Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII: Mổ xẻ bất cập trong cách làm luật

25/03/2011 00:35 GMT+7

Khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong hoạt động của QH suốt 4 năm qua, song nhiều ĐB khi thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII sáng qua vẫn còn băn khoăn về chất lượng làm luật của QH cũng như vai trò, trách nhiệm của ĐBQH với cử tri.

Theo ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), trong 64 luật đã được QH thông qua tại nhiệm kỳ rút ngắn còn 4 năm, có nhiều dự án luật chất lượng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, vì không có quy hoạch nên tình trạng cố gắng đưa luật vào chương trình rồi lại rút ra một cách dễ dàng vẫn xảy ra hằng năm. Ông Hải cho rằng điều này khiến “hằng năm và cả nhiệm kỳ QH đều không chủ động được việc làm luật do phải tùy thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ”. 

 
Các ĐB thảo luận tổ sáng 24.3 - Ảnh: Ngọc Thắng

“Có nhiều luật ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đưa vào như Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng đến giờ vẫn chưa làm được, điều này tạo kẽ hở pháp lý cho nhóm lợi ích nhỏ giàu lên rất nhanh trong khi dân thì bức xúc, hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang”, ông Hải đơn cử. “Nếu nhìn nhận nghiêm túc thì có phần trách nhiệm của QH”, ông Hải nói.

Lẽ ra nếu dự thảo luật chuẩn bị kém thì nên dừng lại, chưa thảo luận và thông qua, nhưng trong nhiều trường hợp Quốc hội vẫn làm, nhiều khi vẫn còn nể nang nhau

 

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội)

Ở tổ khác, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng nhận xét: QH chưa thật sự nghiêm túc trong vấn đề làm luật, đặc biệt trong việc xem xét các dự án luật do Chính phủ trình. “Lẽ ra nếu dự thảo chuẩn bị kém thì nên dừng lại, chưa thảo luận và thông qua, nhưng trong nhiều trường hợp QH vẫn làm, nhiều khi vẫn còn nể nang nhau”, ĐB này nói.

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cũng chỉ ra bất cập trong cách làm luật hiện nay, đó là thay vì làm các luật theo yêu cầu của đời sống thì QH lại làm theo sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng.

Qua phản ánh của nhiều ĐB cho thấy chính những thực trạng nói trên là nguyên nhân dẫn tới chất lượng các luật còn hạn chế, nhiều luật vừa mới ban hành xong đã phải sửa. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) đề xuất giải pháp QH khóa tới cần phải tăng cường bộ phận giúp việc cho các ủy ban có am hiểu chuyên môn sâu về pháp luật. “Phải học tập kinh nghiệm nước ngoài, QH cần có bộ phận giúp việc chuyên trách về làm luật và phải được trả lương thật cao. Tôi không phủ định thành tích lập pháp của QH ta, nhưng để tốt lên thì QH khóa XIII cần phải làm như vậy”, ông tha thiết đề nghị.

“Dân tìm cả tuần mới gặp được”

Trong nội dung phát biểu, GS Nguyễn Lân Dũng dành hầu hết thời gian để nói về trách nhiệm của ĐBQH với cử tri đã bầu ra mình. Ông cho biết nhận rất nhiều phản ánh của cử tri về việc rất khó khăn để tiếp cận và tiếp xúc được với các ĐBQH. Thậm chí, ngay cả khi diễn ra các hội nghị tiếp xúc cử tri chính thức trước và sau kỳ họp, nhiều cử tri không có giấy mời cũng rất khó khăn để vào được hội trường. “Luật quy định ĐBQH phải thường xuyên tiếp xúc cử tri nhưng nhiều ĐBQH không tiếp dân tại nhà. Có ĐB cả tuần dân tìm mới gặp được một lần, thậm chí còn không gặp được ĐB mà gặp ông thư ký của ĐB đó”, ông Dũng nói.

Chiều 24.3, QH thảo luận tại hội trường về Luật Kiểm toán độc lập. Theo dự thảo luật đã được Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình QH, tổ chức được phép góp vốn thành lập DN kiểm toán theo quy định của Chính phủ; số lượng kiểm toán viên tối thiểu trong một DN kiểm toán là 5 người; ngoài những DN, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm, luật quy định bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các DN, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước...

Ông Dũng cũng không ngần ngại chỉ ra thực trạng cử tri nhiều địa phương không còn gửi gắm niềm tin ở ĐB tỉnh mình, thay vào đó, họ tìm đến cầu cứu các ĐB tỉnh, thành khác vốn hay phát biểu trên nghị trường với nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết. Lý do được dẫn ra là do nhiều ĐBQH ngại va chạm với lãnh đạo địa phương, không dám phản biện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. “Tất cả những điều đó làm giảm sức chiến đấu của QH trong khi QH phải là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin. QH khóa 13 phải thay đổi, là ĐB của dân phải dũng cảm, kể cả đấu tranh với lãnh đạo tỉnh mình”.

Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng vai trò giám sát của cá nhân ĐB chưa có. “Ở nước ngoài, một ĐB có thể hẹn lịch làm việc riêng với bộ trưởng và nội dung cuộc làm việc sẽ được công bố với báo giới. Ở ta thì chưa làm được vì thiếu thông tin, thiếu bộ máy hỗ trợ. QH chưa bao giờ làm hết chức năng nhiệm vụ theo hiến pháp”, ông Quyền nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng nhấn mạnh hạn chế lớn của QH khóa 12 là khả năng giám sát chưa cao. Vì vậy, ông đề nghị: "Cần thay đổi cơ chế để các ủy ban của QH đều có quyền giám sát các bộ trưởng. Phải xây dựng nội dung này thành một thông lệ của hoạt động QH để có thể tăng cường vai trò của ĐBQH với cơ quan hành pháp”.

Theo nghị trình, nội dung Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH sẽ được tiếp tục thảo luận tại hội trường vào ngày 28.3 tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.