Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI: Xử lý sớm những vụ tham nhũng nổi cộm

01/11/2006 00:20 GMT+7

Hôm qua 31/10, lần đầu tiên, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay Thanh tra Chính phủ mới nhận được chương trình, kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng của 16 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đa số các ý kiến đại biểu QH đều tỏ ra không bằng lòng với thái độ thờ ơ của các địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. ĐB Ngô Sỹ Hưởng (Thái Nguyên) bức xúc: "Một bộ phận cán bộ lãnh đạo còn thờ ơ, triển khai hình thức, thậm chí có cơ quan đơn vị còn không triển khai, coi như cơ quan, đơn vị mình không có vấn đề gì tham nhũng cả".

ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) nhận xét: "Bản đồ chống tham nhũng của chúng ta hiện nay là vẽ chưa rõ nét... Chúng ta chỉ tập trung vào những vụ tham nhũng lớn nhưng 100 vụ may ra mới phát hiện được vài vụ, trong số vài vụ phát hiện đó

"Người ta không chấp nhận được tham nhũng, nhất là những vụ đã được thông tin trên báo chí. Người ta cho rằng, đã là thông tin trên báo chí rồi thì phải kiểm định, kiểm tra. Báo chí đúng thì phải làm khẩn trương, thế nhưng nhiều vụ chúng ta làm còn lâu quá. Tất nhiên, chuyện kết luận về tội của một con người thì phải thận trọng, nhưng không có nghĩa là làm lâu". - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức (X.T ghi)
thì chúng ta cũng chỉ xử lý được rất ít".

Về công tác thực hiện, đại biểu Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP.HCM) phát biểu: "Bây giờ mới có Ban chỉ đạo Trung ương được hình thành và có quy định chức năng nhiệm vụ, còn ở địa phương chưa có gì. Lực lượng chống tham nhũng là thanh tra, cơ quan điều tra chưa được kiện toàn, như vậy phải dự báo một điều xấu là có rất nhiều người chỉ đạo nhưng rất ít người thực hiện. Thưa với QH rằng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tâm trí của anh em không phải là muốn được đãi ngộ, mà muốn được an toàn hơn. Quá tải nhưng lại phải đối đầu với loại tội phạm có chức quyền, cái gì để đảm bảo cho anh em không bị xâm phạm, không chỉ phải sự an toàn về cơ thể, mà điều quan trọng hơn là danh dự của người thi hành tố tụng? Làm sao để đảm bảo ngăn cản được việc can thiệp trái pháp luật, nhất là sự can thiệp đó được nhân danh là sự chỉ đạo?".

Các đại biểu thống nhất, trước mắt Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần chỉ đạo, điều hành, kết luận sớm và đưa ra xử lý 4 vụ mà báo chí đã nêu.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Công khai, minh bạch là gốc của chống tham nhũng

Bên hành lang Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ảnh) trả lời một số câu hỏi của Báo Thanh Niên về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông cho biết:

- Tới đây, tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản công, đến chính sách đề bạt cán bộ đều phải công khai, minh bạch cả về tiêu chuẩn, quy trình và trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm trong công tác cán bộ, từ đó mới tạo điều kiện cho việc thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, của đại biểu QH, của báo chí.

* Nhiều chuyên gia trong ngành thanh tra đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng loại hình tham nhũng có tổ chức. Theo ông, giải pháp nào để đấu tranh, triệt tiêu loại hình tham nhũng này?

- Cái chính là làm sao triệt tiêu gốc nảy sinh vấn đề. Ví dụ như lập dự toán ở một dự án, người ta có hiện tượng đồng lõa với nhau đưa một loạt các khối lượng không có trên thực tế để tăng dự toán lên. Nếu thế cũng tạm coi như là có tổ chức vì một người thì không thể làm điều đó được. Nhà nước sẽ phải ban hành tiêu chuẩn, định mức và công khai, các cơ quan chức năng phải nắm được để đối chiếu. Ví dụ như xây dựng công trình này, đối chiếu các đơn giá, quy định mà anh làm trái thì quy trách nhiệm của người chủ trì và làm rõ ai đồng lõa để tạo ra các các khoản khống này và làm rõ trách nhiệm liên đới của những người có liên quan.

Mạnh Quân (thực hiện)

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.