Qua 14 phiên tòa, 7 lần hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại do không chứng minh được hành vi giết người, đến ngày 11.3.2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang quyết định đình chỉ vụ án vì đại diện hợp pháp của bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố, cả 5 bị can mới được trả tự do.
Điều tra thực nghiệm hiện trường vào ban ngày, trong khi tình tiết vụ án diễn ra ban đêm - Ảnh: Uy Vũ
|
Đó là các bị can Bàn Văn Thái (41 tuổi), Bàn Văn Tiếp (29 tuổi), Đặng Văn Quang (31 tuổi), Đặng Văn Tuyên (19 tuổi, cùng ngụ H.Hàm Yên, Tuyên Quang) và Đặng Việt Sơn (23 tuổi, ngụ H.Yên Bình, Yên Bái).
Vụ án bắt nguồn từ cái chết không rõ nguyên nhân của anh Đặng Văn Cường (25 tuổi, ở thôn 6, xã Bằng Cốc). Khoảng 17 giờ ngày 15.7.2012, sau 1 ngày ra ngoài không nói lý do, anh Cường về nhà tắm ở bể nước, chị Bàn Thị Xanh (vợ Cường) hỏi: “Đi đâu giờ này mới về?”. Cường trả lời: “Đánh nhau!” rồi Cường nhờ vợ lấy quần áo thay, lên giường đi ngủ. Đến bữa ăn tối, Cường ngồi ăn tại giường nhưng ăn xong một lúc lại nôn ra hết, rồi ngủ tiếp. Hôm sau, chị Xanh phát hiện Cường đã tử vong.
Bị bắt vì đơn tố cáo nặc danh
|
Theo đó, tối 14.7.2012, do lầm tưởng Cường ở trong nhóm trai làng đánh Đặng Văn Tuyên mới từ Yên Bái sang Tuyên Quang chơi, 5 người trên đánh anh Cường bằng gậy lẫn tay không. Khi biết đánh nhầm người, Thái nói đưa nạn nhân lên đồi giấu. Cả nhóm đồng ý, và đưa anh Cường lên đồi cây nhà ông Đặng Văn Tăng (bố Cường). Tại đây, Quang bảo: “Cho nó chết hẳn đi!” và đề xuất cho uống thuốc diệt cỏ, sau đó Thái về nhà lấy thuốc. Quang sợ có dấu vân tay trên người nạn nhân nên bảo Tuyên và Sơn đi mua túi ni lông đeo vào tay. Thái quay về, bảo Quang banh miệng nạn nhân để đổ thuốc diệt cỏ vào miệng, rồi cầm con dao cắt ngang cổ tay của nạn nhân. Thái trộn cơm nguội với ít thuốc trừ sâu rắc xung quanh người anh Cường để tạo hiện trường nạn nhân tự tử. Quang cởi quần áo nạn nhân rồi bảo đồng bọn kéo Cường vào bụi cây cách đó khoảng 2 m. Xong việc, cả nhóm bỏ về nhà.
Tuy nhiên, tại tòa, các bị cáo đều tố cáo họ bị ép cung, nhục hình và kêu oan. Qua 14 phiên tòa, 7 lần hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại do không chứng minh được hành vi giết người, đến ngày 11.3.2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang ra kết luận điều tra “giải oan” cho các bị cáo tội “giết người” và ra quyết định đình chỉ vụ án vì đại diện hợp pháp của bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố, cả 5 bị can mới được trả tự do.
Nội dung của kết luận điều tra bổ sung chỉ đơn giản là bỏ phần các bị can kéo anh Đặng Văn Cường lên đồi rồi cắt tay, đổ thuốc trừ cỏ vào miệng, tạo hiện trường giả... Tất cả các bị can đều bất bình với kết luận điều tra này và tiếp tục kêu oan.
“Bắt giữ người trái pháp luật”
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, người bảo vệ cho các bị can, vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn. Cường bị đánh ngay trước cửa nhà mình mà không hề kêu cứu. Vô lý nhất là, đêm 14.7 Cường bị đánh, đầu độc, cắt cổ tay, nghĩa là rất nặng nề nhưng gần một ngày Cường lại bỗng nhiên tỉnh dậy và trở về nhà, sinh hoạt như bình thường. “Nếu vết thương chưa đủ nghiêm trọng, tại sao Cường không về ngay mà tối mới về? Còn nếu vết thương nghiêm trọng, tại sao lại có thể trở về nhà và tắm rửa, nói chuyện, ăn cơm? Đây là điểm vô lý ai cũng nhìn thấy” - luật sư Hưng phân tích. Về chứng cứ ngoại phạm, các bị can đều có nhân chứng xác nhận buổi tối xảy ra án mạng các bị can đều không có mặt tại hiện trường như cáo trạng quy kết.
Luật sư Hưng đang kiến nghị cơ quan chức năng điều tra việc bắt giữ người trái pháp luật, ép cung, bức cung, dùng nhục hình, cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án này. Theo ông, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đầu tiên là việc Cơ quan CSĐT Công an H.Hàm Yên đã bắt giữ người trái pháp luật, lấy lời khai vào ban đêm, dẫn đến một loạt sai phạm sau này của quá trình điều tra, truy tố oan sai đối với 5 bị can.
Tại 14 phiên tòa, các bị cáo đều tố cáo bị bức cung, nhục hình, bắt giữ trái luật. Mặt khác, hồ sơ thể hiện, việc thực nghiệm hiện trường có những thiếu sót nghiêm trọng. Vào cuối tháng 6.2013, chỉ có 2 trong số 5 bị can được đưa ra hiện trường để điều tra thực nghiệm là Đặng Văn Tuyên và Bàn Văn Tiếp, 3 bị can còn lại không được thông báo. Trong ngày thực nghiệm hiện trường, chỉ có duy nhất bị can Bàn Văn Tiếp thực hiện, còn bị can Tuyên bị say xe nên ngồi bên vệ đường. 3 bị can còn lại không được đưa ra hiện trường mà không có lý do. Cơ quan điều tra đã bố trí 4 người khác để đóng thế cho các bị can này. “Đáng chú ý, trước khi thực nghiệm, bị can Tiếp đã được dẫn ra trước và chỉ phải thực hiện như thế nào” - luật sư Hưng nói.
Ngay khi được trả tự do, các bị can đều tố cáo bị Cơ quan CSĐT H.Hàm Yên và Công an tỉnh Tuyên Quang ép cung, nhục hình.
Bình luận (0)