Kỷ nguyên của người sinh học

16/02/2017 19:33 GMT+7

Từ cánh tay robot đến nhãn cầu điện tử, giới chuyên gia đã đạt được thành tựu trong việc thay thế hoặc củng cố một số bộ phận của con người nhờ vào công nghệ mới.

Sau đây là những cách thức giới khoa học đang vận dụng công nghệ sinh học để thay đổi cuộc sống người bệnh:
Mắt
Vào tháng 12.2016, đã có 10 bệnh nhân ở Anh khôi phục được một phần thị lực nhờ vào mắt sinh học. Theo đó, camera nhỏ gắn trên tròng kính gửi hình ảnh qua mạng không dây đến con chip máy tính trên võng mạc. Dù chỉ mới thấy được ảnh trắng đen, các bệnh nhân đã có thể phân biệt được sáng, tối, các hình dạng và vật cản, cũng như học cách quan sát chuyển động nhờ vào mắt Argus II. Đây mới là khởi đầu, bởi Công ty Second Sight của Mỹ cho biết họ sẽ sớm trang bị thêm các chức năng nhận dạng khuôn mặt và tầm nhìn 3D sau các đợt nâng cấp phần mềm.

tin liên quan

Sự xuất hiện của 'người điện tử'
Ủy ban Các vấn đề pháp lý của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo đề xuất cấp quy chế pháp lý cho robot, xếp loại chúng là “người điện tử”.
Não
Chip cấy ghép não giờ đây đang được sử dụng để khai thác sức mạnh ý chí nhằm hỗ trợ người bị liệt. Người đầu tiên hưởng lợi từ công nghệ này là bệnh nhân Mỹ Johnny Ray, người mắc hội chứng nhốt trong và không thể trao đổi với bên ngoài. Hệ thống có tên Giao diện máy tính - não (BCI) giờ đây đã được cải tiến để diễn dịch sóng não thành các chuyển động cơ khí. Trong một sự kiện tại Tubingen (Đức) hồi năm ngoái, một vài bệnh nhân ngồi xe lăn và không kiểm soát được tứ chi đã có thể sử dụng cánh tay sinh học cầm ly uống và dùng nĩa để ăn, nhờ vào 64 điện cực tích hợp bên trong chiếc mũ mềm đội trên đầu.
Chi trên
Công nghệ BCI có thể sớm mang lại lợi ích cho những người bị chấn thương cột sống hoặc từng bị đột quỵ. Hiện đã có chứng cứ cho thấy hoạt động điều khiển cánh tay sinh học trong vòng vài tuần có thể kích hoạt trở lại những dây thần kinh và cơ bắp không phản ứng do bệnh tật. “Nó cho phép bệnh nhân thấy được chuyển động của tay và thậm chí có thể cảm nhận được chuyển động đó”, theo tiến sĩ Surjo Soekadar, người đứng đầu Phòng Thí nghiệm ứng dụng công nghệ thần kinh của Đại học Tubingen. Duy trì thói quen trên đại khái có thể đánh thức các dây thần kinh liên quan đến chuyển động từng bị tê liệt do chấn thương.
Tai
Thiết kế chi giả thật ra khá đơn giản so với thách thức thay thế hoặc nâng cấp các thụ quan của con người, như đôi tai. Kỹ thuật thành công nhất từ trước đến nay là cấy ghép ốc tai, một bộ phận của tai trong, nơi âm thanh được chuyển thành các tín hiệu điện tử nhờ vào 32.000 tế bào lông nhỏ xíu trước khi gửi đến não. Trong phiên bản sinh học, microphone chuyển âm thanh thành các xung kỹ thuật số.
Chi dưới
Phiên bản chân cơ khí hiện đại nhất có thể giúp bệnh nhân liệt chi sải bước với tốc độ 1,6 km/giờ, bằng cách ấn nút để khống chế chuyển động, giải phóng được đôi tay khỏi cặp nạng. Tuy nhiên, tham vọng của Giáo sư Michael Goldfarb và đội ngũ chuyên gia Đại học Vanderbilt (Mỹ) không chỉ dừng lại ở đó. Họ đang thiết kế chân nhân tạo gần giống với nguyên mẫu đời thực, với các khớp gối và mắt cá, cho phép bệnh nhân leo cầu thang như đi trên đất bằng, kèm theo trọng lượng nhẹ.
Tụy
Người bị tiểu đường týp 1 luôn phải được tiêm insulin, có thể đến 5 mũi mỗi ngày. Giờ đây, họ đã có lựa chọn khác: tụy nhân tạo. Các chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) đã phát minh thành công một thiết bị có thể theo dõi lượng đường huyết và bơm insulin mỗi khi cần, ở mức độ chính xác còn cao hơn so với để bệnh nhân tự làm. Báo cáo trên chuyên san New England Journal of Medicine phát hiện tụy nhân tạo cải thiện được hoạt động kiểm soát insulin đến 25%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.