Theo cư dân ở Mường Lề, những rừng mộ đá cổ nằm ven các bản làng dọc thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) có từ khoảng hơn 500 năm trước, chứa đựng rất nhiều những điều kỳ bí.
Vượt chặng đường gần 250km từ TP.Thanh Hóa ngược về phía tây, chúng
tôi có mặt ở bản Phai (xã Trung Thành, H.Quan Hóa, Thanh Hóa) khi ánh
tà dương đỏ rực dần lặn xuống những dãy núi trùng điệp mờ xa miền biên
viễn. Biết chúng tôi muốn vào khu rừng mộ đá cổ, cụ Phạm Bá Ngoằng (73
tuổi, ngụ bản Phai) xăng xái dẫn đường và không quên cảnh báo: “Đây là
khu mộ thiêng của người Thái. Nếu phạm thượng sẽ bị ma rừng bắt tội!”.
Mộ của người khổng lồ ?
Khu rừng mộ đá cổ ở bản Phai, xã Trung Thành, H.Quan Hóa (Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc Minh
|
Cụ Phạm Bá Ngoằng bên ngôi mộ đá cổ bị kẻ gian đào trộm - Ảnh: Hải Tần
|
Theo chân cụ Ngoằng, chúng tôi tới khu vườn của ông Hà Minh Tâm ở đầu bản Phai, nơi có những ngôi mộ đá cổ. Ngay dưới khu vườn này là nơi con suối Phai chảy vào dòng sông Mã. Mùa này, sông Mã như một chú ngựa hoang phi nước đại chảy xồng xộc, rồi tung bờm trắng xóa khi băng qua những ghềnh đá hiểm trở. Trỏ xuống nơi con suối Phai nhập vào sông Mã rồi khoát một vòng tay quanh bản làng, cụ Ngoằng quả quyết khu vực này là mảnh đất linh thiêng bậc nhất của người Thái. “Đây là nơi sông suối hội tụ, là mảnh đất có phong thủy tốt, nên cách đây khoảng 500 năm tổ tiên chúng tôi mới chọn làm nơi lập mường, dựng bản”, cụ Ngoằng nói.
Cứ theo lời cụ Ngoằng thì vùng đất này thuộc Mường Lề do tổ tiên của cụ tách từ Mường Ca Da (thuộc khu vực TT.Hồi Xuân, H.Quan Hóa ngày nay) di cư lên khai phá và cai quản. Trải qua hàng trăm năm, sự phồn thịnh, ấm no ở Mường Lề đã khiến các dòng họ Hà, họ Lương... từ nơi khác theo về sinh cơ lập nghiệp. Thời phong kiến, tổ tiên cụ Ngoằng nối đời nhau làm lang, tạo cai quản xứ Mường. Giờ đây, Mường Lề được chia tách làm 3 xã, gồm Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn (H.Quan Hóa). Khắp Mường Lề có nhiều khu mộ đá cổ tương truyền do người khổng lồ để lại và có lẽ đã xuất hiện trước cả khi tổ tiên cụ Ngoằng đến cư trú hơn 500 năm về trước.
Trong vườn nhà ông Tâm hiện còn 4 khu mộ đá cổ được quây sát nhau và đều có chung một đặc điểm là mỗi khu mộ rộng chừng 8 m2, hình vuông, xung quanh được quây bằng những tảng đá dựng đứng theo thứ tự lớn dần về phía đầu mộ. Ở đầu khu mộ có một phiến đá to tựa như bia mộ. Hầu hết những rừng mộ đá cổ dọc thượng nguồn sông Mã ở khu vực suối Phai, suối Tàu, suối Quýt, xã Trung Thành; bản Co Me, xã Trung Sơn (H.Quan Hóa)... đều có đặc điểm tương tự. Đây là hình thức quây mộ từ xa xưa truyền lại mà người Thái ở Mường Lề ngày nay vẫn áp dụng cho người chết. Trước đây, hầu hết những phiến đá lớn ở các ngôi mộ đá cổ đều có chữ cổ nhưng hiện nhiều tảng đá bị vỡ, phần chữ ở phía trên bị mất, hoặc bị mưa lũ cuốn xuống sông Mã.
Có nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến khu mộ cổ này, ví như ai đó đập những tảng đá quanh ngôi mộ đều bị “phạt”, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng thì bị thú rừng ăn thịt. Người dân còn đồn đại về một số tốp thợ làm đường từ dưới xuôi lên phạm vào mộ đá cổ đều bị ốm đau, tai nạn... Vì vậy, những cư dân Mường Lề luôn xem những khu rừng mộ đá cổ là chốn linh thiêng cần bảo vệ. Tương truyền, đây chính là những ngôi mộ chôn người khổng lồ (tiếng Thái là người Dưới). Trong dân gian vẫn truyền đời những câu ca dao cổ “Mường Lề thiêng nhất đá Ma Ngao/Người khổng lồ bước qua sông đào lỗ”... Hòn đá Ma Ngao có hình thù như một con thú bốn chân được ví như thủy thần trên dòng sông Mã, còn người khổng lồ có thể một bước qua sông, dấu chân thành những hố sâu để lại hai bên bờ. “Tìm kỹ khắp vùng Mường Lề cũng không thể phát hiện ở đâu có loại đá được dùng làm các ngôi mộ đá cổ của người Dưới. Không biết những tảng đá lớn nặng nghìn cân chôn ở đầu các khu mộ được vận chuyển từ đâu và bằng cách nào tới đây. Phải chăng chỉ có những người khổng lồ mới có sức lực phi thường để làm việc ấy”, cụ Ngoằng giải thích.
Nơi cất giấu của cải ?
|
Tuy nhiên, cách đây hơn chục năm, một trong số những khu mộ đá cổ ở đầu bản Phai đã bị kẻ gian đào trộm trong đêm. Kẻ gian cũng chỉ mới đào dưới chân tảng đá to đầu mộ chừng nửa mét rồi thôi. Sáng hôm sau, khi người dân phát hiện, chỉ thấy dưới hố vừa đào có rất nhiều than củi. Cụ Ngoằng quả quyết, chỉ có người từ nơi khác đến đào bới mộ đá cổ với mục đích tìm kiếm của cải phía dưới, chứ người Thái không ai dám làm việc tày trời ấy. Theo nhiều người dân, thì trước đó, xuất hiện một số người dưới xuôi lên đóng giả dân buôn luồng, tìm sắt vụn. Họ mang máy móc dò quanh bản và phát hiện phía dưới những khu rừng mộ đá cổ có kim loại.
Từ đó về sau, bà con luôn cảnh giác với những người lạ đến bản. “Có thể trước khi tổ tiên tôi lên khai phá thì nơi đây đã từng có người ở và những khu rừng mộ đá cổ ven sông Mã do họ tạo nên. Nếu căn cứ vào than củi được tìm thấy dưới lòng đất mà bọn xấu đào lên, cùng với cách quây đá thì chắc chắn đây là những ngôi mộ chôn người theo phong tục của người Thái cổ. Nhưng cũng không loại trừ người xưa làm vậy nhằm chôn giấu của cải phía dưới, tránh kẻ gian nhòm ngó. Người Thái kiêng nhất chính là đào mồ mả của người khác. Vậy nên những phiến đá lớn bị đập vỡ lấy đi phần có chữ cổ, tôi nghĩ rất có thể liên quan đến những người đào trộm mộ”, cụ Ngoằng hồ nghi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, xác nhận trước đây từng có việc kẻ lạ đến đào trộm mộ đá cổ ở bản Phai, đồng thời những truyền thuyết về các khu rừng mộ đá cổ dọc sông Mã ở Mường Lề được lưu truyền lại từ thuở xa xưa đến nay vẫn là bí ẩn với cư dân địa phương. “Chúng tôi rất mong các nhà khoa học sớm về địa phương nghiên cứu những khu mộ đá cổ này, bởi nếu không sắp tới một số khu rừng mộ đá cổ sẽ hoàn toàn biến mất khi các nhà máy thủy điện trên dòng sông Mã chặn dòng, tích nước”, ông Diện nói.
Bình luận (0)