Kỳ họp HĐND TP Hà Nội, TP.HCM: Dời khu trung tâm hành chính TP.HCM ?

06/12/2007 00:12 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Hải kiến nghị: "Nên dời khu trung tâm hành chính thành phố, theo tôi là về Củ Chi đất vừa cao, vừa dễ đền bù". Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo thông tin thêm: "Nhiều cử tri, nhất là từ nước ngoài về, gặp tôi cũng đề xuất nên dời khu trung tâm hành chính, hoặc một số sở ngành ra ngoại vi". * Hà Nội thông qua giá đất mới

"Đâu có thể thu phí sinh đẻ được"

HĐND TP.HCM "quy hoạch" 3 sở sẽ trả lời chất vấn trong ngày 5.12, nhưng chỉ riêng Giám đốc Sở Giao thông - Công chính (GTCC) đã chiếm gần trọn toàn bộ thời gian và hơn 2/3 thời gian đó xoay quanh vấn nạn kẹt xe.

Đăng đàn đầu tiên với lượng câu hỏi gửi trước cũng chiếm hàng đầu: 31 câu, Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng chỉ xin tập trung xoáy vào 2 vấn đề bức xúc nhất hiện nay: kẹt xe và ngập nước, và được chủ tọa đồng ý. Sau khi nêu thực trạng kẹt xe, ông Phượng đi vào các giải pháp dài hạn là tập trung làm tốt quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt; ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại đến 2020. Giải pháp trước mắt có 9 nhóm, trong đó có việc tăng CSGT; áp dụng học lệch ca, lệch giờ; phân lại luồng giao thông... "Các giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, chứ không thể một giải pháp nào thay đổi được tình hình" - ông Phượng nhấn mạnh.

Đại biểu Võ Văn Sen đặt vấn đề "tại sao không quyết liệt với việc hạn chế xe cá nhân" vì "với đường sá hiện nay, dân số không ngừng tăng, lượng phương tiện lên đến 4 triệu chiếc, nếu không hạn chế thì có làm đường bao nhiêu cũng tắc". Ông Sen còn đẩy vấn đề lên mức "cần phải tuyên chiến với xe gắn máy" và kêu gọi người dân nên đi bộ trong khu vực nội đô.


Đại biểu Võ Văn Sen đang chất vấn tại hội trường - ảnh: Phạm Nghĩa

Trong lúc ông Sen nói, rất nhiều đại biểu nhấp nhổm không yên, báo hiệu một không khí "nóng" sẽ diễn ra. Quả đúng. Khi ông Sen còn chưa dứt hẳn lời thì một loạt cánh tay giơ lên. "Tuyên chiến với xe máy? Không thực tế. Xe công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu thì người dân phải đi xe cá nhân. Đó là nhu cầu đi lại, mưu sinh của người dân. Tuyên chiến là tuyên chiến thế nào?" - đại biểu Phạm Minh Trí bức xúc và kiến nghị Trung ương, thành phố cân nhắc lại giải pháp hạn chế xe cá nhân, thu phí lưu thông xe 2 bánh. "Ví dụ để kiềm chế gia tăng dân số, chúng ta phải tìm cách giảm sinh nhưng đâu có thể thu phí sinh đẻ được" - ông Trí nói với nét mặt nghiêm túc nhưng vẫn khiến nhiều đại biểu bật cười. 

Dù vậy, "nhiệt độ" nghị trường không hề giảm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, một đại biểu ít khi thấy chất vấn, cũng lên tiếng không đồng tình với việc hạn chế phương tiện xe 2 bánh. "Không nên đổ lỗi cho xe 2 bánh. Kẹt xe ở nhiều ngã tư là do ô tô xếp hàng chắn ngang đường, không nhường đường cho người lưu thông".  Trong phần mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo đề nghị các đại biểu vừa chất vấn, vừa hiến kế để giải quyết các vấn nạn kẹt xe vì "đây là vấn đề quá bức xúc và hình như ta đang kẹt luôn cả giải pháp trước kẹt xe". Đã có rất nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra và ngành GTCC tiếp thu, như xây dựng các bảng điện tử thông báo tình hình giao thông, có đèn rẽ trái rẽ phải tại các giao lộ... 

Phân hầm cầu đổ đi đâu ? Ô nhiễm môi trường đang trong tình trạng "thập diện mai phục" (lời bà Phạm Phương Thảo) thì khi các đại biểu chất vấn hơn 300m3 trong tổng số hơn 500m3 phân hầm cầu hiện đổ đi đâu, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt đã trả lời: "Đổ đi đâu chúng tôi sẽ tìm hiểu và trả lời sau". Nhận định về cách trả lời này, đại biểu Đặng Văn Khoa nói: "Ô nhiễm môi trường đang rất nóng, nhưng cách trả lời của anh Kiệt tôi thấy nguội lạnh trước bức xúc của cử tri".

Đại biểu Nguyễn Minh Hương đồng tình với 9 nhóm giải pháp cấp bách ngành GTCC đưa ra, nhưng không đồng ý việc "phải triển khai đồng bộ mới có hiệu quả", vì "nói như thế rất dễ đi đến tự ru ngủ bởi không đồng bộ nên không hiệu quả". Bà Hương đề nghị cần chọn ra một vài giải pháp đột phá và ông Trần Quang Phượng chọn giải pháp tăng cường lực lượng CSGT. "Có một khảo sát mới đây tại một giao lộ ở Q.4 cho thấy: vào giờ cao điểm đường rất đông, nhưng khi có CSGT thì chỉ ùn, vắng bóng CSGT là tắc ngay. Trong khi đó, thành phố hiện chỉ có 1.500 CSGT, so với nhu cầu khoảng 4.000 người. Tại buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, thành phố cũng đã báo cáo và kiến nghị vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an đã hứa xem xét. Lãnh đạo thành phố khẳng định nếu Trung ương không lo kinh phí cho lực lượng CSGT tăng thêm này thì thành phố sẵn sàng đứng ra lo" - ông Phượng thông tin.

Đề nghị dời trung tâm hành chính

Chuyện kẹt xe tưởng khép lại vào buổi sáng, nhưng đến phần Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín trình bày thêm một số vấn đề vào cuối buổi chiều, thì lại "bùng" lên. Đại biểu Phạm Minh Trí đề nghị nên xem xét việc dời trung tâm hành chính qua Thủ Thiêm, nếu không được toàn bộ thì dời một số sở, ngành để tránh áp lực giao thông dồn vào khu nội thành hiện hữu. Đại biểu Phạm Văn Hải  cũng kiến nghị: "Nên dời khu trung tâm hành chính thành phố, theo tôi là về Củ Chi đất vừa cao, vừa dễ đền bù". Bà Phạm Phương Thảo thông tin thêm: "Nhiều cử tri, nhất là từ nước ngoài về, gặp tôi cũng đề xuất nên dời khu trung tâm hành chính, hoặc một số sở, ngành ra ngoại vi". 

Trước các kiến nghị của đại biểu và cử tri, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín xin tiếp thu và nói thêm: “Từ tháng 3.2007, thành phố đã tổ chức thi tuyển quốc tế kiến trúc khu trung tâm thành phố. Đến nay đã chọn được một tập đoàn thực hiện vấn đề này, dự kiến cuối 2008 sẽ trình thiết kế. Lúc đó sẽ minh định trung tâm gồm những chức năng như thế nào? Còn đặt ở đâu thì phải chờ thêm một thời gian nữa".

Hà Nội thông qua giá đất mới 


Các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong phiên họp ngày 5.12 - ảnh: V.chiến

Chiều qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của UBND TP về mức giá tối đa và tối thiểu đối với từng loại đất năm 2008.  Theo đó, giá đất nông nghiệp được chia thành 5 loại, khu vực các quận nội thành là 252.000 đồng/m2; đất nông nghiệp tại huyện Từ Liêm khu vực giáp địa giới hành chính các quận nội thành đến bờ đông sông Nhuệ là 201.600 đồng/m2; các xã còn lại của Từ Liêm và các huyện ngoại thành mức tối đa là 162.000 đồng/m2.  Giá đất ở tại các quận nội thành có mức tối đa là 67.500.000 đồng/m2, tối thiểu là 2.500.000 đồng/m2; đất ở tại các khu dân cư nông thôn, mức tối đa là 2.250.000 đồng/m2, tối thiểu là 120.000 đồng/m2. Giá đất sản xuất phi nông nghiệp tại nội thành tối đa là 30 triệu đồng/m2, tối thiểu là 987.000 đồng/m2; khu vực nông thôn tối đa là 1.150.000 đồng/m2, tối thiểu là 90.000 đồng/m2. 

HĐND TP cũng tán thành giao cho UBND TP căn cứ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường được phép điều chỉnh giá trong giới hạn cao hơn hoặc thấp hơn không quá 20% so với mức giá của cùng vị trí, cùng mục đích sử dụng được công bố.

Trước khi thông qua Nghị quyết này, các đại biểu HĐND TP cũng có nhiều ý kiến về sự chênh lệch giá đất giữa các vùng giáp ranh. Đây là một thực tế đang gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng và phát sinh khiếu kiện kéo dài. Đại biểu Đào Xuân Mùi (Thanh Trì) cho rằng, chỉ nên quy định 2 loại đất nông nghiệp (đồng bằng và trung du) tránh những phức tạp cho những dự án lớn nằm trên địa bàn của nhiều xã, thậm chí là khác quận, huyện. Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Lê Văn Hoạt cũng phân tích: "Phương án tăng giá đất ở của UBND TP trình tăng không đồng đều, mức tăng lớn nhất tập trung vào các đường phố tại khu vực trung tâm buôn bán, thương mại và các khu vực đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên nếu xét về tỷ lệ tăng thì khu vực này cũng chỉ tăng 20-25%. Trong khi đó đất ở khu vực nông thôn, tại một số huyện có tỷ lệ tăng 50-100%. Điều này sẽ gây khó khăn cho các gia đình ở khu vực nông thôn trong thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai".

Theo kế hoạch, sáng nay 6.12, HĐND TP Hà Nội bắt đầu phiên chất vấn. Ba phó chủ tịch UBND TP trả lời 11 vấn đề về quản lý đô thị và dân sinh. Theo đó, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh trả lời về dự án "treo" gây lãng phí, bức xúc; thu hồi đất hoang hóa; tồn đọng trong thi hành án dân sự; chậm trễ trong giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi trả lời về xây dựng tuyến phố mới, công tác quản lý hè đường. Phó chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng trả lời về việc tách cấp các điểm trường trên địa bàn; giải ngân đầu tư cho giáo dục... Ngoài ra,  3 thành viên UBND TP gồm thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội; ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội; ông Triệu Đình Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời chất vấn về các vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông; đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất...

Việt Chiến - Tuyết Nhung

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.