'Kỳ lạ' gần 260 xe sang BMW bị 'bỏ rơi' ngoài cảng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/05/2018 09:58 GMT+7

Tại cảng Cái Mép đang tồn đọng đến 118 container (khoảng 256 chiếc) chứa xe mang thương hiệu BMW được nhập về từ đầu năm 2017, song đến nay vẫn chưa có ai đến làm thủ tục nhận.

Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (CMIT) - Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến đầu tháng 5 năm nay, tại CMIT đang tồn đọng đến 118 container (khoảng 256 chiếc) chứa xe mang thương hiệu BMW được nhập về cảng này từ đầu năm 2017, lô xe nhập gần đây nhất cũng đã về hơn 1 năm (4.2017). Song đến nay vẫn chưa có cá nhân, đơn vị nào đến làm thủ tục để nhận.
Khó hiểu gần 260 xe hơi "vô chủ"?
Trao đổi với Thanh Niên, hôm qua 11.5, ông Nguyễn Hồng Khoa, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu CMIT cho biết hiện đơn vị này có báo cáo đề xuất và Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan đề xuất tái xuất lô hàng 256 chiếc xe ô tô hiệu BMW về Đức. Theo quy định quản lý hàng tồn đọng tại cảng thì sau 90 ngày hàng cập cảng mà không có người đến nhận, hải quan cảng sẽ tiến hành phát thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để bắt đầu các thủ tục xử lý hàng tồn đọng. Tuy nhiên, đã có nhiều thông báo phát đi, song đến nay đã hơn 1 năm, đơn vị nhập khẩu vẫn “bặt âm vô tín”.
Dù không có ai nhận nhưng theo ông Khoa, thông tin trên giấy tờ nhập khẩu cho thấy 256 chiếc BMW này là hàng mới. Tất cả đều thông tin khai báo tạm thời trên hồ sơ nhập khẩu. Còn thực chất thế nào, xe mới hay xe cũ, có đúng là 256 chiếc xe không hay hàng hóa khác thì chưa thể kết luận chính xác vì khi chưa làm thủ tục thì chưa khui container, chưa kiểm hóa.
Xe BMW, tang vật vụ án buôn lậu của Công ty Euro Auto đang giữ tại cảng Ảnh: Ngọc Dương
Trao đổi với các chuyên gia xuất nhập khẩu và logistics, đa số đều cho rằng việc không có người nhận đến 256 xe sang hiệu BMW là điều khó hiểu nếu không nói là quá vô lý. Ông Đinh Văn Thiên, chuyên gia logistics và xuất nhập khẩu nhận định có thể lô xe này đang vướng các quy định liên quan đến thuế, xe cũ, xe mới hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện để được nhập. Chứ bảo “vô chủ” chắc chắn là chưa chính xác.
“Đây là khối tài sản lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng, làm sao vô thừa nhận được. Thực tế có nhiều lô hàng tồn đọng cho dù các chi cục hải quan, đội kiểm soát đã xong các thủ tục thông báo, kiểm kê phân loại… nhưng nếu chưa thỏa thuận được mức phí giữa doanh nghiệp cảng và các hãng tàu thì cơ quan hải quan cũng chưa thể ra quyết định tái xuất hay một phương án xử lý cụ thể được”, ông Thiên phân tích.
Tái xuất cũng không dễ
Với đề xuất tái xuất lô xe, ông Khoa khẳng định mọi chi phí do chủ lô hàng, hoặc nhà nhập khẩu chịu chứ cơ quan hải quan hay cảng không chịu chi phí đó. Đại diện CMIT cũng cho rằng buộc tái xuất hay lập thủ tục thanh lý bán đấu giá (nếu có) đều phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cơ quan hải quan.
“Là doanh nghiệp kinh doanh, phía cảng luôn muốn giải quyết mọi thủ tục nhanh gọn nhất nhưng cảng chỉ có trách nhiệm theo dõi, thống kê phân loại hàng hóa tồn đọng, bảo quản hàng hóa tồn đọng và báo cáo lên cơ quan hải quan xử lý chứ không thể đưa ra hướng giải quyết được. Bởi thực tế hàng hóa nếu không có người nhận lâu năm, các chi phí lưu kho lưu bãi sau này tính toán xử lý thế nào cũng là cả vấn đề”, đại diện CMIT thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng giám sát quản lý hải quan - Cục Hải quan TP.HCM cho rằng một lô hàng nếu không thuộc hàng cấm, việc cho phép tái xuất là hoạt động thương mại bình thường. Song với lô xe liên quan thương hiệu BMW thì mọi chuyện rắc rối hơn bởi thương hiệu xe BMW đang liên quan đến vụ án buôn lậu hiện đang được tòa án thụ lý.
Theo kinh nghiệm của cá nhân, chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An cho rằng đa phần các lô hàng này là xe đã qua sử dụng, nhập về song nay vướng quy định mới của Nghị định 116 hoặc không đủ điều kiện nhập nên bỏ.
“Ngày trước chưa có Nghị định 116, xe nhập đã qua sử dụng không quá 10 năm, về tân trang vẫn bán giá cao bình thường. Nay quy định xe cũ không quá 5 năm, thuế nhập từ các nước châu Âu vẫn 60-70%, kiểm tra khí thải, đăng kiểm gắt gao hơn… nếu nhập thì khó có lãi. Nhưng tái xuất, phải giải quyết nghĩa vụ thanh toán tiền lưu kho lưu bãi của hơn 1 năm qua. Ai sẽ chịu chi phí này? Thế nên, việc tái xuất cho dù không phải tài sản liên quan vụ án thì cũng không hề đơn giản”, ông An cho biết.
Ngoài ra, theo ông An, chủ lô hàng mới có thẩm quyền đề nghị tái xuất. Nếu không ai nhận thì hải quan ra quyết định tịch thu hoặc tái xuất. Và nếu tái xuất về nơi sản xuất, chủ lô hàng từ chối nhận thì sao? Phải đặt ra nhiều giải thiết. Như vậy, việc bán thanh lý tạo nguồn thu cho nhà nước là giải pháp tối ưu.
“Thanh lý phải có giám định, phát sinh một lô thủ tục và chi phí sau đó. Với lượng xe lớn như thế này, giá không thấp, thanh lý liệu có người mua không? Đằng nào cũng khó nhưng giải pháp thanh lý có vẻ tốt hơn tái xuất khi lô hàng đang trong tình trạng vô thừa nhận”, ông An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.