Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13: Tranh luận về “tố cáo nặc danh”

26/10/2011 01:36 GMT+7

Tiếp tục kỳ họp thứ 2, sáng qua Quốc hội (QH) đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo.

 

ĐB Trần Xuân Hùng đồng tình với UBTVQH khi cho rằng dứt khoát không giải quyết tố cáo nặc danh - ảnh: Ngọc Thắng

“Dứt khoát không giải quyết”

Trong báo cáo, UBTVQH đề nghị không công nhận tố cáo nặc danh, nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gửi đơn thư sai sự thật, vô căn cứ, gây phức tạp và mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian lẫn công sức cho các cơ quan, tổ chức đi xác minh.

Về việc tố cáo bằng thư điện tử (e-mail), fax, tố cáo qua điện thoại, trong báo cáo giải trình, UBTVQH cho rằng chưa nên thừa nhận các hình thức tố cáo mới này mà vẫn tiếp tục duy trì hai cách thức cũ là tố cáo trực tiếp và gửi đơn. Lý do là để tránh bị lợi dụng, vu khống, xuyên tạc, nhất là trên các trang mạng điện tử, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác.

Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: dứt khoát không giải quyết tố cáo nặc danh, với lý do: “Chúng ta đã có những quy định rất cụ thể, có hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo, đó là quy định rất cần thiết; đồng thời quy định nghiêm khắc, trừng trị những người lợi dụng tố cáo để vu khống làm hại người khác, hoặc lợi dụng để gây rối, chống phá chính quyền”.

Về vấn đề thư điện tử, điện thoại..., một số ĐB cho rằng, nếu mở rộng thêm các hình thức mới như vậy có thể sẽ dẫn đến không thể kiểm soát được thông tin, nhất là trong bối cảnh đơn thư tố cáo thường dồn dập vào thời điểm bầu cử hoặc các kỳ đại hội; việc chấp nhận hình thức tố cáo qua e-mail, điện thoại cũng có thể sẽ khiến tình hình phức tạp hơn.

Nên cân nhắc

Trong khi đó, khá nhiều ĐB cho rằng nên thừa nhận tính pháp lý của đơn thư tố cáo nặc danh, bởi thực tế nhiều người đứng lên tố cáo hành vi sai trái sợ bị ảnh hưởng đến người thân; thậm chí nếu họ tố cáo lãnh đạo thì dễ bị rơi vào tình cảnh bị trù dập. "Không ít trường hợp nhân viên dưới quyền tố cáo hành vi sai trái của lãnh đạo, nhưng rồi vị lãnh đạo đó vẫn được tại vị. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên sẽ hết sức nặng nề, họ có thể bị để ý, bị nghi kỵ và e dè", ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói.

ĐB Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) cho rằng người gửi thư nặc danh có thể vì lý do nào đó muốn giữ kín thân phận. Song, thông tin tố cáo họ cung cấp nếu có đầy đủ bằng chứng, địa chỉ sai phạm thì cơ quan có trách nhiệm cần thẩm tra, xác minh và nên coi tố cáo không ghi tên tuổi địa chỉ là một dạng cung cấp thông tin và nên bổ sung các quy định này vào luật.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) phát biểu trong bối cảnh rất nhiều người dân e sợ rào cản của việc tố cáo người có chức quyền và cơ quan nhà nước thì nên cân nhắc tính pháp lý của hình thức gửi đơn thư nặc danh.

Nhiều ĐB cũng cho rằng nhất thiết phải bổ sung cách thức tố cáo bằng e-mail, điện thoại vào dự thảo luật và lập luận: nhiều cơ quan, đơn vị như các bệnh viện, tuyến xe buýt vẫn công khai số điện thoại đường dây nóng và hộp thư nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân. Hơn nữa, các hình thức tố cáo trên đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.

Dự án Luật Tố cáo sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.