhân bị nặng, nằm lâu mới cần lấy mẫu, còn bị nhẹ thì chỉ cần đánh giá thông qua các triệu chứng điển hình.
Bà Trần Thị Sinh, Ủy viên thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, cũng cho rằng “sự việc đã quá rõ ràng vậy mà tòa còn đòi phải có phiếu điều tra là cố tình bỏ qua một chứng cứ quan trọng”. Bởi báo cáo của Viện Y tế công cộng TP.HCM đã kết luận bánh mì Minh Tuyến là nguyên nhân gây ngộ độc với danh sách điều tra 54 bệnh chứng, trong đó có bà Thuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.