|
Trang newsday.com dẫn lời Giáo sư lịch sử Michael D'Innocenzo của Đại học Hofstra tại New York cho hay John F.Kennedy (JFK) luôn xuất hiện ở phần đầu trong danh sách những người quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc khảo sát dành cho sinh viên năm nhất suốt 43 năm qua.
Truyền cảm hứng
“Tôi có cảm giác ông không khác gì biểu tượng của nước Mỹ, cũng giống như đại bàng đầu trắng và quốc kỳ”, theo sinh viên Max Bid của Đại học Hofstra. “JFK là biểu tượng của cảm hứng và lòng yêu nước ngay cả khi người dân chẳng biết nhiều về các chính sách của ông lúc sinh thời”, sinh viên này giải thích.
Nhiệm kỳ tổng thống của JFK khá trắc trở và thách thức đối nội lớn nhất có thể nói là tình trạng xung đột xuất phát từ nạn phân biệt chủng tộc. Khi nhậm chức, Kennedy triển khai chính sách “Biên giới Mới” theo hướng cung cấp ngân sách cho giáo dục và chương trình chăm sóc sức khỏe, cùng các kế hoạch giảm suy thoái kinh tế. Với sự hỗ trợ của đảng Dân chủ, JFK nâng mức lương tối thiểu, cắt giảm thuế và thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình. Luật cuối cùng mà ông ký có nội dung khuyến khích chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người bệnh tâm thần. Do nhiệm kỳ ngắn ngủi, chỉ kéo dài 1.037 ngày, nên những kế hoạch tham vọng khác của ông đành phải gác lại, chẳng hạn như JFK cam đoan sẽ chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc nhưng xung đột này vẫn kéo dài nhiều năm sau đó cho đến khi mục sư Martin Lurther King bị ám sát năm 1968. Và trong vòng 1 thập niên kể từ khi JFK công khai ý định chinh phục mặt trăng, người Mỹ đã đặt chân lên bề mặt “chị Hằng”.
Tránh chiến tranh hạt nhân
Về đối ngoại, di sản Kennedy được gói gọn trong 3 chương quan trọng nhất: Sự kiện Vịnh con heo, khủng hoảng tên lửa Cuba, Việt Nam. Chỉ trong 100 ngày kể từ khi ông nhậm chức, kế hoạch tấn công Cuba do CIA triển khai tại Vịnh con heo đã kết thúc bằng một thất bại mất mặt. Quân đội Cuba chỉ mất 3 ngày đã đánh bại lực lượng lưu vong do CIA bỏ công huấn luyện và vũ trang trong hơn 1 năm. Tuy nhiên, các sử gia vẫn xem đây là một di sản đối ngoại của JFK, với lập luận rằng mỗi tổng thống và chính quyền đều thu được những bài học từ sai lầm của mình.
Trong bài bình luận trên tờ The New York Times, ông Robert Dallek, người viết tiểu sử của Kennedy, cho rằng JFK đã góp công giúp thế giới tránh một cuộc chiến hạt nhân trong 13 ngày khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962. Giới lãnh đạo quân sự Mỹ đã hối thúc tấn công Cuba để trả đũa việc Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân trên đảo quốc này. Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao cuối cùng cũng có kết quả, sau khi JFK đạt được thỏa thuận ngầm với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Đường dây nóng quân sự được thiết lập giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin và vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân trở thành trọng tâm trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Quan trọng hơn, hai bên đã ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trên không, thành tựu đáng tự hào nhất của JFK.
Dù thành tựu khá hiếm hoi và thất bại không phải ít, nhưng ảnh hưởng của JFK không chỉ giới hạn trong phạm vi nhiệm kỳ tổng thống của ông mà còn lan tỏa đến từng thế hệ sau này của Mỹ. JFK có thể không phải là một tổng thống vĩ đại, nhưng thế giới đã thay đổi hoàn toàn trong lúc ông lãnh đạo nước Mỹ. “Đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc của mình”, luôn được xem là câu nói nổi tiếng nhất từng thốt ra từ miệng của một nhà lãnh đạo trên thế giới.
Nước Mỹ tưởng niệm Kennedy Hôm qua, nước Mỹ đã tưởng niệm 50 năm ngày Kennedy bị ám sát bằng việc treo cờ rủ tại các cơ quan chính phủ, theo chỉ thị của Tổng thống Barack Obama. Một buổi lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại công viên Dealey Plaza ở thành phố Dallas, nơi ông Kennedy bị sát hại 50 năm về trước. Các nhà thờ cũng đổ chuông đúng thời điểm Kennedy bị ám sát vào trưa 22.11.1963 (giờ Mỹ). Danh Toại |
Thụy Miên
>> Ông Obama yêu cầu treo cờ rủ tưởng niệm Kennedy
>> Vụ ám sát Tổng thống Kennedy là một cuộc đảo chính?
>> Con gái ông Kennedy chính thức thành Đại sứ tại Nhật
>> Con gái ông Kennedy làm đại sứ Mỹ tại Nhật
>> Bán nhẫn cưới của người bắn Kennedy
Bình luận (0)