Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - ảnh: Ngọc Thắng |
Dành trọn 7 phút “quota” phát biểu tại hội trường để “giải phẫu” vấn đề tai nạn và kẹt xe, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng “tình hình đã trở nên quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban hành tình trạng khẩn cấp”.
“3 khóa gần đây có trên 150 ngàn người chết”
Giá thuốc “chỉ cao hơn Campuchia” Trả lời phỏng vấn Thanh Niên bên lề kỳ họp sáng qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ đang xây dựng nghị định riêng về đấu thầu thuốc để trình trong năm 2012. Theo bà Tiến, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư về quản lý giá thuốc tại các bệnh viện (BV), chỉ đạo BV phải làm cho giá thuốc bằng hoặc thấp hơn giá thuốc ngoài thị trường, lợi nhuận cao nhất toàn chặng không được vượt quá 15%; yêu cầu các nhà thuốc BV phải do BV đó quản lý chứ không để như trước (chủ yếu tư nhân thuê mặt bằng ở BV để mở nhà thuốc); tất cả các loại giá thuốc trong BV phải niêm yết; ứng dụng toa thuốc điện tử trong khám chữa bệnh, kê đơn thuốc, bán thuốc... Về giá thuốc trên thị trường, theo Bộ trưởng, trong nhóm 10 mặt hàng thiết yếu tăng giá vừa qua, thuốc chỉ đứng hàng thứ 9. Và qua khảo sát so sánh giá thuốc ở VN với các nước trong khu vực, thì giá thuốc VN “chỉ cao hơn một chút xíu so với Campuchia”. |
Nguyên nhân dẫn tới tai nạn, kẹt xe, theo bà Nga còn xuất phát từ việc buông lỏng quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện mà điển hình là “tình trạng học chơi, bằng thật, rút ruột quy trình đào tạo xảy ra nhiều, dẫn đến hằng năm cho ra lò hàng loạt lái xe kém chất lượng và nguy hiểm hơn trong đó có nhiều lái xe khách”.
Điều khiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tỏ ra lo ngại là mặc dù quản lý nhà nước yếu kém về lĩnh vực an toàn giao thông kéo dài nhiều năm qua song “không ai phải chịu trách nhiệm kỷ luật”. Bà Nga đơn cử: Trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150 ngàn người chết vì TNGT nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ T.Ư đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và QH cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này. “Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định QH bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này”, ĐB Nga nhấn mạnh.
3 cái nhất trong quản lý đất đai
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) tỏ ra bức xúc về vấn đề quản lý tài nguyên, đặc biệt là đất đai và khoáng sản, bởi sau 2 năm Thủ tướng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra rà soát đất sai mục đích, trái pháp luật nhưng trật tự vẫn chưa được lập lại.
Cụ thể, ông dẫn chứng báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy vẫn còn 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục nghìn dự án treo, tổng diện tích 250.862 ha đất bỏ hoang hóa. Hiện còn tới 3.311 cơ quan, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện tích 25.587 ha, trong khi các quận nội thành Hà Nội cần ít nhất 1,5 triệu m2 đất, TP.HCM cần tới 4,874 triệu m2 đất cho các trường phổ thông, các trường mầm non để xây mới hoặc để đạt chuẩn quốc gia thì loay hoay mãi không tìm đâu ra được quỹ đất. “Đầu kỳ họp này tôi có trao đổi với đồng chí Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, được biết tại TP.HCM đất của rất nhiều cơ quan, tổ chức để hoang hóa, sử dụng sai mục đích nhưng thu hồi chẳng được bao nhiêu, vì đụng đâu vướng đó”, ông Tiến nói.
Ông Tiến tiếp tục dẫn chứng tình trạng đáng ngại đến mức Cục trưởng Cục Quản lý công sản than phiền rằng có ba cái nhất trong quản lý đất đai. Một là, không được lòng dân nhất, bằng chứng có hơn 80% vụ dân khiếu kiện liên quan đến đất đai. Hai là, có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất, mất cán bộ nhiều nhất, số lượng quan chức các cấp bị kỷ luật hành chính, xử lý hình sự liên quan đến đất đai lớn nhất. Ba là thất thoát, lãng phí nhiều nhất vì có hàng trăm nghìn ha bị chiếm dụng, vi phạm tương ứng với nhiều nghìn tỉ đồng bị thất thoát lâu dài.
Theo ĐB Tiến, về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng gây ra những bức xúc không kém, từ khi phân cấp cho các địa phương trong quản lý, cấp phép khoáng sản, các địa phương đã cấp 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, gấp 10 lần số giấy phép T.Ư cấp. Tình trạng khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia tổng kết cô đọng trong 6 chữ "loạn cấp phép, thả sức đào".
Tái cơ cấu ngân hàng: Việc cần làm ngay ĐB Nguyễn Bá Thanh lo ngại hiện nay cả nước có hơn 100 tổ chức tín dụng, trong khi quản lý nhà nước yếu kém dễ dẫn tới mất kiểm soát. Ông dẫn chứng: Một ngân hàng mới thành lập vốn tự có chỉ 1.000 tỉ đồng, sau đó đi vay 10.000 tỉ đồng, rồi lại nhẹ nhàng rút tiền của mình ra, lấy của thiên hạ đi buôn bất động sản. Giá đất rớt thê thảm, khi đáo hạn thì đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao 18%/năm, 20%/năm. Lấy tiền người sau trả cho người gửi trước, gây bất ổn cho thị trường. Ngân hàng ôm mấy miếng đất của mình mua, rồi ôm luôn mấy miếng đất của người đi vay thế chấp, thị trường bất động sản đóng băng không bán được, nợ xấu tăng lên. “Con số báo cáo nợ xấu hiện 75.000 tỉ đồng, tôi chưa biết có chính xác không nhưng tôi nghĩ có thể nhiều hơn. Trong đó, xấp xỉ 50% nợ xấu không còn khả năng thu hồi”, ĐB này nhận định. Theo ông Thanh, hạ nhiệt lạm phát cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng tái cơ cấu ngân hàng là “việc cần làm ngay, kiên quyết”. |
Bảo Cầm - Anh Vũ
Bình luận (0)