|
Vẫn chưa “trị” được phá rừng
Mở đầu phiên trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, cử tri lo ngại xung quanh việc chuyển đất lúa sang trồng thanh long trên địa bàn tỉnh những năm qua là rất chính xác. Theo ông Cảnh, toàn tỉnh có đến 18.816 ha thanh long. Con số này vượt so với kế hoạch của năm 2013. Vì vậy, hiện nay tỉnh không khuyến khích bà con chuyển đổi đất sang trồng thanh long, dù đây là loài cây có nhiều thế mạnh. Về tình trạng phá rừng khu vực giáp ranh với Lâm Đồng, ông Cảnh cho rằng hiện nay chỉ có 5 trạm bảo vệ rừng cố định nên đang thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, công cụ hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng.
ĐB Nguyễn Văn Ly (H.Bắc Bình) chất vấn: “Vì sao có nhiều trạm, chốt bảo vệ rừng khắp nơi nhưng gỗ vẫn lọt ra ngoài được? Đã xử lý kỷ luật đơn vị, cá nhân nào chưa?”. Ông Cảnh nhìn nhận: “Tình trạng phá rừng hay để cho lâm tặc tung hoành thời gian qua là có trách nhiệm của Sở NN-PTNT”-
Nóng đất đai, khoáng sản
|
Phiên trả lời của giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Giác thực sự làm “nóng” kỳ họp khi có nhiều ĐB chất vấn trực tiếp. Có đến 5 ĐB chất vấn giám đốc ông Giác việc giao 70 ha đất ở H.Tuy Phong cho Công ty Minh Hà khai thác đất sét, nhưng lại đi trồng lúa, trồng đậu. Tại sao không giao cho dân canh tác khi phần lớn diện tích giao bị công ty này bỏ hoang?. ĐB Nguyễn Kỳ Tập, Trần Văn Nhựt và Ngô Minh Chính (H.Tuy Phong) đồng nhất cho rằng, Công ty Minh Hà chỉ khai thác khoảng 2 ha đất /năm thì tỉnh lại giao một lúc đến 70 ha; như vậy là không phù hợp. Trong khi dân đang thiếu đất sản xuất. Giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Giác cho rằng: “Đất đã được nhà nước giao cho chủ dự án. Bởi vì trước khi nhận đất doanh nghiệp đã đền bù cho dân”. ĐB Nguyễn Toàn Thiện (TP. Phan Thiết) không đồng tình với ông Huỳnh Giác mà cho rằng: “Dù đã giao đất, nhưng nếu chủ dự án bỏ lãng phí đất đai, thì tỉnh cần phải có điều chỉnh giúp dân có đất sản xuất phát triển kinh tế”.
Chiều qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã đăng đàn, giải trình một số vấn đề mà cử tri bức xúc. Về tệ nạn phá rừng đang xảy ra, ông Phương cho biết trong năm đã khởi tố 41 vụ án phá rừng và truy tố hơn 40 bị can lĩnh vực này. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xử lý luân chuyển hàng trăm cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng. Xử lý kỷ luật 14 cán bộ lĩnh vực này. “Tôi đề nghị phải truy quét sạch các đối tượng tiêu thụ gỗ lậu. Vì đây là nguyên nhân chính để lâm tặc lộng hành”- ông Phương yêu cầu.
Về vấn đề khai thác titan (cát đen) lậu diễn biến phức tạp thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương cho biết: “Cát đen càng tinh chế sâu thì giá trị càng cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khai thác cát đen lậu tràn lan thời gian qua. Người dân điện thoại trực tiếp báo cho tôi, nhưng khi lực lượng đến thì “cát tặc” đã biết mất”. Việc chậm trễ trong xây dựng cảng Kê Gà, ông Phương cho biết: “Đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị đôn đốc chủ đầu tư (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) xem có làm hay không. Do không chắc chắn có làm được hay không nên kế hoạch năm 2013 tỉnh không dám đưa vào, kẻo lại thất hứa với cử tri”.
Giải trình vì sao Trung tâm Thương mại Rạng Đông (TP. Phan Thiết), được khởi công từ 18.4, nhưng cho đến nay vẫn không nhúc nhích, ông Phương cho biết “Việc chậm trễ này hoàn toàn thuộc về lỗi chủ quan của các cấp, chứ không phải lỗi của chủ đầu tư”.
Quế Hà
Bình luận (0)