Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII: 5 ưu tiên của Chính phủ và 6 lưu ý từ Quốc hội

21/05/2009 00:35 GMT+7

* Đề nghị điều chỉnh tăng trưởng GDP xuống 5% * Chưa thống nhất phương án miễn giảm thuế TNCN cho 6 tháng cuối năm Báo cáo trước Quốc hội (QH) trong phiên khai mạc sáng qua 20.5, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: tuy có nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất.

Xử lý các "điểm nghẽn phát triển"

Phó thủ tướng đồng thời lưu ý: "Chúng ta cũng chưa thể lạc quan với những kết quả đạt được trong những tháng vừa qua". Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng trình bày 5 ưu tiên của Chính phủ thời điểm hiện tại. Đầu tiên ông nhấn mạnh việc "sử dụng tốt các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực của nền kinh tế cả về cơ sở hạ tầng, cả về năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và cả về chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề xử lý tốt các điểm nghẽn phát triển". "Các điểm nghẽn", theo Phó thủ tướng là vốn cho DN; vốn cho nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng bền vững; các vướng mắc về thủ tục đầu tư...

Khẩn trương chấn chỉnh công tác khai thác than và các loại khoáng sản khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không tái tạo.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu là ưu tiên tiếp theo được Chính phủ nhắc tới. Kế đến là "Chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, thận trọng, linh hoạt", trong đó tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về chính sách thuế để "khoan sức dân" nhưng đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường và giá cả.

Giải quyết việc làm và nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành được nhắc đến là các ưu tiên thứ 4 và thứ 5 của Chính phủ. Phó thủ tướng yêu cầu: "Từng bộ, từng địa phương phải lập danh mục theo dõi tổng hợp các cơ chế, chính sách đã ban hành gắn với công việc, trách nhiệm; lập kế hoạch thực hiện từng loại việc và định kỳ hằng tháng báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện".

Lưu ý tránh lạm phát trong tương lai gần

Chiều qua, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc thay mặt Chính phủ trình QH đề nghị cho phép điều chỉnh 4 chỉ tiêu năm 2009: tăng trưởng GDP từ khoảng 6,5% xuống còn 5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10%; nâng mức bội chi lên khoảng 8%.

Để bổ sung tăng thêm nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, Chính phủ cũng đề nghị QH cho phép phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2009.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến của ủy ban này đồng tình với kiến nghị điều chỉnh của Chính phủ; đồng thời ủy ban lưu ý với chính sách tiền tệ được nới lỏng thì Chính phủ cần có các giải pháp tích cực để tránh xảy ra lạm phát trong tương lai gần. (X.Toàn)

Cần đặc biệt lưu ý vấn đề môi trường

Trong khi đó, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH lưu ý Chính phủ về 6 nội dung cần được tập trung.

"Phải thực sự bằng các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nói. Ông Hiền lưu ý về thời hạn sử dụng vốn kích thích kinh tế: "Do số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian sẽ là tiềm ẩn gây lạm phát cao".

Lưu ý thứ hai, ông Hiền cho rằng cần phải tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh triển khai dự án. Bởi lẽ, QH lo ngại rằng tốc độ giải ngân chậm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là từ nguồn trái phiếu vốn là điểm yếu lâu nay.

Về chính sách tài chính, tiền tệ, Ủy ban Kinh tế của QH lưu ý Chính phủ phải "kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, chỉ đạo nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, cắt, giảm các khoản chi không cần thiết như tổ chức lễ hội, hội nghị".

Về các vấn đề xã hội, ủy ban đặc biệt lưu ý Chính phủ đánh giá đầy đủ thực trạng lao động nhập cư, nhất là lao động phổ thông và có biện pháp để thực hiện đúng chính sách, pháp luật không gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ quan tâm đặc biệt đến môi trường. Trước mắt là đánh giá cụ thể mức độ ô nhiễm tại các vùng kinh tế, khu công nghiệp tập trung, làng nghề... để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại biểu trong giờ giải lao sáng qua - Ảnh: L.Q.P

Lưu ý cuối cùng được đưa ra là nâng cao tính minh bạch chính sách trên cơ sở thông tin kịp thời, chính xác.

Chưa thống nhất miễn giảm thuế TNCN cho 6 tháng cuối năm

Hôm qua 20.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc chính thức trình QH phương án miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất QH cho phép miễn toàn bộ số thuế TNCN đã giãn (6 tháng đầu năm 2009). Đối với cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán), từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, Chính phủ đề nghị được miễn thuế đến hết năm 2010. Đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú đề nghị giảm thuế TNCN từ ngày 1.7.2009 đến hết năm 2009 với mức thống nhất là 200.000 đồng/người/tháng. Thực hiện thu thuế TNCN bình thường đối với các cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế khác như cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS), từ trúng thưởng, từ thừa kế, quà tặng; cá nhân không cư trú có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng BĐS, từ trúng thưởng, từ nhận thừa kế, quà tặng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, giảm 200.000 đồng/tháng tiền thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền công, tiền lương, có nghĩa là về cơ bản phần lớn cán bộ, công chức nhà nước, người lao động trong các DN, cá nhân có thu nhập ở mức trung bình đều được miễn thuế.

Trong báo cáo thẩm tra, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban này nhất trí với đề nghị miễn toàn bộ số thuế TNCN đã giãn nộp trong 6 tháng đầu năm 2009. Tuy nhiên, về phương án tiếp tục miễn, giảm thuế cho 6 tháng cuối năm 2009 thì vẫn còn có ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán đồng với phương án tiếp tục miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư và chuyển nhượng vốn trong năm 2009, nhưng không đồng ý với việc tiếp tục miễn, giảm đối với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, thu nhập từ kinh doanh, tiền công, tiền lương.

Theo kế hoạch thì quyết định cuối cùng của QH về vấn đề này sẽ được đưa ra vào ngày cuối cùng của kỳ họp (ngày 19.6) bằng một nghị quyết.

Nên miễn thuế TNCN cả năm 2009

Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Đức... họ cũng đều miễn thuế để kích cầu cho tiêu dùng nội địa. Tôi ủng hộ việc miễn thuế TNCN đến hết năm 2009. Tuy Luật thuế TNCN thay thế cho nhiều sắc thuế trước đây nhưng tình huống hiện nay khác với tình huống khi ta xây dựng Luật thuế TNCN, vì thế việc giảm thuế cũng không ảnh hưởng nhiều. Cân đối của chúng ta chịu được mức giảm này.

(Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH)

Có thu nhập cao thì phải nộp thuế

Tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tức là đồng ý miễn số thuế đã giãn, còn từ 1.7.2009 phải thực hiện, nếu không thì ngân sách của Nhà nước sẽ thiếu hụt. Ngân sách phải chi nhiều mà không cái để thu, đó cũng là một khó khăn cho đất nước. Bội chi ngân sách sẽ cao lên và như thế sẽ tiếp tục bị lạm phát cũng như các hệ luỵ khác. Quan điểm của tôi là có thu nhập cao thì phải nộp thuế, bất cứ đó là khoản gì, kể cả chứng khoán. Còn phương pháp để kích cầu, làm cho thị trường chứng khoán, BĐS nóng lên thì có nhiều cách khác chứ không nhất thiết phải miễn thuế.

(ĐB Phạm Thị Loan - Hà Nội)

Cần phải có một chính sách rõ ràng

Đối với những hộ kinh doanh cá thể trước đây nộp thuế thu nhập DN nay chuyển sang nộp thuế TNCN, tôi cho rằng không miễn nhưng cũng nên có chính sách giảm thuế cho họ. Tôi ngại rằng hiện nay do thiếu hụt nguồn thu nên việc khoán thu có thể đặt mức khoán cao, các hộ kinh doanh cá thể lại thuộc diện này, vì thế cần phải có một chính sách rõ ràng.

(Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM)

X.T (ghi)

Xuân Toàn

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.