Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI : Giảm bớt các thủ tục khi chuyển giao công nghệ

25/10/2006 23:37 GMT+7

Ngày 25.10, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường để góp ý xây dựng 2 dự án luật: Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN)å và Luật Đê điều. Nhiều đại biểu (ĐB) đã chỉ ra một số vấn đề mà nội dung 2 dự án luật trên vẫn chưa giải quyết được…

2 điều nên bỏ

Điều 28 và 29 của dự Luật CGCN có khá nhiều điều khoản quy định chi tiết về thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ như việc sau khi ký kết hợp đồng CGCN, pháp nhân xuất, nhập khẩu công nghệ phải gửi đơn, hồ sơ đến cơ quan cấp phép xuất, nhập khẩu công nghệ, chờ cơ quan này xem xét tiánh xác thực.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) nói: "Tôi đề nghị bỏ cả 2 điều này. Hoạt động CGCN hoàn toàn mang bản chất kinh tế thương mại, tuân theo quy luật của thị trường. Nếu chúng ta quá nặng về vấn đề này, cứ buộc các bên chuyển giao phải có các thủ tục như trên, sẽ không khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ". Dẫn kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc... đã đẩy nhanh hoạt động CGCN bằng việc bãi bỏ các thủ tục như dự thảo luật quy định, ĐB Huỳnh Minh Hoàng đề nghị: "Dự thảo luật nên đưa ra danh mục hoặc tiêu chí để đánh giá các loại công nghệ nào thì được phép chuyển giao thông qua nhập khẩu và các loại công nghệ nào bị cấm chuyển giao, đồng thời cần quy định rõ các loại công nghệ nào với điều kiện gì thì phải áp dụng biện pháp giám định".

Phát hiện trong nội dung dự thảo luật có quá nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ "xin giấy phép", ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên-Huế) đề nghị: "Chúng ta phải tiến hành theo cơ chế hậu kiểm, anh đề ra những công nghệ không được nhập và công nghệ hạn chế nhập. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động này căn cứ vào đó để có thể biết mình được làm gì và không được làm gì".

Hết đất đâu mà phải xây ngoài bãi sông?

Thảo luận về dự án Luật Đê điều, ĐB Nguyễn Văn Dũng (Tiền Giang) cho rằng, việc dự luật này quy định hành lang bảo vệ đê cho các tuyến đê từ cấp đặc biệt đến cấp 3 giống nhau là "rất bất hợp lý". Theo ông, "tuyến đê cấp thấp lại được quy định hành lang bảo vệ rộng như cấp đặc biệt thì gây lãng phí đất hành lang, nhưng ngược lại, cấp đê đặc biệt cũng có phạm vi hành lang như vậy thì lại không đảm bảo".

Ông Dũng cũng phản đối quy định tại dự thảo luật cho phép xây dựng công trình tại các bãi đất, bãi sông... cho dù có dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông nói: "Điều này là lợi bất cập hại vì chúng ta sẽ không bảo vệ được tài sản, bảo vệ được dân khi có nước lũ... Chúng ta không phải là đã hết đất giãn dân mà phải làm như vậy".

Ngược lại, ĐB Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) ủng hộ ban soạn thảo, cho rằng quy định phân cấp cho các địa phương làm quy hoạch, sử dụng các bãi sông là việc làm "mạnh và đúng". Tuy nhiên, theo ông, ý thức chung là phải đảm bảo phòng, chống bão lũ chứ không phải là địa phương nào làm theo kiểu địa phương đó.

ĐB Nguyễn Đình Lộc  (TP.HCM): Không thể đánh đồng CGCN từ ngoài vào và từ VN ra

"Chúng ta phải biết rằng, các nước phát triển có chính sách CGCN hoàn toàn khác, nếu như chúng ta không tính đến đặc thù này rồi đánh đồng giữa chuyển giao từ nước ngoài vào VN cũng như chuyển giao từ VN ra nước ngoài thì sẽ có những hậu quả mà nhiều khi chúng ta không lường hết được. Một tài liệu của các chuyên gia lớn của Trung Quốc viết - đây là tài liệu có tính tổng kết giai đoạn phát triển vừa rồi của Trung Quốc - nhấn mạnh một ý rằng Trung Quốc phải mạnh dạn và sớm chuyển giao những công cụ, những công nghệ bắt đầu lạc hậu cho các nước châu Á, châu Phi, những nước đang rất lạc hậu. Một trong những biểu hiện chúng ta biết được là xi măng lò đứng. Người ta sẵn sàng chuyển giao cho mình bằng một giá rất rẻ, hoặc là cho nợ, hoặc là cho không, hoặc đầu tư vào VN với những công nghệ ấy.

Trong khi đó, có nhiều công nghệ có tính chất truyền thống VN, sản xuất ra hàng đặc thù VN như công nghệ chế biến hạt điều thì chúng ta mời các chuyên gia nước ngoài hoặc các du khách nước ngoài vào tham quan một cách dễ dàng. Không biết trong trường hợp đó họ có mang máy ảnh riêng không? Họ chụp hết các thao tác của chúng ta, riêng thao tác thôi cũng có ý nghĩa của nó. Trong trường hợp này chúng ta không biết rằng chính chúng ta đang CGCN cho người ta.

Cho nên tôi nghĩ rằng, chính sách ở đây rất khác nhau, vậy mà trong dự án luật này không hề lộ một ý nào đó về sự khác nhau này, nhất là những điều cấm hoặc hạn chế chuyển giao".

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.