Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI: Các tiêu chuẩn môi trường sẽ mang tính bắt buộc

23/05/2005 23:42 GMT+7

Những vấn đề mà Chính phủ xin ý kiến QH khi sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường bao gồm: đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn môi trường, báo cáo về hiện trạng môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, đánh giá tác động môi trường trong thực tế đã có tác dụng tích cực trong phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Kinh nghiệm cho thấy là đánh giá tác động môi trường tốt để hạn chế những dự án gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường dễ hơn gấp nhiều lần so với việc cưỡng chế đối với cơ sở không tuân thủ tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, đối với nhiều nước phát triển, đánh giá tác động môi trường là nội dung chủ yếu của các luật, bộ luật về môi trường. Chính phủ đề nghị trong lần sửa đổi này, Luật Bảo vệ môi trường sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc đánh giá tác động môi trường. Cũng trên quan điểm này thì tiêu chuẩn môi trường, thay vì tự nguyện như hiện hành sẽ là "bắt buộc áp dụng". Dự luật bảo vệ môi trường cũng dự kiến đưa ra quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường để xử lý đối với tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường đang thường xuyên xảy ra gây thiệt hại đối với môi trường, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà QH sẽ phải quyết định bởi vì nó có liên quan đến những quy định trong Bộ luật Dân sự.

Thẩm định về tính khả thi của dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, mặc dù đã xác định rõ hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, nhược điểm lớn nhất của dự thảo luật này là vẫn dừng ở mức luật khung, còn quá nhiều điều, khoản phải chờ các văn bản dưới luật mới thi hành được.

Thẩm định về tính khả thi của dự án luật cũng là vấn đề được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục nhấn mạnh đối với dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ với lý do việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ đang là khâu yếu nhất hiện nay ở nước ta, trong khi nó đặc biệt được các nước, tổ chức quốc tế quan tâm khi chúng ta đang trong tiến trình thương thảo để gia nhập WTO. Theo báo cáo thẩm tra, mặc dù dự thảo đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa xác định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan này ở trung ương và địa phương, giữa hoạt động của thanh tra chuyên ngành với hoạt động của công an, hải quan, quản lý thị trường... nên ủy ban này cảnh báo sẽ xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chồng chéo về thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, dự luật cũng chưa quy định đầy đủ về bồi thường thiệt hại như quy định của Hiệp định TRIPS và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Những vấn đề này, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ làm hạn chế tính khả thi của luật khi được ban hành.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH đề nghị gọi tên Luật các công cụ chuyển nhượng mà Chính phủ trình là Luật hối phiếu, vì thực chất nội dung kinh tế trong các giao dịch mua bán chịu, thanh toán tiền hàng, thanh toán vay nợ... đều thể hiện hai hành vi cơ bản là đòi nợ và nhận nợ mà công cụ của nó là hối phiếu đòi nợ và hối phiếu nhận nợ. Cũng theo Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, ngoài mặt tích cực của dự luật là tạo thêm công cụ trong thanh toán thì việc sử dụng các công cụ này sẽ có nhiều trở ngại trong thực tế, và điều này nói lên tính khả thi của luật không cao. Các trở ngại mà ủy ban này nhắc đến là thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến trong xã hội; không ít doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh hiệu quả thấp, độ tín nhiệm thấp, tài chính chưa minh bạch. "Điều này sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền đối với tất cả các bên liên quan trong quá trình chuyển nhượng khi phát sinh sự gian dối, phi pháp, không có khả năng thanh toán...", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên nói.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.