(iHay) Ông bạn vong niên cầm tinh con trâu nên ngại đụng đũa trong mấy quán ngưu vì sợ cõng thêm cơ cực. Mặc dù, thỉnh thoảng, anh vẫn thèm phở bò độn... Thế nhưng, rủ coi mắt con sủ vàng “thần tài” là anh cười toe toét.
>> Cá hô trăm ký 'bơi' từ Campuchia về quán nhậu Sài Gòn như thế nào?
|
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Cự, Viện Tài nguyên Môi trường Biển, cá sủ vây vàng hay cá sủ vàng kép hoặc cá thủ có tên khoa học là Otolithoides biauritus. Loại cá lớn nhất trong họ cá đù này, thuộc bộ cá vược, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120 kg.
Nếu loài gấu ngựa chết đi sống lại bao phen vì túi mật, thì con cá có bộ vây lấp lánh vàng này thiệt mạng tại cái bong bóng. Gặp cá càng lớn - người bắt được nó - có thể sắm xe hơi mà túi vẫn còn rủng rỉnh mấy cái thẻ ATM “đặc ruột”, nếu gặp cá đực. “Bong bóng con đực dày gấp đôi con cái. Một con sủ chồng nặng khoảng 3.3kg, thì bong bóng nó cân cỡ 30g. Chỉ cần size cỡ này, đem ướp nước muối, đợi đủ ký, tui chạy giao cho một đầu mối ở quận 8, TP.HCM, nhận ngay tiền tươi 30 triệu đồng.”, Lão ngư Sáu Nên, chuyên thu mua sủ vàng ở cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An tiết lộ.
Có thể bạn giật mình khi hay tin này. Song chẳng thấm vào đâu với tin sau: khoảng 45.000 - 55.000USD (trên dưới 1 tỉ đồng) mỗi ký bong bóng cá sủ vàng, hàng tươi, cỡ từ một ký/cái, trở lên, trên thị trường thế giới. Muốn vậy, ngư dân phải tóm được giống đù vàng ánh này, nặng từ 40 - 50kg/con. Một sư phụ gốc Hoa, trong Chợ Lớn xin giấu tên hé lộ.
Chuyện này khó như trúng số vậy! Nhưng sướng hơn ở chỗ: người bán không cần đóng thuế thu nhập cá nhân. “Đời mà! Chuyện gì cũng có thể xảy ra!”, anh bạn bình luận. Anh móc chiếc điện thoại thông minh ra quẹt quẹt vài cái, tra tìm thông tin về con cá quí phái kia. Năm phút sau, anh tóm tắt: ở nước ta, có ít nhất hai ngư dân “giàu ngang xương” nhờ cá sủ vàng. Như ông Đậu Xuân Hai, thôn Hồng Nhất, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bỗng dưng ông có 160 triệu đồng, nhờ bắt được con sủ nặng gần 100kg, trên sông Lam bằng lưới te, năm 1997. Vẫn không “chóng mặt” bằng ông Bùi Văn Thắng ở làng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Một ngày đẹp trời, ông ôm cả tỷ rưỡi đồng, nhờ bắt được con sủ vàng nặng 58kg, vài năm sau đó.
Nghe đâu, bong bóng nó được dùng làm chỉ khâu tự tiêu trong phẫu thuật. Tiến sĩ Cự còn khẳng định: “Loài cá này từ xưa đến nay vẫn là “cao lương mỹ vị”, nhất là món bóng cá. Người Trung Quốc cho rằng, ăn cá Sủ vàng có nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.”
Vẻ mặt lão ngư Sáu Nên rạng rỡ kể: “Bong bóng nó, ăn vô - sáng ra thấy người mình khỏe lạ lùng! Tui đã thả thử vài cái "rớt size" (dưới 30g) vào nồi canh chua.” Chẳng rõ hư thực ra sao, bởi người viết chưa có diễm phúc dùng thử.
|
Với lại, dòng tộc con cá nhà giàu này đang khan hiếm dần. Theo đó, trọng lượng trung bình của chúng cũng nhẹ hơn, cỡ 3-10kg/con; không còn cảnh ba - bốn người khiêng è ạch như 40 - 50 năm về trước.
Cũng có tác giả cho rằng, loài cá có khả năng biến người nghèo thành giàu trong tích tắc như ông Bụt nơi miền cổ tích, còn mang tên khác là cá đường. Song một số lão ngư miệt Gò Công Đông (Tiền Giang), Cần Đước (Long An)... trừng mắt bảo: Bậy nào! Con đường mình tròn và dài đòn hơn. Trọng lượng thường gặp không dưới 30 ký con. Và con ngư đường... trưởng lão có thể “chấp” con sủ già vài chục ký “như chơi”.
Cả hai con này đều dệt nên những giai thoại đẹp trên biển tây. Lạ ở chỗ, riêng về con vàng vừa kể, thường xuôi ngược hai nhánh sông Lòng Tàu và Soài Rạp, dài khoảng 12 - 13km, từ chót đuôi Vàm Láng (Gò Công Đông) lộn về khúc “Nhà Bè nước chảy chia hai...”.
“Khi ngọn gió chướng phất lên, hơi nước mặn bắt đầu rò vào mấy cửa sông quê tui, thì y như rằng, tụi nó đang rủ rê chạy vào - từ ngoài biển. Mùa của nó, kéo dài từ cuối tháng Mười đến hết tháng Ba âm lịch.” Mùa no ấm của ông Sáu Nên khá ngắn. Gần hai năm nay, mỗi mùa ông thu mua được khoảng 1 tấn cá. Chẳng bù với ba - bốn năm trước, ông mổ bụng gấp 3 lượng cá hai năm gần đây.
Cá sủ vàng không có xương dăm (vụn) và rất hợp với các món nước. Như bến cũ đợi thuyền quen, lúc gặp nồi nước dùng đang sôi ùng ục, khứa cá liền nở bung ra, chứ không hề teo tóp lại. Đặc điểm này khá giống thịt trâu.
Thế nên, mang cá kho lạt (ngót) với ít nước dừa xiêm, nước mắm cá đồng... chăm thêm xoài bằm, khế hườm, bông súng... Giằm nhanh trái ớt sừng trâu vừa chín tới (trong nồi cá) - chẳng khác thoa son cho “mặt” nước dùng và gieo thêm mùi thơm quyến rũ ào vào khứu giác khách biết ăn. Thần tiên hơn, phải có me xanh hoặc vài trái bứa vừa già nướng trên bếp than, rồi cà lấy bột gia vào cho dậy mùi chua thanh gọi mời! Gắp miếng cá đang tắm nước mắm y, và nhúm rau tươi, cắn bụp trái ớt chim xanh, húp mạnh muỗng nước kho ngót - bỗng nghe nợ đồng xanh cùng biển rộng quê ta những ân tình!
Ngoài ra còn có loài sủ bạc vẩy nhuyễn, thường thấy ở cả nước ngọt và lợ như: Châu Đốc (An Giang), Ba Tri (Bến Tre), Gành Hào (Bạc Liêu), Campuchia... Thịt nó lạt và không thơm bằng giống sủ vàng. Tuy vậy, món cơm chiên cá mặn chính hiệu của người Hoa Chợ Lớn không thể thơm ngon danh trấn lâu nay, nếu thiếu ít thịt con này cùng cá thu muối vùi.
Cũng theo tiến sĩ Cự, lượng cá sủ ở những cửa sông vùng châu thổ sông Hồng nhiều hơn lưu vực Cửu Long. Tuy vậy, nếu ở trong Nam, nhất là Sài Gòn, bạn sẽ có nhiều cơ hội thụ hưởng mùi vị con cá chở vận may vừa đề cập.
Tấn Tri
>> Mẹo nấu cá ngon khó cưỡng
>> Cá cơm hương, thấy là… thương
>> Chả cá thác lác 'phối' mồng tơi siêu ngon
>> Làm bún chả tôm đổi vị cho cả nhà
>> Cá chìa vôi nướng than hồng
>> Mùa nóng ăn cá... mát
>> Bồi hồi nhớ cá sứt môi
>> Cá lăng kho sả gừng
Bình luận (0)