Đại thần Lê Sát “khuynh đảo” triều chính
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết Lê Thái Tông lên ngôi “mới 11 tuổi, không cần mẫu hậu che rèm nghe việc mà công việc trong nước đều tự mình làm cả”. Hỗ trợ Lê Thái Tông xử lý triều chính có 3 đại thần cố mệnh là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân. Tuy nhiên, bản thân Lê Sát đã tiến hành bài bác những người không ăn cánh, đồng thời sắp xếp những người ủng hộ mình vào các chức vụ trong triều. Lê Sát ngày càng có ảnh hưởng lớn khuynh đảo triều chính.
Thái Tông gần như đã mất tín nhiệm vào các đại thần văn võ nên bắt đầu xa lánh các triều thần, ngược lại sử dụng lực lượng hoạn quan luôn hầu hạ bên mình để tiến hành lý tưởng chính trị của bản thân. Biểu hiện của sự rạn nứt này đã thấy từ cuối tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), Ngự sử Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ liên danh dâng sớ can vua sáu điều. Trong đó có nói: “Tiên đế chọn lấy con em của công thần vào hầu bệ hạ học, bệ hạ đều lìa xa, mà ở trong cung cùng với bọn hầu cận chơi đùa, thế là năm điều không nên. Phàm người làm vua tất phải tìm người hiền tài để nói thẳng can ngăn và người có công mà thưởng, nay bệ hạ lại cùng với bọn hoạn quan chơi đùa mà thưởng, thế là sáu điều không nên”.
Tháng 6 năm đó (1435), triều đình lại một lần nữa muốn tách Thái Tông ra khỏi các hoạn quan. Họ cùng nhau liên danh đề cử Hành khiển Thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du, cùng với sáu người văn thần và hai ba đại thần khác chia phiên vào hầu vua học. Thái Tông sai hoạn quan Đinh Phúc trả tờ tâu của các quan lại, không nhận. Lê Sát lại cùng với các đại thần tâu xin vua giết hoạn quan Nguyễn Cung - hoạn quan mà vua rất tin. Thái Tông cũng không nghe.
Vai trò của hoạn quan tuy không được chính sử chép nhiều nhưng vẫn ngấm ngầm tăng lên trong khoảng 3 năm, từ năm Thiệu Bình thứ 2 (1435) đến năm Thiệu Bình thứ 4 (1437). Một số hoạn quan được bổ nhiệm vào các chức vụ ít quan trọng, như Lương Đăng làm quan giám ở Lỗ bộ ty (quản lý nghi vệ, xe kiệu). Số khác tuy vẫn nép mình trong cung, nhưng vẫn hống hách.
Hoạn quan và nho thần trong vụ chế định lễ nhạc
Tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), vua sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng cùng nhau chế ra loan giá (xe vua dùng), nhạc khí, dạy tập nhạc và múa. Nguyễn Trãi là nho thần. Lương Đăng là hoạn quan. Lỗ bộ ty là cơ quan lo việc chuẩn bị nghi trượng, xe kiệu, cờ quạt cho vua mỗi khi ra ngoài. Nguyễn Trãi có học thức, Lương Đăng có chuyên môn nghiệp vụ. Một người hiểu điển chế xưa, một người rõ quy chế nay. Vì vậy, Lê Thái Tông giao cho 2 người cùng nhau làm, có thể nói là hợp lý. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm này thì giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng xảy ra mâu thuẫn.
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thời tiên vương Thái Tổ Cao hoàng đế đã từng sai Nguyễn Trãi định quy chế mũ áo, nhưng chưa kịp thi hành. Đến đây, hoạn quan Lương Đăng lại dâng sớ bàn sơ về nghi lễ, thể thức mũ áo, âm nhạc, xe kiệu, nghi trượng. Cho nên, Thái Tông lại sai Lương Đăng xây dựng quy chế mũ áo mới cho triều đình. Quy chế cũ của Nguyễn Trãi và quy chế mới của Lương Đăng “nhiều chỗ không hợp nhau, lời bàn về nhạc khí lớn nhỏ nặng nhẹ nhiều điều trái nhau, mà tấu cũng không giống nhau”. Thế là Nguyễn Trãi dâng sớ xin vua hủy bỏ mệnh lệnh sai mình chế định lễ nhạc lúc trước. Đây có thể là một động thái để gây áp lực. Có điều Thái Tông không phải là kiểu vua để cho đại thần làm áp lực. Thái Tông để Lương Đăng làm một mình.
Nguyễn Trãi rút lui khiến Lương Đăng vấp phải sự chống đối ngày càng lớn từ đám nho thần. Đỉnh cao của sự việc là khi quy chế lễ nhạc mới được hoàn thành và dán ngoài cửa Thừa Thiên, Nhóm nho thần 5 người gồm Hành khiển Nguyễn Trãi, các Tham tri bạ tịch Nguyễn Tuyển, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến và Tham nghị Nguyễn Liễu liên danh dâng sớ chống đối. Toàn bộ tờ sớ quán triệt 3 ý: một, Lương Đăng là hoạn quan mà định lễ nhạc, làm nhục cả nước; hai, lễ nhạc của Lương Đăng không theo quy chế cổ; ba, Lương Đăng là hoạn quan ở gần vua nên mọi người nghi ngờ. Cả 3 ý này thể hiện quan điểm của nhóm Nguyễn Trãi. Họ không thích Lương Đăng can dự chính sự, càng không thích người có thân phận hoạn quan lại làm công việc liên quan đến lễ nhạc nho giáo. Nguyễn Liễu ở giữa triều đường chỉ trích: “Từ xưa chưa có hoạn quan nào chuyên phá hoại thiên hạ như thế!”. Hoạn quan Đinh Thắng từ bên trong bước ra, mắng lại rằng: “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ, nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”. Kết quả, Nguyễn Liễu bị lưu đày.
Đinh Phúc thay mặt Thái Tông trả tờ tâu của các triều thần xin cho đại thần vào dạy vua học. Đinh Thắng còn anh hùng hơn, dám từ phía hậu đường bước ra mắng Tham nghị Nguyễn Liễu ở giữa triều đình. Sở dĩ họ dám làm như vậy là vì có được sự tin cậy và bảo vệ của nhà vua. Thái Tông vừa nằm xuống, cây to che chở đã mất, họ cũng phải nộp mạng.
(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Bình luận (0)