Những ngày qua, nghị trường Quốc hội và nhiều diễn đàn sôi nổi bàn câu chuyện dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam cùng việc tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân tại VN. Không phải ngẫu nhiên 2 dự án có tính chất quan trọng lịch sử lại được đặt song song. Báo cáo của Bộ GTVT trình Quốc hội cho biết tàu ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng điện. Đây là 1 trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh VN đang ưu tiên phát triển nền kinh tế carbon thấp, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Trên cơ sở nhu cầu khai thác và kế hoạch tổ chức chạy tàu đề xuất, đơn vị tư vấn đã tính toán sơ bộ nhu cầu tiêu thụ điện của dự án. Cụ thể, nhu cầu sử dụng điện cho tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam dự kiến giai đoạn 2036 - 2040 khoảng 1,2 tỉ kWh, ước tính chiếm khoảng 0,2% công suất cấp điện năm 2040; đến 2050 là khoảng 6,03 tỉ kWh, ước chiếm khoảng 0,4% công suất cấp điện năm 2050 theo Quy hoạch điện 8.
Nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ ngốn nhiều điện nên điện nền phải đầy đủ, ổn định. Chưa kể, đường sắt đô thị (sử dụng tàu điện) đã được xác định là chiến lược phát triển của các TP lớn tại VN. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn năng lượng cần phải đặt ra ngay từ bây giờ, trong đó yêu cầu bắt buộc là phải thực hiện phát triển điện hạt nhân.
Thực tế, là một trong những nguồn phát thải lớn, ngành giao thông vận tải xác định không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của VN. Vì thế, từ cấp Chính phủ tới địa phương, những đại dự án của ngành giao thông đều đang theo hướng sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Không chỉ ĐSTĐC Bắc - Nam, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ ngay từ khi khởi động đã được các đơn vị nghiên cứu xác định sẽ sử dụng tàu điện, biến tuyến đường sắt này thành công trình thân thiện môi trường. Thậm chí, khi hướng tuyến của dự án còn chưa được "chốt" phương án, các đơn vị đã bàn việc xây dựng hệ thống 9 nhà máy điện "sạch" trải dài từ An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ để phục vụ tàu đường sắt cao tốc nối TP.HCM với vựa nông sản miền Tây.
Bên cạnh ĐSTĐC và đường sắt đô thị, TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… cùng nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đang đồng loạt khởi động chiến dịch xanh hóa giao thông, khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, chủ yếu là xe điện. Trong đó, TP.HCM đang quyết liệt với kế hoạch trở thành TP đầu tiên ở VN phát triển giao thông điện. Để thực hiện mục tiêu này, không chỉ chuyển đổi phương tiện từ xe máy, ô tô chạy bằng xăng sang xe điện, đại diện đơn vị tư vấn còn gợi ý TP.HCM chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ đường bộ (xe tải) sang các phương thức có phát thải carbon thấp hơn như đường thủy và đường sắt. Xe tải, tàu thuyền và thiết bị xếp dỡ cũng chuyển sang sử dụng nhiên liệu phát thải thấp hoặc không phát thải (điện khí hóa). Rồi cảng biển cũng phải chuyển mình thành cảng "xanh" để đồng bộ hệ thống logistics "xanh".
Trên cả nước, số liệu từ nhóm nghiên cứu "Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho VN" cũng chỉ ra rằng: Với kịch bản 100% sử dụng xe máy điện và 70% ô tô điện vào năm 2050, thì nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông là rất lớn: Cần tới 71,87 tỉ kWh vào năm 2050, tương đương lượng điện của 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ rõ vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất khi thực hiện kế hoạch phát triển giao thông điện của TP.HCM là hạ tầng lưới điện. "Không có hệ thống điện tốt thì không thể làm được. Chưa nói đến các trang thiết bị phụ trợ cho hoạt động giao thông, chỉ tính riêng việc chuyển đổi từ ô tô xăng sang ô tô điện, nếu sử dụng mạng lưới điện hiện hữu chắc chắn sẽ sập lưới điện", TS Lê Anh Tuấn lưu ý.
Tương tự, việc đặt mục tiêu xây dựng nhiều nhà máy sản xuất chip trong thời gian ngắn cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các nhà đầu tư. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN đặt ra đến năm 2030 phải có ít nhất 100 DN thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn… Doanh thu bán dẫn đạt 25 tỉ USD, tăng lên 100 tỉ USD với 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 300 DN thiết kế vào năm 2050. Riêng ngành công nghiệp điện tử đến năm 2050 phải đạt trên 1.000 tỉ USD.
Theo nhiều chuyên gia, các mục tiêu trên là đầy tham vọng nhưng khả thi vì VN có nhiều lợi thế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy vậy, đây là ngành sử dụng điện năng cực lớn, hơn cả ngành lọc dầu hay sản xuất ô tô. Để các nguyên liệu thô trở thành chip thành phẩm thường mất trung bình 85 ngày và cần tới 300 hoạt động riêng biệt. Trong đó, các thiết bị được sử dụng có thể kể đến máy cấy ion, máy quang khắc, hệ thống lắng đọng, lò ô xy hóa, máy ăn mòn… Tất cả đều cần nguồn điện lớn để vận hành. Vì thế, một nhà máy lớn có thể sử dụng tới 100 MWh. Trong bối cảnh VN muốn tham gia chuỗi cung ứng sản xuất chip của thế giới, năng lượng là vấn đề phải quan tâm hàng đầu. Thông tin từ Statista cho thấy, năm 2022 gã khổng lồ bán dẫn TSMC của Đài Loan đã tiêu thụ gần 22.000 GWh (1GWh = 1 triệu kWh) năng lượng. Lượng điện năng khổng lồ của 1 nhà máy này vượt xa khả năng cung ứng của hệ thống điện VN hiện tại. Tính hết năm 2023, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trên toàn hệ thống của VN cũng mới đạt hơn 280 tỉ kWh.
Thực tế, nhu cầu tiêu thụ điện của VN tăng 12 - 13% mỗi năm, dự kiến tổng công suất hệ thống điện sẽ cần bổ sung khoảng 70 GW vào năm 2030 và từ 400 - 500 GW vào năm 2050. Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch nhấn mạnh, các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và thủy điện đã hạn chế về cả trữ lượng cũng như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Năng lượng tái tạo dù phát triển mạnh mẽ, cũng chưa đủ để đáp ứng một cách ổn định và lâu dài cho nền kinh tế đang phát triển nhanh. Thế nên phát triển điện hạt nhân là tất yếu. Chỉ riêng ngành bán dẫn, mỗi quy trình chế tạo phức tạp đều đòi hỏi nguồn điện đáng tin cậy, chất lượng cao. Ngay công đoạn ở bậc giá trị thấp cũng cần nguồn điện ổn định. Vì vậy, bất kỳ sự cố nào về nguồn điện, chẳng hạn như mất điện hoặc chập chờn… đều có thể làm gián đoạn hoạt động và dẫn đến lãng phí các lô chất bán dẫn trước đó. "Trong Quy hoạch điện 8, Chính phủ đã ưu tiên phát triển điện từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do đặc tính của điện từ năng lượng tái tạo là không ổn định nên cần điện nền ổn định từ điện hạt nhân để phục vụ các ngành công nghiệp có yêu cầu cao về chất lượng điện như công nghiệp bán dẫn, chứ không phải công nghiệp bán dẫn cần nhiều điện", ông Hoạch lưu ý.
Không chỉ VN, trên thế giới, điện hạt nhân cũng đang nhận được sự chú ý trở lại. Đến nay, đã có 415 lò hạt nhân năng lượng vận hành, 62 lò đang được xây dựng tại 32 quốc gia. Chưa kể 20 quốc gia khác đang xem xét triển khai điện hạt nhân để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu. Tháng 4.2023, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Phần Lan là Olkiluoto 3 hoạt động trở lại, là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu, sau khi bị đình trệ suốt 18 năm qua. Điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân chiếm phần lớn nguồn cung năng lượng tại quốc gia Bắc Âu này.
Tại khu vực châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã và đang gia tăng tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình.
Trong bối cảnh đó, việc VN tái khởi động chương trình điện hạt nhân không chỉ phù hợp với xu thế mà còn khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng toàn cầu. Nhận định điện hạt nhân là yếu tố rất quan trọng để giải bài toán phát thải ròng bằng 0 mà VN đã cam kết tới năm 2050, kỹ sư Đào Nhật Đình, chuyên gia về năng lượng và môi trường, khẳng định: Với nhu cầu các dự án đòi hỏi nguồn năng lượng điện, năng lượng sạch lớn như vậy, phát triển điện hạt nhân là điều tất yếu. Mặt khác, các nguồn điện của VN hiện nay đều có giới hạn. Đơn cử, điện gió ngoài khơi rất tiềm năng, nhưng giả sử một tháng không có gió thì sẽ phải tìm nguồn thay thế. Điện mặt trời thì giới hạn thời gian phát điện và chiếm đất rất nhiều trong khi đất nước ta nhỏ (mật độ dân số cao) nên nguồn lực đất đai không phải dồi dào. Điện than thì gần như không thể vay thêm tiền để phát triển; thủy điện cũng đang dần cạn kiệt. Đó là lý do vì sao hiện nhiều nước tiếp tục gia hạn thêm các lò điện hạt nhân lẽ ra phải đóng cửa vì hết niên hạn. Các nước dùng điện tái tạo nhiều cũng phải dùng điện hạt nhân để chạy nền.
Cũng theo kỹ sư Đào Nhật Đình, VN đang có thuận lợi là chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân, nghĩa là đi theo những gì đã được đặt dấu chân, không phải làm lại từ đầu. Thuận lợi nhất là đã có các vị trí quy hoạch chọn cho điện hạt nhân và kế hoạch, đề án đã từng được xây dựng trước đây. Cùng với đó, quy mô kinh tế, năng lực về ngân sách của chúng ta hiện nay cũng đã cải thiện hơn rất nhiều so với thời điểm mới bàn câu chuyện phát triển điện hạt nhân hồi những năm 2014 - 2015. Điều này cho phép chúng ta có nhiều hơn cơ hội mua điện hạt nhân và đàm phán với các đối tác. Tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ, bởi cầu ngày càng tăng nên phần nguồn cung cũng sẽ bị hạn chế, dẫn tới giá điện đắt đỏ hơn. Các đối tác phát triển điện hạt nhân cũng có nhiều lựa chọn, không còn quá "mặn mà" với chúng ta như trước.
"Làm điện hạt nhân không thể chỉ trong 1 - 3 năm như điện gió, điện mặt trời. Ít nhất phải mất 12 - 15 năm nữa VN mới phát được điện. Chính vì thời gian rất dài nên sẽ rất khó để chúng ta tính toán dùng điện hạt nhân bù đắp ngay nguồn cung điện đang thiếu được. Thế nhưng với những đại dự án trong tương lai, với nhu cầu sử dụng điện rất lớn như vậy, phải rất quyết tâm và thực bụng làm ngay từ bây giờ", ông Đình nói.
TS Nguyễn Huy Hoạch đồng quan điểm rằng VN có nhiều lợi thế khi tái khởi động điện hạt nhân, mà cụ thể là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã tạm dừng vào năm 2016. Trong quá trình thực hiện, các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về an toàn hạt nhân đã được bàn thảo, xem xét. Địa điểm xây dựng cũng được lựa chọn kỹ lưỡng (vị trí cao trình 12-15 m so với mực nước biển) trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản), đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi động đất hay sóng thần…
PGS-TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử VN, bổ sung, vấn đề lựa chọn công nghệ rất quan trọng đối với một dự án điện hạt nhân. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy nên phát triển điện hạt nhân từ công nghệ đã được kiểm chứng. Đó chính là công nghệ với công suất lớn và làm lạnh bằng nước thuộc thế hệ 3+ hoặc thế hệ thứ 4, tức là những thế hệ có yêu cầu rất cao về an toàn và đã được xây dựng ở một số nước. Nhiều nước áp dụng công nghệ này. Bangladesh bắt đầu với điện hạt nhân sau VN, nhưng đến nay họ đã có nhà máy đưa vào hoạt động. Đó cũng là trường hợp cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
"Dự án điện hạt nhân chỉ đơn thuần là một công trình năng lượng đã được thương mại hóa trên thế giới. Tuy khác nhau khâu đầu nhưng các khâu sau về cơ bản là giống nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm làm việc mấy chục năm tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Thông thường sau khi nhà máy đi vào vận hành thì đối tác sẽ vận hành và đào tạo cho chúng ta đội ngũ vận hành qua công việc trong vòng 1,5 - 2 năm sẽ chuyển giao lại toàn bộ cho chúng ta làm chủ việc vận hành. Thế nên, người Việt hoàn toàn có thể vận hành các loại thiết bị của nhà máy điện hạt nhân cũng như khả năng vận hành nhà máy điện hạt nhân", PGS-TS Vương Hữu Tấn lạc quan.
Bình luận (0)