Tại Giải Bóng chuyền quốc gia 2012 đang diễn ra ở Hải Dương, hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ vẫn thi đấu lăn xả dù sắp bước vào tuổi 30.
Phạm Kim Huệ đang có trong tay một bộ sưu tập những kỷ lục của bóng chuyền Việt Nam. 17 năm chơi bóng chuyền, 5 chức vô địch quốc gia, 5 lần dự SEA Games… Dù đã làm vợ, làm mẹ và chia tay với “đội bóng của cuộc đời” là Bộ Tư lệnh Thông tin (TLTT) - nay là Thông tin Lienviet Bank - nhưng Kim Huệ vẫn chưa thể xa được bóng chuyền. Gặp lại Huệ sau nhiều năm, chị vẫn bảo như lần gặp cách đây 5 năm: “Nếu không có bóng chuyền thì tôi không còn là chính tôi”.
Những bước ngoặt cuộc đời
Kim Huệ đến với bóng chuyền lần đầu tiên từ năm 1995, khi ấy thủ quân tuyển nữ bóng chuyền quốc gia mới là cô nữ sinh lớp 6 Trường An Dương (Hà Nội). Ngày ấy, đội bóng chuyền nữ Bộ TLTT là một huyền thoại của làng bóng chuyền với những tên tuổi lẫy lừng. Cô gái mới 12 tuổi đã có chiều cao xấp xỉ 1,7 m gần như đã chạm tới ước mơ khi trúng tuyển vào lứa VĐV tài năng của Bộ TLTT.
Mất 4 năm ở đội trẻ, khi vừa tròn 16, Kim Huệ đã được vào đội 1 để rồi suốt những năm cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, Kim Huệ và đồng đội thống trị làng bóng chuyền nữ nước nhà. Năm chức vô địch cùng Bộ TLTT đã giúp Huệ trở thành một tượng đài ở cả CLB đồng thời là cái tên không thể thay thế ở đội tuyển.
Nhưng cuộc đời vốn không bằng phẳng, nhất là với những người con gái đẹp lại bước chân vào nghiệp thể thao. Huệ từng gặp những chấn thương rất nặng như giai đoạn năm 2007 khiến cô phải nghỉ thi đấu gần 2 năm và tưởng như phải nói lời chia tay với bóng chuyền. Dẫu vậy, cuộc đời cũng bù đắp cho Huệ khi chính trong thời khắc khó khăn ấy, chị tìm được bến đỗ cuộc đời bên người đàn ông rất hiểu và yêu thương mình. Huệ cũng tìm thấy niềm hạnh phúc với thiên chức làm mẹ khi tạm xa sân bóng và nhà thi đấu.
Huệ vắng mặt ở 2 kỳ SEA Games 24, 25 nhưng với những nỗ lực trở lại tuyệt vời, hoa khôi bóng chuyền đã có mặt trong đội hình tuyển bóng chuyền nữ giành HCB SEA Games 26, kỳ SEA Games thứ 5 của cuộc đời Huệ.
Tượng đài không bất động
Với đội nữ Bộ TLTT trước đây, Kim Huệ đã trở thành tượng đài nhưng với Huệ, chừng đó là chưa đủ cho tình yêu là niềm đam mê bóng chuyền bất tận của cô. Với quyết định chuyển sang CLB Hà Nội, đội bóng mới xuống hạng, Huệ khiến nhiều người bất ngờ. Tiền thân là đội Bưu điện Hà Nội với rất nhiều hảo thủ nhưng hiện tại nữ Hà Nội không có một “đầu tàu” nào. Huệ về gánh trách nhiệm vừa là đàn chị vừa là thủ lĩnh tinh thần cho lớp đàn em, thậm chí có nhiều VĐV gọi Huệ là cô.
Huệ về đội bóng mới cũng là để nhắm tới một công việc hướng nhiều đến việc huấn luyện hơn là thi đấu. Nhưng hiện tại, khi vẫn còn thi đấu được, cô không chịu ngồi yên. Tại Giải Vô địch quốc gia đang diễn ra ở Hải Dương, Huệ đánh thuê cho đội Ngân hàng Công Thương. Sắp bước vào ngưỡng tuổi 30, Huệ không còn trẻ nhưng vẫn đầy nhiệt huyết. Chị nói: “Tôi sẽ chơi bóng chuyền đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”.
Nhắc đến danh hiệu hoa khôi bóng chuyền, Huệ mỉm cười bảo: “Tôi già rồi, bây giờ lớp VĐV trẻ họ xinh xắn và tài năng hơn nhiều”. Dẫu vậy, hoa khôi Kim Huệ vẫn tỏa ra một vẻ đẹp của sức mạnh và sự dẻo dai mà không phải VĐV trẻ nào cũng có.
Năng động trong kinh doanh Nung nấu ước mơ trở thành bà chủ một shop thời trang từ cách đây 5-6 năm nhưng bận thi đấu rồi lập gia đình, Kim Huệ đành phải gác lại mộng kinh doanh. Nhưng hơn một năm trở lại đây, Huệ gây bất ngờ với những người trong làng thể thao khi mở cửa hàng xăm nghệ thuật. Những ai tìm đến đây đều ngỡ ngàng khi biết bà chủ nổi danh với biệt hiệu Hoa khôi Bóng chuyền Việt Nam một thời. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)